Chung tay nâng cao đời sống giáo viên

'Qua một năm thực hiện chương trình phối hợp, hoạt động chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho cán bộ, giáo viên đoàn viên công đoàn huyện Gia Lâm càng được chú trọng, đạt hiệu quả cao hơn, qua đó động viên cán bộ, đoàn viên, giáo viên an tâm công tác, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn'.

Đây là đánh giá của LĐLĐ huyện Gia Lâm về kết quả thực hiện chương trình phối hợp công tác giữa LĐLĐ và phòng Giáo dục- Đào tạo huyện trong năm học 2017-2018.

Thực hiện Hướng dẫn của Tổng LĐLĐ Việt Nam và LĐLĐ thành phố Hà Nội về việc sắp xếp lại Công đoàn Giáo dục quận, huyện, thị xã, từ ngày 1/7/2017, LĐLĐ huyện đã tiếp nhận 72 CĐCS các trường học về trực thuộc LĐLĐ huyện và giải thể Công đoàn ngành Giáo dục huyện.

Đại diện lãnh đạo LĐLĐ và Phòng Giáo dục huyện Gia Lâm ký Biên bản bàn giao, tiếp nhận CĐCS giáo dục về trực thuộc LĐLĐ huyện

Tính đến 31/7/2018, LĐLĐ huyện đang quản lý 78 CĐCS các trường học với 3.404/3.405 đoàn viên công đoàn. Bà Trần Thị Tuấn Anh, Phó Chủ tịch LĐLĐ huyện Gia Lâm cho biết, ngay sau khi tiếp nhận CĐCS các trường học từ công đoàn Giáo dục huyện về trực thuộc LĐLĐ huyện, LĐLĐ và phòng Giáo dục đào tạo đã phối hợp chỉ đạo Đại hội CĐCS nhiệm kỳ 2017 - 2022 đồng thời ký chương trình số 135/CTr-LĐLĐ-GDĐT ngày 09/4/2018 Chương trình phối hợp giữa LĐLĐ Thành phố với phòng Giáo dục và đào tạo huyện Gia Lâm giai đoạn 2018 - 2020 nhằm nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước và chất lượng hoạt động CĐCS.

Sau một năm, 8 nội dung trong chương trình phối hợp đã được thực hiện hiệu quả, nổi bật trong đó là hai bên đã phối hợp chặt chẽ trong công tác chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên Công đoàn, cán bộ, giáo viên, người lao động.

Cụ thể, LĐLĐ huyện đã chỉ đạo CĐCS thường xuyên phối hợp với chuyên môn tham mưu đề xuất với cơ quan chức năng quan tâm đến chế độ của cán bộ, giáo viên, nhân viên trong các trường học, giám sát việc thực hiện chế độ chính sách theo quy định đảm bảo công khai, dân chủ, ổn định đời sống, tư tưởng cán bộ, giáo viên, nhân viên.

Các hoạt động chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho cán bộ, giáo viên được các cấp công đoàn huyện đã tập trung triển khai và tổ chức tốt với nhiều nội dung đa dạng, phong phú như: Tổ chức thăm hỏi tặng quà cho đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn, tặng quà nhân dịp tết Nguyên đán, “Tháng Công nhân”, “Tháng hành động vì trẻ em”.

LĐLĐ huyện đã khảo sát và đề nghị LĐLĐ Thành phố hỗ trợ 01 Mái ấm công đoàn cho 01 đoàn viên công đoàn có khó khăn về nhà ở thuộc Trường Mầm non Đa Tốn; phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội Gia Lâm và Quỹ trợ vốn CNVCLĐ nghèo Thủ đô phát triển kinh tế gia đình của LĐLĐ Thành phố Hà Nội hỗ trợ cho126 đoàn viên khối trường vay vốn phát triển kinh tế gia đình.

LĐLĐ huyện cũng phối hợp với các phòng, ban, ngành chức năng giám sát và hướng dẫn Công đoàn các trường tham gia vào công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ chính sách đối với cán bộ giáo viên, nhân viên. Trong thời gian qua, không phát hiện các vi phạm thực hiện Pháp luật lao động, Luật công đoàn tại các đơn vị CĐCS

Bên cạnh việc phối hợp đẩy mạnh chăm lo đời sống, bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng của cán bộ, giáo viên, nhân viên, LĐLĐ và phòng Giáo dục đào tạo huyện còn phối hợp chặt chẽ trong công tác tuyên truyền giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục truyền thống; nắm bắt tâm tư nguyện vọng của cán bộ, giáo viên, nhân viên cũng như phối hợp chặt chẽ trong việc tổ chức các phong trào thi đua, các cuộc vận động của ngành Giáo dục cũng là một nội dung quan trọng đạt được hiệu quả cao.

Hai bên đã phối hợp phát động thi đua với các nội dung, chỉ tiêu thi đua cụ thể, sát với thực tế của các CĐCS khối trường, nội dung gắn với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Tiêu biểu như phong trào “Sáng kiến sáng tạo”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “Người tốt, việc tốt”, “Dạy tốt, học tốt”... được đông đảo đoàn viên tích cực hưởng ứng tham gia.

Phong trào viết sáng kiến kinh nghiệm khối trường tiếp tục được đẩy mạnh, năm học 2017-2018 đã có 1.012 đề tài sáng kiến sáng tạo được nghiệm thu ứng dụng vào thực tiễn. Các CĐCS đã phối hợp với chuyên môn tích cực đẩy mạnh thực hiện các cuộc vận động “Dân chủ - Kỷ cương - Tình thương - Trách nhiệm”, “Nhà giáo Hà Nội giúp đỡ học sinh có khó khăn”, “Hỗ trợ giáo dục miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn”.

Đây là những cuộc vận động, phong trào mang tính nghề nghiệp sâu sắc, thiết thực nâng cao chất lượng đội ngũ, góp phần thực hiện thành công đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, đồng thời động viên các học sinh gặp hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập.

Phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, LĐLĐ và Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Gia Lâm sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ trên các mặt hoạt động, nhất là trong việc chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên Công đoàn, cán bộ, giáo viên, người lao động và tổ chức tốt các phong trào thi đua, các cuộc vận động.

“LĐLĐ và Phòng Giáo dục- Đào tạo huyện sẽ tiếp tục phối hợp chỉ đạo CĐCS các trường tổ chức tốt Hội nghị cán bộ công chức cơ quan trên cơ sở rà soát các điều khoản để bổ sung vào các quy chế, quy ước trong nội bộ cơ quan, điều chỉnh sửa đổi phù hợp và có lợi cho người lao động cũng như phối hợp tổ chức phát động và nâng cao hiệu quả các phong trào thi đua, nhất là thi đua “Dạy tốt, học tốt”, phát huy sáng kiến sáng tạo, qua đó góp phần nâng cao chất lượng hoạt động CĐCS cũng như hoạt động chuyên môn của ngành giáo dục” - Bà Trần Thị Tuấn Anh khẳng định.

Phạm Diệp

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/chung-tay-nang-cao-doi-song-giao-vien-79181.html