Chúng tôi hy sinh đất mà không thấy quảng trường, nhà hát, chỉ thấy phân lô bán nền?

Cuộc tiếp xúc với cử tri quận 2 ngày 9/5 được coi là 'lịch sử' khi kéo dài từ 14h đến 20h45'. Giống như con nước bị chặn lại nay được phá bờ, các cử tri thay nhau phát biểu không biết mệt mỏi để 'thỏa' những kìm nén trong thời gian dài vừa qua.

Một người dân ôm đầu suy tư trong buổi tiếp xúc.

Hướng về các ĐBQH, với lời nói rõ ràng, rành mạch, cử tri Đặng Thị Bích Ngọc (ngụ đường Lương Định Của) cho rằng tài sản của mình đã bị “cưỡng chiếm”.

“Nhà tôi bị cưỡng chiếm vào 30/11/2011. Nếu quận 2 lấy đúng pháp luật đó là cưỡng chế, nhưng họ đập nhà tôi nằm ngoài ranh quy hoạch thì rõ ràng là cưỡng chiếm” – bà giải thích cho cách dùng từ của mình.

“Họ đập phá nhà cửa, đẩy gia đình tôi ra đường sống khổ sở 7 năm nay. Giờ tôi yêu cầu chỉ vị trí 160ha (tái định cư) ở đâu, tại sao toàn bộ các khu dân cư lại bị giải tỏa trắng lại mọc lên khu dân cư phía Bắc, đúng vào khu dân cư chúng tôi sau khi bị cưỡng chiếm?” – bà chất vấn.

Run rẩy cầm tờ giấy lặp lại đến 2 lần yêu cầu của mình như vô thức, bà Nguyễn Thị Dung (ngụ đường Lương Định Của) cho biết, bà có mảnh đất rộng 89m2 và bị quận cưỡng chế ngày 1/3/2012. Vì già yếu, neo đơn nên từ đó đến nay, bà lê lết quanh các con đường “ăn xin từng đồng mà sống qua từng ngày”.

“Tôi chưa nhận đồng bồi thường nào và họ dúi tôi vào sống tạm cư” – bà nói. Đồng thời bà cho biết, mức phí quản lý lẫn điện nước hơn 100.000 đồng mỗi tháng thực sự là gánh nặng với người không nơi nương tựa như bà.

Là người khiếu kiện trong thời gian dài, cử tri Nguyễn Thị Tám chia sẻ rằng mình “gặp hoài” các ĐBQH của thành phố “cả ở đây và ở Hà Nội” vì bà từng ra đó 2 tháng.

“Chính quyền cưỡng chế xong rồi mà không đưa ra được bản đồ quy hoạch thì dựa vào đâu các anh đập nhà tôi?” – bà chất vấn.

Cử tri Đặng Văn Truyền thì cho biết, gia đình ông cùng nhiều hộ dân tại khu phố 1 phường Bình An và khu phố 1, 2 phường Bình Khánh cho rằng, đất của mình ngoài ranh quy hoạch nhưng vẫn bị chính quyền quận 2 khi đó cưỡng chế.

“Ngày 23/12/2015, khi tôi đang ở trong nhà thì họ tới buộc phải ra ngoài. Từ trụ cột chính trong gia đình mà bao năm nay tôi mất nhà, mất công ăn việc làm, bị đẩy ra khu tạm cư nhếch nhác. Những người dân cố cựu của Thủ Thiêm mà khổ như vậy thì làm sao đúng chính sách của Nhà nước?” – ông nói.

Cử tri trình tấm bản đồ cỡ lớn trước bàn làm việc của các ĐBQH.

Còn cử tri Nguyễn Tiến Thịnh thì “tâm sự” với các ĐBQH rằng: “Chúng tôi sẵn sàng hy sinh đất hy sinh nhà để đến giờ chỉ thấy mọc lên cao ốc, phân lô bán nền mà không thấy quảng trường, nhà hát”.

Rơi nước mắt trình bày với các ĐBQH, ông Trần Kim Long cho biết, ông xa TP.HCM mấy chục năm, đến khi quay trở lại thấy nhà đã bị giải tỏa, ông làm đơn thưa kiện nhưng chưa được giải quyết. Đau khổ chưa dừng lại - vì vậy mà “vợ tôi đã uất ức mà chết”.

Ngồi chăm chú nghe tất cả các ý kiến của cử tri, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm đã phải nhiều lần trấn an những tiếng khóc lóc, lớn giọng. Bà cam kết sẽ nghe hết các ý kiến và khuyên những cử tri lớn tuổi không nên quá xúc động để giữ sức khỏe.

“Bà con hỏi có day dứt không? Xin thưa với cô bác là rất day dứt. Nghe cô bác nói vậy xót xa lắm. Khi cô bác còn ý kiến có nghĩa là còn tin mình, vậy mà mình lại không giải quyết được” – bà Tâm nhìn nhận.

Bà Tâm cũng bình tĩnh đón nhận những lời công kích khá nặng nề vào cá nhân mình: “Cô bác nặng lời cỡ nào mình cũng nghe. Nghe để giải quyết, mình giải quyết chưa thấu đáo thì cô bác nói mình phải nghe” – bà chia sẻ.

Nói với PV sau cuộc họp, một cử tri bày tỏ rằng họ biết cuộc họp hôm nay sẽ không thể kết thúc được vấn đề, tuy vậy họ hài lòng khi mình được nói lên những ấm ức lâu nay, và quan trọng hơn qua báo chí, truyền thông tiếng nói của họ đã được hàng triệu người nghe, chứ không chỉ gói gọn trong các cơ quan mà họ từng khiếu kiện như hàng chục năm qua vẫn vậy.

Phương Cường

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/chung-toi-hy-sinh-dat-ma-khong-thay-quang-truong-nha-hat-chi-thay-phan-lo-ban-nen-post261884.info