Chung tay tìm giải pháp phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã

Đây là mục đích chính của Diễn đàn Kinh tế hợp tác, hợp tác xã 2019 do Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức sáng nay (14/10), tại Hà Nội.

Với Chủ đề “Cơ hội và Thách thức phát triển Kinh tế hợp tác, hợp tác xã”, Diễn đàn Kinh tế hợp tác, hợp tác xã 2019 có sự tham dự của 500 đại biểu đại diện Lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành trung ương, các tổ chức chính trị xã hội…. Liên minh hợp tác xã 63 tỉnh, thành phố, các chuyên gia, các nhà khoa học trong nước và quốc tế.

Vẫn khó về vốn, đất đai…

Kinh tế tập thể, hợp tác xã được khẳng định là một bộ phận không thể thiếu trong nền kinh tế, hiện đang đóng góp 10% GDP của cả nước và đặc biệt có vai trò quan trọng trong mục tiêu kinh tế tăng trưởng bền vững, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo và cải thiện môi trường.

9 tháng đầu năm 2019, số hợp tác xã thành lập mới đạt 1.598, giải thể 341 hợp tã xã yếu kém; thành lập mới 2 liên minh hợp tác xã. Tính đến 9/2019, cả nước có 23.905 hợp tác xã, tăng 6,5% so với năm 2018, trong đó có 22.649 hợp tác xã đang hoạt động. Tổng vốn điều lệ của các hợp tác xã là 32 nghìn tỷ đồng. Đến tháng 9/2019, cả nước có khoảng 1.500 hợp tác xã sản xuất, kinh doanh theo mô hình chuỗi giá trị thị trường trong và ngoài nước.

Toàn cảnh Diễn đàn Kinh tế hợp tác, hợp tác xã 2019

Toàn cảnh Diễn đàn Kinh tế hợp tác, hợp tác xã 2019

Tại diễn đàn, các đại biểu đã cùng nhau trao đổi các nội dung: Rà soát những cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế hợp tác; đánh giá hoạt động của các mô hình kinh tế hợp tác xã kiểu mới tại các địa phương, các chính sách thúc đẩy phát triển hợp tác xã hoạt động có hiệu quả; bài toán thị trường cho các hợp tác xã và chia sẻ những khó khăn từ phía các hợp tác xã trong thực hiễn hoạt động tại các địa phương, kiến nghị giải pháp tháo gỡ…

Bà Lưu Thị Chỉ - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Thái Bình – cho hay, thực hiện Điều 6 Luật Hợp tác xã năm 2012, Nghị định 193… các hợp tác xã còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, thiết bị lạc hậu, tài sản thế chấp vay ngân hàng không đủ điều kiện. Bên cạnh đó, việc điều hành và minh bạch tài chính còn nhiều bất cập, có khoảng 9,2% số hợp tác xã kiểm toán độc lập chủ yếu hợp tác xã phi nông nghiệp và Quỹ tín dụng nhân dân; mối liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ còn yếu; tư tưởng của một bộ phận thành viên hợp tác xã nông nghiệp chuyển đổi con tư duy nhỏ lẻ, giữ đất… làm kìm hãm sự phát triển của hợp tác xã, ảnh hưởng đến sự cạnh tranh trên thị trường, chưa phát huy được tiềm năng…

Các hợp tác xã gần như không tiếp cận được đất đai dù nhu cầu thực tế rất lớn. Việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng cũng nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Phi Đức – Chủ tịch HDQT Hợp tác xã Dương Liễu (Hoài Đức, Hà Nội) nêu quan điểm – hiện, chưa có nhiều hợp tác được giao đất, nhiều hợp tác xã nông nghiệp chuyển đổi đã có đất nhưng chưa được giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Bên cạnh đó, Nghị định số 46/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 quy định miễn, giảm tiền sử dụng đất đối với hợp tác xã nông nghiệp đến hết năm 2020. Tại Điều 20, Khoản A quy định hợp tác xã thuê đất để sử dụng làm trụ sở, cơ sở sản xuất kinh doanh được giảm 50% tiền thuê đất nhưng chỉ đối với các dự án mới còn các dự án kiểu cũ đều không được giảm. Hiện nay Luật Phí và Lệ phí chưa quy định hợp tác xã là đối tượng được miễn giảm. “Tôi đề nghị Chính phủ nên quy định giảm 50% tiền thuê đất hàng năm cho tất cả các hợp tác xã nông nghiệp bất kể là dự án thuê đất mới đã được giao thời điểm nào thay vì những dự án mới và quy định chỉ được giảm đến năm 2020 như hiện nay. Đồng thời cũng nên quy định tỷ lệ giảm tiền thuê đất cho các hợp tác xã phi nông nghiệp để đảm bảo môi trường được ưu đãi cho các hợp tác xã”, ông Nguyễn Phi Đức nhấn mạnh.

Tại Diễn đàn, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu, việc này mở ra cơ hội nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức. Trong đó, yếu tố chất lượng, giá thành, thương hiệu… đóng vai trò quan trọng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của kinh tế tập thể, hợp tác xã. Để phát triển đồng bộ các thành phần kinh tế, trong đó có kinh tế tập thể đòi hỏi các chính sách về đất đai, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng phù hợp và kịp thời cho hợp tác xã. Về phía hợp tác xã phải nâng cao năng lực quản trị, minh bạch tài chính đối với hợp tác xã…

Tăng cường liên kết hợp tác

Liên quan đến vấn đề cơ chế chính sách cho việc phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, theo quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012, Nhà nước có 6 chính sách hỗ trợ đối với hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã và 2 chính sách ưu đãi gồm: Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp và các loại thuế khác theo quy định của pháp luật về thuế; Ưu đãi lệ phí đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí).

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Diễn đàn

Riêng đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông lâm như nghiệp còn được hưởng 5 chính sách hỗ trợ, ưu đãi khác gồm: Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; Giao đất, cho thuê đất để phục vụ hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của pháp luật về đất đai; Ưu đãi về tín dụng; Vốn, giống khi gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh; Chế biến sản phẩm.

Các chính sách này đã được cụ thể hóa trong Chương trình hỗ trợ phát triển hợp tác xã giai đoạn 2015- 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2261/QĐ-TTg ngày 15/12/2014. Bên cạnh đó, nhiều địa phương đã ban hành và thực hiện các chính sách hỗ trợ riêng nhằm khuyến khích các HTX phát triển, phù hợp với khả năng và đặc điểm của địa phương. Tuy nhiên, công tác triển khai còn rất nhiều hạn chế. Có chính sách hầu như chưa thực hiện được như chính sách hỗ trợ về kết cấu hạ tầng. Một số chính sách có thực hiện nhưng hiệu quả chưa cao như chính sách ưu đãi tín dụng, chính sách hỗ trợ chế biến sản phẩm… Chính vì vậy, mặc dù có rất nhiều chính sách, nhưng trên thực tế, số lượng hợp tác xã được hưởng chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước chưa nhiều.

Để đưa kinh tế tập thể thoát khỏi những yếu kém để phát triển, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn, tiến tới có tỷ trọng ngày càng lớn hơn trong GDP của nền kinh tế, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, việc ban hành và triển khai các chính sách hỗ trợ, ưu đãi của nhà nước đối với hợp tác xã là một yếu tố rất quan trọng. Bên cạnh đó, các hợp tác xã phải hợp tác lại với nhau theo mô hình hợp tác xã kiểu mới, đồng thời, hợp tác xã phải hợp tác với doanh nghiệp thì mới có thể nâng cao được năng lực cạnh tranh trong bối cảnh thương mại toàn cầu.

Nguyễn Hạnh - Bùi Hùng

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/chung-tay-tim-giai-phap-phat-trien-kinh-te-hop-tac-hop-tac-xa-126573.html