Chung tay vì trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số

Để trẻ em được hưởng đầy đủ quyền lợi của mình, Bình Liêu đã nỗ lực thực hiện tốt công tác truyền thông, nâng cao năng lực về bảo vệ, chăm sóc trẻ em bằng nhiều hình thức gắn với các hoạt động quản lý, giáo dục thanh thiếu nhi, học sinh trong dịp hè.

Học sinh Trường PTDT Bán trú THCS Đồng Văn tập nghi thức Đội.

Hiện nay, toàn huyện Bình Liêu có 7.830 trẻ em dưới 16 tuổi, 166 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và 2.603 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Thêm nữa, địa hình miền núi vùng sâu, vùng xa; nhận thức của đồng bào còn hạn chế. Đội ngũ cán bộ phụ trách công tác trẻ em ở cơ sở thường xuyên thay đổi. Số điểm vui chơi cho trẻ em trên địa bàn huyện còn ít. Đứng trước những khó khăn đó, cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Bình Liêu luôn nỗ lực ưu tiên dành nguồn lực làm tốt công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Ngay từ đầu năm 2019, huyện đã lên kế hoạch chuẩn bị cho các hoạt động hè diễn ra sôi nổi, bổ ích, tạo được sân chơi an toàn, lành mạnh cho trẻ em. Các cơ quan, đơn vị chức năng của huyện đã phối hợp chặt chẽ, xây dựng kế hoạch triển khai phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Theo đó, huyện đã rà soát các điểm, trung tâm vui chơi, nhà văn hóa thôn, khu, bản để phát hiện các yếu tố mất an toàn, nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em, đề ra biện pháp khắc phục kịp thời, trích kinh phí để mua đồ chơi cho các điểm sinh hoạt hè, giới thiệu cho thanh, thiếu nhi tham gia các lớp năng khiếu, giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích, phòng chống xâm hại tình dục.

Học sinh Trường Mầm non Tình Húc làm quen với các loại hình dân ca, dân vũ. Ảnh: La Lành (CTV)

Đặc biệt, riêng trong Tháng hành động vì trẻ em năm 2019 (tháng 6), thực hiện chủ đề “Chung tay vì trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số”, huyện đã đẩy mạnh hoạt động truyền thông; vận động các cơ quan, đơn vị, nhà hảo tâm cùng chung tay giúp đỡ cả về thể chất và tinh thần cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em dân tộc thiểu số. Các tổ chức đoàn cũng chủ động đa dạng hóa hình thức sinh hoạt hè tại khu dân cư, xã hội hóa tổ chức các lớp năng khiếu hè cho thiếu niên, nhi đồng; tổ chức ra quân dọn vệ sinh hàng tuần tại khu dân cư, các khu vực đường biên, cột mốc cho thiếu niên tham gia; tổ chức các hoạt động hè (từ 1/6 đến 15/8) với chủ đề “Mùa hè xanh, chắp cánh yêu thương”.

Nhờ sự vào cuộc đồng bộ đó, công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em đạt kết quả cao. Trẻ em ngày càng được quan tâm trong nhiều lĩnh vực như học tập, vui chơi giải trí, chăm sóc sức khỏe, đặc biệt trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Trẻ em dưới 6 tuổi được khám chữa bệnh miễn phí và tiêm chủng đầy đủ theo định kỳ, trẻ em thuộc gia đình hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ chi phí học tập và miễn giảm học phí, đời sống văn hóa tinh thần được nâng cao. Hàng năm, Bình Liêu đều dành kinh phí 200 triệu đồng cho các hoạt động vì trẻ em như: Chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng, hỗ trợ về y tế, giáo dục, thăm, tặng quà nhân ngày lễ, tết.

Tổ từ thiện Chính Tâm Hạ Long trao tặng 15 chiếc xe đạp cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện. Ảnh: La Lành (CTV)

Trong 6 tháng đầu năm 2019, huyện đã tặng quà tết tổng trị giá 6,4 triệu đồng cho 16 em có hoàn cảnh khó khăn đang học tập, nuôi dưỡng tại Cơ sở bảo trợ trẻ em Quảng Ninh; tặng 15 suất quà tổng trị giá 4,5 triệu đồng cho trẻ em tại lễ phát động Tháng Hành động vì trẻ em; tặng quà cho 2.543 trẻ em trường mầm non và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nhân dịp 1/6 với tổng kinh phí 32,43 triệu đồng; ủng hộ quỹ bảo trợ trẻ em tỉnh 3 triệu đồng. Đồng thời, huyện Bình Liêu cũng đã tổ chức 6 lớp tập huấn kỹ năng phòng chống đuối nước, kỹ năng tham gia các trò chơi cho trẻ em; thường xuyên rà soát, đảm bảo 100% trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được chăm sóc, giúp đỡ; trẻ sinh ra được làm giấy khai sinh đầy đủ; 100% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh miễn phí và tiêm chủng đầy đủ; trẻ em hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ chi phí học tập và miễn giảm học phí.

Bà Triệu Thị Hồng Thơm, Phó trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Bình Liêu, cho biết: Công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em ở Bình Liêu đã nhận được sự phối hợp chặt chẽ của các ngành thành viên, cấp ủy chính quyền cơ sở; triển khai chương trình dành cho trẻ em, xây dựng cơ sở dữ liệu về bảo vệ chăm sóc trẻ em theo định kỳ; kịp thời tham mưu, đề xuất những vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách để đảm bảo xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh cho trẻ em và chăm sóc hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em nghèo. Chương trình bảo vệ và chăm sóc trẻ em huyện đã được triển khai thực hiện đạt kết quả cao. Trẻ em ngày càng được quan tâm trong nhiều lĩnh vực như học tập, vui chơi giải trí, chăm sóc sức khỏe, đặc biệt trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Trong thời gian tới, để công tác chăm sóc và giáo dục trẻ em được tốt hơn, nhất là đối với trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em dân tộc thiểu số, huyện Bình Liêu sẽ tổ chức nhiều hơn các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ huyện, xã, thị trấn và cộng tác viên công tác xã hội; đầu tư cơ sở vật chất cho các điểm vui chơi; xây dựng môi trường vui chơi an toàn, lành mạnh cho trẻ em; tạo mọi điều kiện tốt nhất cho trẻ em trên địa bàn huyện phát triển một cách toàn diện.

Huỳnh Đăng

Ý kiến người trong cuộc:

Cô giáo Nông Thị Uyên, Hiệu trưởng Trường Mầm non Lục Hồn:
“Nhà trường luôn mở cửa cho trẻ vui chơi trong dịp nghỉ hè”
Do tỷ lệ học sinh là người dân tộc thiểu số cao nên, nhà trường chủ trương vận động trẻ đến trường sau nghỉ hè. Đến trường trẻ được thỏa sức vui chơi tại sân trường. Trường đã họp nhắc nhở phụ huynh quán triệt không nhờ người đón con, không được giao trẻ cho người lạ. Trường đã được trang bị đầy đủ trang thiết bị và khu vui chơi cho các cháu ở trong nhà và ngoài trời, để các cháu có một sân chơi tốt nhất. Để cung cấp bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ, ngoài số tiền được hỗ trợ, nhà trường chỉ thu từ 15.000-40.000 đồng một cháu. Các điểm trường xa trung tâm xã, nhà trường cũng cố gắng bố trí 6 trẻ thì có một cấp dưỡng. Các giáo viên làm thêm trong kì nghỉ hè được hỗ trợ 5 triệu đồng/người/tháng để chăm sóc trẻ được tốt hơn.

Chị Nguyễn Thị Lệ, phụ huynh học sinh ở khu Bình An, thị trấn Bình Liêu:
“Chúng tôi yên tâm về công tác chăm sóc trẻ em ở huyện nhà”
Là một phụ huynh có hai cháu đang độ tuổi nhi đồng, tôi rất quan tâm đến vấn đề chăm sóc con trong dịp nghỉ hè. Do nhà ở thị trấn Bình Liêu, cơ sở vật chất phục vụ cho thiếu nhi vui chơi ở thị trấn cũng tốt hơn nhờ vào công tác xã hội hóa. Ngoài các hoạt động vui chơi, trẻ em ở đây cũng được học các kỹ năng chống đuối nước, kỹ năng sống và kỹ năng tự bảo vệ khi có hành vi xâm hại. Các cháu còn được học thêm các môn năng khiếu như học hát, vẽ, đánh đàn, tham gia các trò chơi dân gian. Nói chung, tôi khá yên tâm về vấn đề vui chơi của con cái mình. Mong rằng các cháu thiếu nhi ở các xã, thôn bản khó khăn khác của huyện Bình Liêu cũng được quan tâm nhiều hơn.

Chị Trần Thị Thu Hường, Bí thư Huyện Đoàn Bình Liêu:
“Tổ chức nhiều hoạt động để lôi cuốn thanh, thiếu niên, nhi đồng”
Huyện Đoàn thực hiện chức năng của tổ chức đoàn và hội các cấp, tiến hành quản lý học sinh về hè. Chúng tôi đã tổ chức các lớp học năng khiếu trên địa bàn dân cư, tập trung dạy đá bóng, vẽ, các môn năng khiếu. Và đặc biệt hai năm nay chúng tôi duy trì tốt lớp hát then - đàn tính cho các em học sinh để gìn giữ nét văn hóa đặc trưng trên địa bàn. Ngoài ra, chúng tôi còn tổ chức các đội thanh niên tình nguyện, trong đó có các em sinh viên về nghỉ hè có kỹ năng cùng với đoàn thanh niên của thị trấn và xã đến vùng sâu, vùng xa để dạy các em kỹ năng phòng chống đuối nước, phòng chống động vật cắn, tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông, phòng chống bắt cóc và đặc biệt là kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục đối với trẻ em. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tổ chức các hoạt động vui chơi tập thể, hoạt động văn hóa văn nghệ, các trò chơi dân gian. Trong tháng 7, các tổ chức đoàn ở đơn vị cấp xã sẽ tập trung vào các hoạt động uống nước nhớ nguồn, thăm hỏi động viên các hộ gia đình chính sách trên địa bàn, dọn dẹp vệ sinh môi trường, thắp nến tri ân, tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ.

Ông Vi Văn Hồng, Trưởng Phòng LĐ-TB &XH huyện Bình Liêu:
“Phối hợp thực hiện tốt chăm sóc trẻ em”
Phòng LĐ-TB&XH chúng tôi là đơn vị thường trực, hướng dẫn, chủ trì phát động và triển khai thực hiện Tháng hành động vì trẻ em năm 2019 gắn với chủ đề “Chung tay vì trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số”. Chúng tôi cũng đã phối hợp với Phòng GD&ĐT và Huyện Đoàn thực hiện tốt công tác tuyên truyền và giáo dục cho thanh thiếu nhi, học sinh về kỹ năng sống, kỹ năng nhận biết nguy cơ tổn hại, kỹ năng tự bảo vệ bản thân để phòng tránh xâm hại, phòng chống bạo lực, phòng chống tai nạn thương tích. Đồng thời, chúng tôi phối hợp tổ chức 6 lớp học bơi cho trẻ em, ưu tiên trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hộ nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số; chủ trì kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện Tháng hành động vì trẻ em tại các xã, thị trấn. Phòng cũng được giao phụ trách chỉ đạo Tháng hành động vì trẻ em và hoạt động hè của xã Tình Húc.

Ông Ngô Văn Mậu, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Bình Liêu:
“Hướng dẫn các em vui chơi an toàn"
Chúng tôi đã thực hiện sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể trong việc quản lý giám sát học sinh, hướng dẫn trẻ em vui chơi an toàn, lành mạnh, phòng chống bạo lực, phòng chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng và trong xã hội, phòng chống tai nạn thương tích, đặc biệt là tai nạn đuối nước trong dịp hè. Ngành Giáo dục cũng tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền kỹ năng sống, giáo dục pháp luật cho học sinh; cử giáo viên tham gia các lớp tập huấn về công tác chăm sóc trẻ em; tổ chức các đội tuyên truyền măng mon tại các trường THCS về kiến thức bảo vệ chăm sóc trẻ em; phối hợp với Đoàn thanh niên và các đoàn thể liên quan đẩy mạnh tuyên truyền về chương trình “Học kỳ quân đội”, cử học sinh tham gia hội thi Họa mi vàng, hội thi tin học, hội thi hùng biện tiếng Anh.

Minh Hồng - Phạm Học (Thực hiện)

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/201906/chung-tay-vi-tre-em-ngheo-tre-em-dan-toc-thieu-so-2444239/