Chung tay giúp người khiếm thị thoát nghèo

Người ta thường nói: 'Giàu hai con mắt, khó hai bàn tay'. Mất đi đôi mắt, cuộc sống của người khiếm thị gặp nhiều khó khăn. Thế nhưng, bằng nghị lực phi thường và lòng yêu lao động, cùng với sự giúp đỡ của các cấp, các ngành, không ít người đã vươn lên, quyết tâm thay đổi số phận...

Lớp học chữ nổi tại Hội Người mù tỉnh.

Nỗ lực vượt khó

Đối diện với cảnh mù lòa, tưởng chừng cuộc đời đã đẩy anh Nguyễn Đình Huynh, xã Các Sơn (Tĩnh Gia) vào ngõ cụt. Trong tháng ngày lay lắt đói khổ, đồng vốn vay dành cho người khiếm thị đến với anh Huynh như chiếc phao cứu sinh, giúp cả gia đình vượt qua cơn bĩ cực. Tâm niệm: “Mình mất đi đôi mắt nhưng vẫn còn hai bàn tay”, người đàn ông khiếm thị chăm chỉ lao động, sản xuất. Nhờ thế, không chỉ thoát khỏi cảnh chạy gạo từng bữa, gia đình anh Huynh còn sửa sang được nhà cửa, phát triển việc trồng trọt, chăn nuôi. Anh Huynh chia sẻ: “Trong mơ, tôi cũng không tin gia đình mình có ngày hôm nay. Nhớ lần đầu vay vốn, cầm số tiền trong tay mà lòng tôi rối như tơ vò, tự hỏi, sau này, biết lấy gì để trả? Thế nên, tôi chỉ dám đầu tư sản xuất nhỏ nhưng an toàn. Dần dần, có đồng vào, đồng ra, gia đình tôi mới mạnh dạn đầu tư vào trồng trọt, chăn nuôi quy mô lớn. Giờ thì chuyện trả nợ cả gốc lẫn lãi không còn là vấn đề nữa”.

Tương tự như anh Huynh, anh Trần Mạnh Cường (TP Thanh Hóa), người tiên phong trong việc phát triển dịch vụ tẩm quất, xông hơi tại TP Thanh Hóa. Năm 1995, dịch vụ tẩm quất, mát xa, xông hơi của Hội Người mù tỉnh chính thức đi vào hoạt động. Để chuyên nghiệp, đạt hiệu quả cao hơn, hội phối hợp với Bệnh viện Y học cổ truyền hướng dẫn những phương pháp điều trị. Hiện tại, hội có hơn 150 hội viên làm việc tại 4 cơ sở trong TP Thanh Hóa với thu nhập ổn định. Anh Cường tâm sự: Ban đầu khi bắt tay vào học nghề tôi cảm thấy khá khó khăn. Bởi đối với người bình thường, họ sẽ nhận thức mọi việc và hoạt động dựa trên sự cảm nhận của 5 giác quan, nhưng chủ yếu lại là qua đôi mắt. Còn những người khiếm thị như chúng tôi chỉ cảm nhận mọi vật bằng 4 giác quan, nhưng phần lớn là qua xúc giác và thính giác. “Người mù tuy không sáng mắt, nhưng bù lại cảm nhận các huyệt đạo rất chuẩn xác và tinh tế, tẩm quất, mát xa rất thành thục. Nhiều khách sử dụng dịch vụ còn thấy thoải mái dễ chịu hơn cả người bình thường làm”, anh Cường cho biết thêm.

Còn nhiều gương điển hình khác như các ông: Lê Văn Hạnh, xã Hợp Lý (Triệu Sơn); Trần Văn Hương, xã Công Bình (Nông Cống); Nguyễn Văn Hóa, xã Thành Long (Thạch Thành); anh Nguyễn Văn Nam (TP Thanh Hóa)... Với họ dù mất đi đôi mắt nhưng vẫn còn sức khỏe, còn đôi tay. Thế nên, những người khiếm thị đã vượt qua những khiếm khuyết trên cơ thể vươn lên khẳng định mình và trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.

Sự chung tay của cộng đồng

Để thực hiện tốt việc xóa đói, giảm nghèo cho hội viên, Hội Người mù tỉnh xác định phải tổ chức dạy chữ, dạy nghề, tạo việc làm cho hội viên. Sau khi đã xác định được hướng đi đúng đắn, các cấp hội trong tỉnh đã tập trung các nguồn lực về kinh phí, cơ sở vật chất để mở các lớp học nghề cho hội viên, nhất là hội viên trong độ tuổi lao động. Hàng năm trên cơ sở hỗ trợ kinh phí của UBND tỉnh, Trung ương Hội Người mù Việt Nam; Tỉnh hội giao nhiệm vụ dạy chữ, dạy nghề cho Trung tâm Giáo dục dạy nghề người mù Thanh Hóa để triển khai mở lớp tại Trung tâm và các hội cơ sở. Kết quả, sau 10 năm (2008-2018), Tỉnh hội đã mở được 35 lớp học nghề tẩm quất cho 710 lượt hội viên, 8 lớp vi tính văn phòng cho 90 hội viên, 4 lớp thanh nhạc cho 51 lượt hội viên. Tại các hội cơ sở đã mở 52 lớp học nghề cho 1.094 lượt hội viên, đào tạo nghề cho 1.945 lượt hội viên với tổng kinh phí hơn 6 tỷ đồng.

Cùng với đào tạo nghề, Tỉnh hội đã làm cầu nối vay vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm (QQGGQVL) cho các hội viên để phát triển kinh tế gia đình, đến nay đã có 1.785 lượt hội viên được vay vốn với tổng vốn quay vòng 8,843 tỷ đồng. Sau 10 năm, tổng doanh thu lao động sản xuất của các cấp hội trong tỉnh đạt 105 tỷ đồng. Nhờ làm tốt việc dạy chữ, dạy nghề, vay vốn, tạo việc làm cho hội viên nên đời sống vật chất, tinh thần của hội viên ngày càng được cải thiện rõ rệt. Đã xuất hiện nhiều tấm gương người mù chủ động vươn lên, năng động, hoạt bát trong lao động sản xuất. Số hội viên có nhà ở kiên cố, mua sắm được các trang thiết bị đắt tiền tăng lên theo từng năm; nhiều hội viên có mức sống khá.

Song song với việc tổ chức các lớp dạy nghề, Hội Người mù tỉnh còn nỗ lực tạo việc làm cho người khiếm thị ngay tại gia đình hoặc điểm sản xuất tập trung. Không chỉ hỗ trợ mua sắm các loại thiết bị, máy móc, hội còn tích cực vận động hội viên chú trọng đổi mới mẫu mã, chất lượng sản phẩm. Nhờ đó, các sản phẩm như tăm tre, chổi đót, hương... của người khiếm thị không chỉ được tiêu thụ trong tỉnh mà còn vươn ra các địa phương khác. Theo báo cáo của các đơn vị, nếu như năm 2007 có 180 hội viên có việc làm thường xuyên với thu nhập bình quân 600.000 đồng/người/tháng; thì đến năm 2017 đã có 327 hội viên có việc làm thường xuyên với thu nhập bình quân khoảng 2,5 triệu đồng/người/tháng, riêng nghề tẩm quất cổ truyền hội viên có thu nhập trên 4 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, còn có hàng trăm hộ gia đình hội viên được vay vốn để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Ông Nguyễn Hữu Hưng, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh cho biết: Với phương châm: “Cho cần câu hơn xâu cá”, những năm qua, Hội Người mù tỉnh thường xuyên liên hệ với Trung ương Hội Người mù Việt Nam, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, các trung tâm, trường học và tổ chức, cá nhân hảo tâm để mở nhiều lớp dạy nghề cho hội viên, như: Làm tăm tre, chổi đót, hương, xoa bóp, bấm huyệt, vi tính văn phòng... Tín hiệu đáng mừng là hầu hết hội viên khiếm thị đều sử dụng nguồn vốn hiệu quả, giúp cuộc sống gia đình ngày càng ổn định. Trong quá trình vay vốn, không có trường hợp nào nợ quá hạn. Việc hoàn trả vốn và lãi được thực hiện nghiêm túc, đúng thời gian quy định.

Nhờ sự hỗ trợ kịp thời của các cấp chính quyền, Hội Người mù tỉnh, QQGGQVL số lượng hội viên, người mù thuộc diện hộ nghèo trên địa bàn tỉnh đã giảm xuống đáng kể. Đời sống tinh thần của hội viên, người mù được nâng lên, giúp họ tự tin, vươn lên trong cuộc sống hòa nhập cộng đồng.

Bài và ảnh: Trần Hằng

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/portal/pages/jzmxfk/new-article.aspx