Chúng tôi là 'phóng viên PX'

Hầu hết đều là dân 'tay ngang', chưa hề được đào tạo chuyên ngành báo chí, tuy nhiên bằng tình yêu, sự đam mê, họ đã bám trụ với nghề viết hàng chục năm nay.

Bất kể nắng mưa, bão lũ, đêm hôm, dịch bệnh, hỏa hoạn hay phải đối mặt với tội phạm hình sự, ma túy đầy hiểm nguy, hễ nhận lệnh là họ nhanh chóng có mặt tại hiện trường để phản ánh một cách đầy đủ, chân thực về các vụ án, khắc họa hình ảnh của những chiến sĩ Công an trong nhiều hoàn cảnh để kịp thời gửi đến bạn đọc, khán, thính giả trên cả nước. Họ là những người làm báo đang công tác tại Phòng Công tác Đảng và Công tác chính trị (PX03) của Công an các địa phương trên toàn quốc, thường được gọi với cái tên thân thương: “Phóng viên PX”… Họ chính là những “cánh tay nối dài” của Báo CAND trên khắp mọi miền Tổ quốc, góp phần giữ cho dòng chảy tin tức của hệ thống báo chí CAND luôn sống động, tươi mới mỗi ngày…

Đại úy Đặng Việt Anh (Phòng PX03, Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế) tác nghiệp trong tâm lũ.

1. Còn nhớ, tại sự cố sạt lở đất nghiêm trọng ở thủy điện Rào Trăng 3 ở xã Phong Xuân (huyện Phong Điền, Thừa Thiên-Huế) làm 17 công nhân cùng 13 đồng chí trong đoàn ứng cứu sự cố bị mất tích. Nhận được tin báo, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ Công an cùng phương tiện lên đường cứu nạn cứu hộ. Vượt lòng hồ thủy điện Hương Điền giữa dòng nước xiết, tiếp tục vượt hàng chục km đường rừng đầy hiểm nguy, Thiếu tá Trần Đình Hồng, Đội trưởng Đội Tuyên truyền – Thi đua khen thưởng, Phòng PX03 Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế cùng Đại úy Đặng Việt Anh đã có mặt tại hiện trường từ rất sớm. Những thước phim, hình ảnh về hàng ngàn tấn đất đá sạt lở vùi lấp gần như toàn bộ nhà điều hành và các lán trại của công nhân; bùn, đất đá, cây cỏ phủ ngổn ngang tạo thành một gò cao với hàng nghìn khối đất; những tiếng gọi xé lòng “đồng đội ơi” vang vọng giữa núi rừng yên ắng; những người thân của 17 nạn nhân gào thét trong tang thương… đã được các anh ghi lại đầy cảm xúc, kịp thời chuyển tải đến người dân trên cả nước đang hướng về Rào Trăng ở thời điểm đó.

Thiếu tá Trần Đình Hồng - một trong những cá nhân “ẵm” nhiều giải thưởng nhất của Đội tại các kỳ liên hoan phim, các giải báo chí khác tâm sự, để thực hiện tốt công tác tuyên truyền, mỗi CBCS phải thực hiện tất cả các công đoạn để có một sản phẩm báo chí hoàn chỉnh như: tự dàn dựng, đạo diễn, ghi hình, chụp ảnh, thu thập tư liệu, viết bài, dựng hậu kỳ, liên hệ để đăng tải và phát sóng. Bên cạnh đó, anh em đơn vị thường xuyên băng rừng, vượt lũ, nằm bờ, dầm mưa, ngủ bụi cùng với trinh sát các đơn vị nghiệp vụ để thực hiện nhiệm vụ. Khó khăn, vất vả là vậy nhưng mỗi CBCS làm nhiệm vụ tuyên truyền luôn tích cực tự học, tự rèn, tự đào tạo, tự rút kinh nghiệm gắn với phong trào thi đua “CAND học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy”.

Thiếu tá Trần Đình Hồng tác nghiệp tại hiện trường sạt lở đất đá ở Thủy điện Rào Trăng 3.

Xuất phát từ tình yêu, niềm đam mê làm báo, những năm gần đây, rất nhiều tác phẩm dự thi của cán bộ, chiến sĩ Phòng PX03 Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế đã đoạt giải thưởng xứng đáng tại các giải báo chí do Bộ Công an, Hội Nhà báo tỉnh Thừa Thiên-Huế tổ chức. Đó là Huy chương Vàng chuyên mục Vì an ninh Tổ quốc, Huy chương Vàng phóng sự “Tự hào mang họ Bác Hồ” tại Liên hoan truyền hình, phát thanh CAND năm 2019; giải Ba với thể loại phóng sự “Mạnh tay với xế và cồn” tại Liên hoan phim toàn quốc về ATGT năm 2019; Huy chương Vàng phóng sự phát thanh “Bẫy” tín dụng đen” tại Liên hoan phát thanh – truyền hình CAND lần thứ XII năm 2019; Huy chương Vàng phóng sự phát thanh “Cảnh giác ma trận lừa đảo trên không gian mạng” tại Liên hoan truyền hình, phát thanh CAND năm 2022. Cũng trong kỳ liên hoan phim 2022, Phòng PX03 đoạt 1 Huy chương Bạc và được tặng 3 Bằng khen của Bộ Công an…

Thượng tá Lê Quang Phi, Phó Trưởng phòng PX03 Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế chia sẻ, những CBCS trên mặt trận tuyên truyền đang ngày đêm cầm bút, dùng chính trí tuệ và tâm huyết của mình để lan tỏa những điều tốt đẹp, cảm hóa những người lầm lỗi hay đấu tranh phản bác những luận điệu sai trái gây ảnh hưởng tới danh dự, uy tín Đảng, Nhà nước và phản ánh khách quan, trung thực những vấn đề liên quan đến công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; giúp nhân dân nâng cao ý thức cảnh giác và trách nhiệm trong việc phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm. Đặc biệt, sự nỗ lực tích cực đó đã góp phần vào công tác đảm bảo ANTT, mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.

2. Trung úy Lê Cao Thiên, Đội Tuyên truyền -Thi đua khen thưởng, Phòng PX03 Công an tỉnh Sơn La cho biết, năm 2021, tốt nghiệp Học viện ANND, anh được điều động công tác tại Công an tỉnh Sơn La.

Trung úy Lê Cao Thiên (bên phải) cùng đồng nghiệp Phòng PX03, Công an tỉnh Sơn La trao đổi, hoàn thiện tác phẩm.

Ngần ấy thời gian lăn lộn cùng đồng đội đến những bản làng người Mông, người Thái, người Dao… đằm mình trong những cơn mưa ở vùng biên giới nơi miền sơn cước này là chuỗi những kỷ niệm. Đến giờ, Trung úy Lê Cao Thiên vẫn không thể quên được ngày mà anh và đồng đội đến với xã vùng cao Phiêng Cằm, huyện Mai Sơn. Trung úy Cao Thiên và Thượng úy Hoàng Trung Hiếu được phân công nhiệm vụ tuyên truyền về Đề án “Nuôi em”. Đây là một trong những Đề án đầu tiên trong lực lượng Công an cả nước khi Công an tỉnh Sơn La đã thực hiện việc nhận chăm sóc, nuôi dưỡng các em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong địa bàn toàn tỉnh đến khi các em đủ 18 tuổi. Chính từ Đề án nhân văn ấy, tác phẩm “Nuôi em” được ra đời và đoạt Huy chương Vàng hạng mục tác phẩm Báo chí của Liên hoan truyền hình – phát thanh CAND lần thứ XIII của nhóm “phóng viên PX03” Công an Sơn La.

Trung úy Lê Cao Thiên kể lại, đêm trước ngày bấm máy, anh trằn trọc không sao ngủ nổi. Lục đục từ 5h30 sáng, xe của đoàn công tác từ TP Sơn La, lắc lư hơn 70km, sau hai lần lạc đường cũng đến được Phiêng Cằm. Địa bàn chủ yếu là người Mông, đường lên các bản còn nhiều gập ghềnh, khó khăn. Cơn mưa đêm để lại cho bản người Mông những bùn lầy. Đón đoàn là Thiếu tá Trần Minh Hải – Trưởng Công an xã Phiêng Cằm và anh em trong UBND và Hội Liên hiệp Phụ nữ xã.

“Đoàn chúng tôi đến nơi mà bốn em nhỏ đang sống hàng ngày. Trước mắt tôi là căn nhà nhỏ nằm giữa một mỏm đồi, nếu nói đó là căn nhà cũng không chính xác, đúng hơn thì đó chỉ là một chiếc lều dựng tạm để bốn chị em hàng ngày chui vào chui ra. Mùa hè nắng nóng đổ lửa, mùa đông lạnh tím người. Những khi gió lớn, cảm tưởng như căn nhà đó sẽ bị cuốn phăng đi cùng gió trời. Ấy vậy mà căn nhà đó đã che mưa che nắng cho các em nhiều năm nay” -Trung úy Lê Cao Thiên xúc động kể lại.

Trong bốn em nhỏ, em lớn năm nay 10 tuổi, em nhỏ nhất cũng vừa tròn 6 tuổi, duy nhất em lớn hiểu được tiếng phổ thông và nói bập bẹ được 1-2 từ đơn giản, còn tất cả đều không nói được tiếng Kinh. Nhờ các anh em trong Công an xã và người thân duy nhất, người cậu ruột của các em làm “thông dịch viên” bất đắc dĩ, chúng tôi cũng biết 4 em tên lần lượt là Lý Thị Sông, Lý A Hụ, Lý Thị Dê và Lý A Chợ. Người cậu cho biết bố các em vì nghiện ma túy nên đã phải chấp hành án từ nhiều năm nay, còn mẹ do bạo bệnh đã nằm lại trên một chiếc mương gần nhà. Bốn chị em có một người chị nữa nhưng mới 12 tuổi, cũng lang thang nay đây mai đó, chẳng mấy khi về với các em. Do vậy, trong căn nhà xiêu vẹo ấy, bốn chị em Sông, Hụ, Dê, Chợ thân bọc thân, ôm ấp lấy nhau mà sống. Cuộc sống của các em bơ vơ như con nai của núi, của rừng, nhưng con nai thì vẫn lớn lên trong bầu sữa của mẹ đến khi đủ lớn thì mới thôi, còn các em thì không.

Căn nhà của các em, gọi là “nhà” nhưng bốn bề chắp vá những tấm bạt dứa trùm lên, một chiếc giường được đan bằng tre, không đệm, không tấm lót và chỉ có duy nhất một chiếc chăn bông gạo đã nhàu nát ngả màu cháo lòng. Hơi ấm duy nhất trong căn nhà hiu hắt này chính là bếp lửa, một bếp lửa chờn vờn cùng một chiếc xoong và cái ấm đã hoen gỉ theo thời gian. Bữa cơm của bốn chị em nhà Sông, Hụ, Dê và Chợ là cơm cùng nước lã các em múc ở suối lên.

Khi được “các bố”, “các mẹ” đón về nuôi dưỡng trực tiếp tại Công an tỉnh, trong đôi mắt ngây thơ của cả bốn em nhỏ thắp lên những ngọn lửa hy vọng cho những tháng ngày tốt đẹp ở nơi đây. Trong vòng tay của “mẹ Thủy”, các em được ăn những bữa cơm ngon, mặc những bộ quần áo mới và sẽ chẳng còn những ngày màn trời chiếu đất nữa. Chị Nguyễn Thị Thủy, cán bộ Phòng Hậu cần được phân công nhiệm vụ lo ăn, ở, chăm sóc các con đến nay vẫn nhớ như in bữa cơm đầu tiên khi đón các em về đơn vị. “Hôm ấy, nhìn các con ăn ngon mà lòng tôi vui sướng. Tôi tự nhủ, những đứa trẻ này từ hôm nay sẽ trở thành những đứa con của mình, nhiệm vụ sẽ có nhiều khó khăn, nhưng với tình yêu trẻ thì bản thân tin mình sẽ làm được”. Tại môi trường mới, ngoài rèn luyện tác phong chuẩn chỉ, đúng giờ, Công an tỉnh Sơn La còn phân công cán bộ, chiến sĩ mỗi buổi tối vào Phòng Cảnh sát cơ động để kèm các em học bài, uốn nắn từng thao tác, từng nét chữ, từng môn học.

Chương trình nhận nuôi trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của Công an tỉnh Sơn La phát động, triển khai đã và đang thu lại những hiệu quả thiết thực, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Từ chương trình này, nhiều em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được Công an tỉnh Sơn La nhận nuôi, chăm sóc, chở che và dạy dỗ. Điều này không chỉ giúp các em có điều kiện ăn, học tốt hơn mà còn tiếp sức, nuôi dưỡng và chắp cánh cho những ước mơ vượt lên số phận, trở thành người con có ích.

“Cảm ơn Đề án “Nuôi em” của Công an tỉnh Sơn La đã cho những phóng viên trẻ như chúng tôi hiểu về những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống, để từ đây sẽ là những nguồn cảm hứng cho chúng tôi tiếp tục say mê với nghề, góp sức mình cùng lan tỏa yêu thương đến những mảnh đời, những nơi còn muôn vàn khó khăn nơi đất này” – Trung úy Lê Cao Thiên chia sẻ.

3. Để làm tốt công tác tuyên truyền việc thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, Đại úy Trương Thị Hoài Thương (bút danh Xuân Thảo, cán bộ tuyên truyền Phòng PX03 Công an tỉnh Trà Vinh) đã nghiên cứu kỹ từng chi tiết, gặp trực tiếp cán bộ chuyên trách để được giải thích cặn kẽ dữ liệu về dân cư gồm những trường thông tin gì, quá trình thu thập dữ liệu khó khăn, vất vả ra sao, thế nào là “đúng, đủ, sạch, sống”, ứng dụng dữ liệu về dân cư vào những vấn đề gì, nhân dân và doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi ích gì?…

Đại úy Trương Thị Hoài Thương (Phòng PX03, Công an tỉnh Trà Vinh) tác nghiệp về cấp căn cước công dân và chuyển đối số trên địa bàn tỉnh.

Đặt mình vào người dân, doanh nghiệp trước khi đặt bút viết, bên cạnh cách hành văn gần gũi, mang tính quần chúng, Đại úy Thương lựa chọn những đề tài thời sự, phần nào giải đáp được thắc mắc của người dân, doanh nghiệp về thực hiện Đề án 06 tại tỉnh Trà Vinh. Hằng ngày, chị sắp xếp một khoảng thời gian phù hợp có mặt tại điểm cấp Căn cước công dân (CCCD) cố định hoặc Tổ cấp CCCD lưu động để lắng nghe ý kiến của người dân, kịp thời đưa tin, bài tuyên truyền phù hợp. Những ngày nắng như đổ lửa, Đại úy Thương vẫn đồng hành cùng các tổ công tác, Công an cơ sở để tuyên truyền, vận động người dân làm CCCD và cài đặt tài khoản định danh điện tử; kịp thời ghi nhận hình ảnh CBCS làm nhiệm vụ đến tận nhà người già, hoàn cảnh neo đơn hỗ trợ làm CCCD. Sự nỗ lực của Đại úy Thương đã góp phần vào thành tích chung của Công an Trà Vinh trong việc thu nhận hơn 1 triệu hồ sơ cấp CCCD và trên 150.000 hồ sơ cấp tài khoản định danh điện tử mức 2.

Thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền về hoạt động của Công an tỉnh Đồng Tháp triển khai thực hiện Đề án 06, từ tờ mờ sáng, Thiếu tá Nguyễn Thanh Thảo (cán bộ Đội Tuyên truyền - Phòng PX03 Công an tỉnh Đồng Tháp) vượt quãng đường 70km đến bến phà xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp). Để cấp CCCD cho người dân ở 3 xã Phú Thuận A, Phú Thuận B và Long Thuận, tổ cấp CCCD lưu động của Công an huyện Hồng Ngự phải đi qua TP Hồng Ngự và qua bến phà này.

Thiếu tá Nguyễn Thanh Thảo (cán bộ Đội tuyên truyền Phòng Công tác Đảng và Công tác chính trị Công an Đồng Tháp) ghi nhận ý kiến của người dân về công tác cấp CCCD trên địa bàn tỉnh.

Nhiệm vụ của Thiếu tá Thảo là ghi lại những hình ảnh chân thật nhất, lắng nghe nguyện vọng của người dân và phản ánh nhiệm vụ cụ thể của CBCS Công an tỉnh trong cao điểm “60 ngày, đêm” hoàn thành việc cấp CCCD cho công dân có đủ điều kiện trên địa bàn tỉnh. Tổ cấp CCCD lưu động Công an huyện Hồng Ngự có 3 cán bộ. Dù di chuyển trên đoạn đường xa, mang theo nhiều thiết bị, phải làm việc liên tục, không một phút nghỉ ngơi nhưng các anh vẫn nhiệt tình khi đến nhà những hoàn cảnh đặc biệt, như: cụ già neo đơn, bệnh tật, già yếu. Người bệnh không chỉ sức khỏe yếu, tinh thần không phải lúc nào cũng minh mẫn nên các anh phải nhẹ nhàng năn nỉ thì các cụ mới chịu làm. Có cụ bệnh nhiều năm không thể ngồi được, để chụp bức ảnh chân dung cho cụ, người thì sửa nét mặt cho cụ, người thì chụp ảnh để lấy được tấm ảnh rõ nét, chân thật nhất.

Thiếu tá Nguyễn Thanh Thảo chia sẻ: “Trong chuyến đi ấy, tôi bước vào căn nhà cấp 4 đơn sơ, đập vào mắt tôi là đứa trẻ đáng thương. Hỏi thăm mới biết, cháu 15 tuổi. Khi chưa được đầy tháng, cháu bị sốt, dù gia đình chạy chữa nhiều nơi nhưng căn bệnh bại não khiến cháu như đứa trẻ vài tháng tuổi, không thể nói, không đi lại được, mọi sinh hoạt phải do người thân chăm sóc. Để chụp được tấm ảnh, lấy dấu vân tay cho cháu là điều không dễ dàng. Sau khi chụp được một tấm ảnh vừa ý thì đến công đoạn lấy dấu vân tay vất vả hơn nhiều. Vì đôi bàn tay cháu co quắp lại, không thể duỗi thẳng ra, các anh phải kéo ra từng ngón mới lăn được trên máy. Các anh sợ cháu bị đau nên cũng không dám làm mạnh, vỗ về, an ủi, động viên mãi mới lấy được dấu vân tay. Nhìn các anh nhẫn nại, ánh mắt toát ra vẻ trìu mến, ấm áp khiến tôi nể phục sự cố gắng của các anh”.

Trong công cuộc chuyển đổi số, những CBCS Công an từ tỉnh đến xã, với nhiệm vụ được giao, các anh không ngần ngại đến từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng để thu thập dữ liệu dân cư. Bước qua giai đoạn ấy, đầu năm 2021, các anh tập trung toàn lực vào chiến dịch cấp CCCD cho nhân dân trên địa bàn tỉnh. Ngày cũng như đêm, CBCS trong tổ cấp CCCD thay phiên nhau thức để làm nốt phần việc được giao một cách nhanh nhất. Ăn nhanh, uống vội, vài tháng chưa về thăm nhà là câu chuyện không hiếm của rất nhiều CBCS trong quá trình thực hiện nhiệm vụ cấp CCCD.

“Với tôi, khi tận mắt chứng kiến CBCS ngày, đêm cấp CCCD tại các xã mới thấy hết được sự khó khăn, vất vả của người lính nơi địa bàn cơ sở”, Thiếu tá Nguyễn Thanh Thảo cho hay.

Lãnh đạo Phòng PX03 Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế tác nghiệp giữa tâm dịch COVID-19.

“Khoác trên mình màu áo CAND, hơn ai hết chúng tôi thấu hiểu những gian nan, vất vả và cả những hiểm nguy thường trực mà đồng chí, đồng đội của mình đang ngày đêm đối mặt. Với trách nhiệm của mình, tình yêu của những người “chiến sĩ cầm bút” luôn gửi trọn trong từng câu chữ, theo sát dấu chân hành trình phá án của đồng chí, đồng đội trên mọi nẻo đường. Mỗi địa bàn, mỗi tính chất sự kiện có đặc thù tác nghiệp riêng, dù là những chuyến công tác tại vùng sâu, vùng xa trong tỉnh hay những lần đến tận sào huyệt của bọn tội phạm”, Thượng úy Lê Trọng Nguyễn (cán bộ Đội Tuyên truyền Phòng PX03 Công an tỉnh Bạc Liêu) chia sẻ…

Thượng úy Lê Trọng Nguyễn (bìa phải, cán bộ Đội tuyên truyền Phòng Công an tác Đảng và Công tác chính trị Công an Bạc Liêu) trao đổi với người dân về công tác cấp CCCD và kích hoạt tài khoản định danh điện tử trên địa bàn tỉnh.

Chỉ những ai từng lăn lộn với thực tế làm nghề mới hiểu, để phản ánh được tình hình ANTT đến với độc giả là chặng đường đầy thử thách ý chí của những người làm công tác báo chí tuyên truyền trong CAND. Vì điều ấy mà Đại úy Trương Bích Ân, Phó Đội trưởng Đội Tuyên truyền -Thi đua khen thưởng, Phòng PX03 Công an tỉnh Bạc Liêu luôn trăn trở: “Mặc dù là những nhà báo không chuyên nhưng chúng tôi luôn có mặt kịp thời để ghi lại thông tin, hình ảnh, thước phim trân quý về CBCS Công an tỉnh trong từng công việc… Nhận thức được trách nhiệm, chúng tôi quyết tâm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, sử dụng ngòi bút của mình góp phần tích cực cùng đồng đội bảo đảm ANTT địa phương”.

Thượng úy Lê Trọng Nguyễn cho biết thêm, làm báo đòi hỏi sự đam mê, nhiệt huyết và cả sự dấn thân, bằng tình yêu nghề, chúng tôi luôn cố gắng sắp xếp thời gian, dung hòa công việc gia đình, sẵn sàng xông pha tác nghiệp. Trải qua nhiều năm công tác, chúng tôi tự đúc rút bí quyết làm nghề của mình, chính là tích cực tự học, tự rèn, học hỏi, trao đổi, cùng nhau phát triển.

Bằng tấm lòng nhiệt huyết của những cán bộ làm công tác tuyên truyền, Công an tỉnh Bạc Liêu đã có hàng ngàn tin bài, phóng sự đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng, nhất là Báo CAND. Kịp thời cung cấp thông tin, định hướng dư luận; làm rõ âm mưu, phương thức, thủ đoạn của các loại tội phạm… giúp nhân dân nâng cao ý thức cảnh giác trong việc phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm.

Hải Lan – Cao Thiên – Văn Đức - Mộng Tuyền

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/cong-an/chung-toi-la-phong-vien-px-i697616/