Chung tay tiết kiệm điện ở miền Nam: Bài 1 - Nhiệm vụ cấp bách

Thời tiết ngày càng khắc nghiệt, tiêu thụ điện lại tăng cao nên chưa bao giờ cụm từ 'tiết kiệm điện' lại được nhắc nhiều như thời điểm hiện nay.

Tiêu thụ điện tăng vọt

Mùa hè năm nay được dự báo tiếp tục là một mùa hè khắc nghiệt, các giá trị nhiệt độ có thể bị xô đổ khi chúng ta chuyển từ trạng thái La Nina sang El Nino, nghĩa là từ 1 năm mưa nhiều sang 1 năm nắng hạn. Ngay trong tháng 5 này, có những ngày nhiệt độ ở miền Bắc và miền Trung vượt ngưỡng 40 độ C.

Mặc dù mới bắt đầu bước vào mùa hè nhưng tình hình cung cấp điện cho hệ thống đã rất căng thẳng. Điển hình như ngày 19/5 tiêu thụ điện toàn quốc tăng lên mức kỷ lục 924 triệu kWh, cao nhất từ đầu năm, tăng 10,5% so với cùng kỳ. Công suất tiêu thụ cực đại đạt 44.600 MW, cao nhất từ đầu năm đến nay và tăng 8,5% so với cùng kỳ.

Mùa hè năm nay tiếp tục là một mùa nắng nóng khiến lượng điện tiêu thụ ở phía Nam tăng cao

Mùa hè năm nay tiếp tục là một mùa nắng nóng khiến lượng điện tiêu thụ ở phía Nam tăng cao

Tại miền Nam, thông tin từ Trung tâm Điều độ hệ thống điện TP. Hồ Chí Minh, ngày 5/5, lượng điện năng tiêu thụ toàn thành phố tiếp tục lập kỷ lục mới với sản lượng lên tới 94,434 triệu kWh/ngày, tăng 868.606 kWh so với đỉnh vừa được lập ngày 25/4 là 93,566 triệu kWh. Trước đó, ngày 21/4, lần đầu tiên trong năm, lượng điện tiêu thụ tại TP. Hồ Chí Minh lập kỷ lục với sản lượng điện tiêu thụ trong ngày đạt 93,53 triệu kWh/ngày.

Như vậy, chỉ trong vòng 15 ngày vào mùa nóng, lượng điện tiêu thụ tại TP. Hồ Chí Minh liên tục lập "kỷ lục" mới. Lượng điện tiêu thụ liên tục tăng cao trong khi sản xuất điện gặp khó khiến nguy cơ thiếu điện dần hiện hữu.

Tại báo cáo gửi Bộ Công Thương mới đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã dùng từ tình trạng khẩn cấp để nói về những khó khăn trong vận hành hệ thống, bảo đảm cung ứng điện giai đoạn tới. EVN nhấn mạnh, thủy điện được xem là nguồn chạy nền và có giá thành rẻ nhất trong các nguồn điện, nhưng diễn biến thủy văn không thuận lợi. Điện than và khí cũng là nguồn điện chạy nền chiếm tỷ trọng lớn, nhưng tình trạng thiếu than đang diễn ra trầm trọng.

EVN cảnh báo: Việc vận hành hệ thống điện trong các tháng cao điểm nắng nóng (tháng 6 và tháng 7) sẽ rất khó khăn, đặc biệt hệ thống điện miền Bắc phải đối mặt với tình trạng không đáp ứng được phụ tải đỉnh của hệ thống với công suất thiếu hụt lớn nhất khoảng từ 1.600MW đến 4.900MW.

Cấp bách tiết kiệm điện

Thông tin tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2023 mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết: Lường trước được tình hình khó khăn trong cung cấp điện tại thời gian cao điểm nắng nóng năm 2023, Chính phủ, trực tiếp Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành và các đơn vị liên quan khẩn trương, quyết liệt thực hiện các giải pháp cần thiết để bảo đảm cung ứng điện ở mức cao nhất, đặc biệt trong giai đoạn khó khăn mang tính ngắn hạn.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã triển khai các giải pháp nhằm đảm bảo điện, chỉ đạo các đơn vị quyết liệt, khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ để ứng phó, đảm bảo cung ứng điện trong các tháng cao điểm nắng nóng.

Cụ thể, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị điện lực tập trung thực hiệu quả các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao về bảo đảm cung ứng điện mùa khô năm 2023. Bộ Công Thương đã nhiều lần trực tiếp chỉ đạo, hỗ trợ EVN thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Đồng thời, rà soát công tác vận hành hệ thống điện, chỉ đạo các đơn vị phát điện: chuẩn bị nhiên liệu sẵn sàng phục vụ cho phát điện; thành lập, tăng cường các bộ phận trực ca và ứng trực hỗ trợ công tác vận hành; thực hành tiết kiệm điện ngay trong các đơn vị nội bộ; đảm bảo an toàn lưới điện truyền tải, lưới điện phân phối đảm bảo cho vận hành an toàn, hiệu quả; khẩn trương khắc phục những sự cố, tồn tại để đưa vào vận hành các nhà máy điện phục vụ cho cung cấp điện.

Bộ Công Thương cũng yêu cầu tăng sản lượng than cho cấp điện, điều tiết việc cung cấp than để tăng lượng than cho phát điện khoảng 300 nghìn tấn cho tháng 5 và khoảng 100 nghìn tấn cho mỗi tháng tiếp theo (tháng 6, tháng 7); tăng 18% lượng khí cấp khu vực Đông Nam Bộ và 8% lượng khí cấp khu vực Tây Nam Bộ cho sản xuất điện.

Bên cạnh đó yêu cầu khẩn trương đưa các nhà máy năng lượng tái tạo chuyển tiếp vào vận hành, nối lưới để có thể phát điện ngay lên hệ thống điện quốc gia.

Các doanh nghiệp điều chỉnh phụ tải để chung tay tiết kiệm điện

Cùng với những giải pháp trên, Bộ Công Thương đã kêu gọi và trân trọng đề nghị các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các hộ gia đình và mọi tầng lớp nhân dân trên toàn quốc hãy đồng tình ủng hộ, chung tay chia sẻ khó khăn với ngành điện, tăng cường thực hiện đồng bộ, triệt để các biện pháp sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, đặc biệt là trong giai đoạn mùa khô (nhất là thời điểm từ nay đến ngày 30/6/2023).

Hưởng ứng lời kêu gọi, các tình, thành phía Nam liên tục phát động nhiều chương trình hưởng ứng thi đua tiết kiệm điện. Trong đó, tại TP Hồ Chí Minh, giữa tháng 5, UBND Thành phố đề nghị cán bộ, người dân cần hạn chế mặc áo vest, đồ trang trọng khi làm việc, dự họp. Các đơn vị khác như trường học, cơ sở đào tạo, cơ sở sản xuất, cơ sở công nghiệp, trung tâm thương mại cũng được đề nghị hạn chế sử dụng 50% thang máy. Đối với máy lạnh cần để ở mức 26 độ C, mở trễ hơn giờ làm việc 1 tiếng và tắt sớm hơn 1 tiếng. Tắt và hạn chế đèn hành lang, đèn bãi xe. Nếu có thể, các đơn vị sử dụng máy phát điện dự phòng để chủ động nguồn điện.

Đối với hệ thống đèn chiếu sáng giao thông sẽ mở trễ hơn 30 phút và tắt sớm hơn 30 phút so với hiện nay. Ngoài ra, Thành phố sẽ giảm 50% chiếu sáng sau 22h tại các tuyến đường ít người qua lại. Đèn quảng cáo được yêu cầu giảm 50% sau 22h, tắt toàn bộ đèn trang trí sau 22h.

Tại Đồng Nai, UBND tỉnh này đã ban hành công văn về đẩy mạnh tiết kiệm điện năm 2023. Theo đó, yêu cầu các cơ quan hành chính sự nghiệp, tòa nhà văn phòng, các trường học, trung tâm thương mại, cơ sở dịch vụ, điều chỉnh máy điều hòa nhiệt độ từ 26 độ C trở lên, mở máy điều hòa trễ 60 phút và tắt máy điều hòa sớm 60 phút so với giờ làm việc. Tắt hoặc giảm 50% công suất hệ thống chiếu sáng hành lang, bãi giữ xe, khuôn viên, các khu vực công cộng. Dừng hoạt động 50% số thang máy. Khuyến khích sử dụng cầu thang bộ khi di chuyển giữa các tầng gần nhau.

Đối với các cơ sở công nghiệp, sản xuất tắt hoặc giảm 50% công suất hệ thống chiếu sáng hành lang, bãi giữ xe, khuôn viên, các khu vực công cộng. Tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên để chiếu sáng nhà xưởng, cơ sở sản xuất. Dịch chuyển một phần các hoạt động sản xuất sau 22 giờ. Các cơ sở công nghiệp, sản xuất tham gia các chương trình điều chỉnh phụ tải khi có đề nghị từ điện lực.

Tại An Giang cũng chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai các giải pháp cấp bách tăng cường tiết kiệm điện đảm bảo tiết kiệm điện năng tiêu thụ hàng tháng 10% so cùng kỳ. Các tổ chức, đơn vị quản lý vận hành hệ thống chiếu sáng công cộng áp dụng các biện pháp để tiết kiệm điện năng tiêu thụ hàng tháng 50% so cùng kỳ…

Còn nữa...

Nhóm phóng viên

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/chung-tay-tiet-kiem-dien-o-mien-nam-bai-1-nhiem-vu-cap-bach-256735.html