'Chúng tôi mong muốn người bệnh được điều trị nhanh, hiệu quả và tiết kiệm chi phí nhất...'

Tại Cuộc thi Sáng tạo Dịch vụ tỉnh Quảng Ninh lần thứ I (2016-2017), đề tài

Tại Cuộc thi Sáng tạo Dịch vụ tỉnh Quảng Ninh lần thứ I (2016-2017), đề tài "Hiệu quả dịch vụ kỹ thuật nút mạch trong điều trị một số bệnh lý khối u và chảy máu cấp tính trong chấn thương tạng đặc tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh" do bác sĩ Ngô Quang Chức cùng các cộng sự Vũ Anh Tuấn, Nguyễn Thanh Phương thực hiện đã đoạt giải nhất.

Phóng viên báo Quảng Ninh Cuối tuần đã có cuộc trò chuyện cùng bác sĩ Ngô Quang Chức, Phó Khoa Chẩn đoán hình ảnh (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), đại diện nhóm tác giả đề tài.

- Được biết, nút mạch điều trị chảy máu cấp tính trong chấn thương vỡ tạng và điều trị khối u là một kỹ thuật tiên tiến có nhiều ưu điểm, anh có thể giới thiệu khái quát về kỹ thuật này?

+ Đây là một kỹ thuật rất phổ biến từ những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ XX ở một số nước có nền y học tiên tiến như: Pháp, Áo… Ở Việt Nam, một số bệnh viện tuyến Trung ương như: Bạch Mai, Việt Đức... thực hiện thành công kỹ thuật này vào khoảng đầu năm 2002. Và cuối năm 2016, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh là một trong những bệnh viện tuyến tỉnh đầu tiên thực hiện thành công kỹ thuật này.

Nút mạch điều trị chảy máu cấp tính trong chấn thương vỡ tạng và điều trị khối u dựa trên nguyên lý can thiệp theo đường động mạch, dùng các thiết bị chuyên dụng luồn vào trong mạch máu để bơm thuốc, hóa chất rồi nút mạch để điều trị tổn thương. Kỹ thuật này sẽ giúp người bệnh tăng khả năng hồi phục mà ít gây xâm lấn, tổn thương nhất, hạn chế tối đa ảnh hưởng tới sức khỏe người bệnh.

- Điều gì thôi thúc anh và các đồng nghiệp triển khai, ứng dụng kỹ thuật mới này?

+ Trong công việc, chúng tôi thường xuyên gặp những trường hợp nặng phải phẫu thuật, đặc biệt là các ca cấp cứu, chấn thương, mất máu rất nhiều, nguy cơ tử vong cao... Trong y khoa, chấn thương vỡ tạng vô cùng nguy hiểm. Thời gian điều trị nhanh, kịp thời chính là chìa khóa để cứu sống người bệnh. Không ít bệnh nhân phải điều trị bằng phẫu thuật mở gây mất máu cũng như phải theo dõi hậu phẫu chặt chẽ để tránh những biến chứng... Kỹ thuật nút mạch sẽ hạn chế được những nhược điểm của phẫu thuật mở. Đây là động lực khiến chúng tôi mong muốn triển khai kỹ thuật này.

Ban Tổ chức Cuộc thi Sáng tạo Dịch vụ tỉnh Quảng Ninh lần thứ I (năm 2016-2017) trao 5 giải nhất cho các ý tưởng, đề tài, giải pháp xuất sắc ở các lĩnh vực. Ảnh: Nguyễn Hoa

- Anh có thể chia sẻ với bạn đọc về thời gian đầu tiếp cận, triển khai kỹ thuật mới này?

+ Bản thân tôi và các thành viên trong nhóm nghiên cứu đã quan tâm kỹ thuật này từ nhiều năm trước. Khi lãnh đạo bệnh viện có chủ trương áp dụng kỹ thuật nút mạch vào điều trị, tôi cùng một số đồng nghiệp đã được cử đi học tại những quốc gia thực hiện kỹ thuật nút mạch rất thành công như: Áo, Pháp, Nhật Bản... Tại đây, chúng tôi có điều kiện để tiếp xúc với những tài liệu y khoa có giá trị và học hỏi những bác sĩ, chuyên gia hàng đầu tại nước bạn về thực hiện kỹ thuật nút mạch.

Sau khi về nước, tôi và đồng nghiệp lại được các bác sĩ đầu ngành tại Bệnh viện Bạch Mai hướng dẫn. Năm 2016, khi kỹ thuật nút mạch được triển khai tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, các bác sĩ của những bệnh viện tuyến trên còn “cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn trực tiếp. Nhờ đó, tôi cùng các đồng nghiệp đã xử lý thành công nhiều ca bệnh theo kỹ thuật mới mà không cần phẫu thuật.

Bác sĩ Ngô Quang Chức (thứ 4, phải sang) cùng các đồng nghiệp trước khi triển khai một ca nút mạch tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

- Bên cạnh điều trị chấn thương, kỹ thuật nút mạch được triển khai trong điều trị ung thư như thế nào, thưa anh?

Nút mạch để điều trị chảy máu cấp tính do chấn thương vỡ tạng dựa trên nguyên lý can thiệp trong lòng mạch máu và gây tắc mạch máu bị tổn thương. Đầu tiên, cần chụp động mạch để xác định tổn thương, sau đó làm tắc mạch điều trị chấn thương.

Với những chấn thương mạch to, bác sĩ bơm coil (vòng xoắn kim loại) vào lòng mạch, chỉ khoảng 10-15 giây sau coil tự động nở dần bít kín mạch. Nếu chấn thương mạch nhỏ hơn có thể sử dụng các hạt vi cầu đưa vào lòng mạch để gây tắc từ xa tới gần. Tất cả những chất liệu này sẽ tự tiêu và hoàn toàn không có hại cho cơ thể.

+ Với căn bệnh hiểm nghèo này, kỹ thuật nút mạch sẽ góp phần khoanh vùng điều trị, khép dần "cửa tử" với bệnh nhân. Thay vì truyền hóa chất qua máu toàn thân người bệnh, ảnh hưởng tới sức khỏe khiến nhiều người bỏ cuộc, kỹ thuật nút mạch sẽ bơm hóa chất qua mạch, sau đó làm tắc mạch, "khóa" hóa chất bên trong, tập trung điều trị khối u.

Hiện Bệnh viện Đa khoa tỉnh đang áp dụng kỹ thuật nút mạch để điều trị ung thư gan. Đây là phương pháp dùng các vật liệu hóa chất (hạt tinh cầu) đưa vào trong động mạch cấp máu nuôi khối u, nhằm làm giảm hay tắc hoàn toàn lòng mạch khiến khối u chết, tiêu dần. Trong một số trường hợp khác, chúng tôi sử dụng kỹ thuật nút mạch để can thiệp tiền phẫu thuật. Đối với một số khối u lành tính ở những vị trí khi thực hiện phẫu thuật cắt bỏ có nguy cơ chảy máu cao, sẽ tiến hành kỹ thuật nút mạch để tránh nguy cơ chảy máu trong quá trình phẫu thuật.

- Ngoài con người, những yếu tố nào ảnh hưởng quyết định tới sự thành công của kỹ thuật này?

+ Nút mạch là một kỹ thuật tiên tiến, có nhiều ưu điểm. Ngoài yếu tố con người, kỹ thuật này đòi hỏi sự đầu tư lớn về cơ sở vật chất, thiết bị, máy móc hiện đại đủ để triển khai. Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh được trang bị đầy đủ những thiết bị hiện đại nhất như: Máy chụp mạch số hóa xóa nền hai bình diện DSA, máy chụp cắt lớp vi tính 128 lát; dụng cụ chuyên dụng, kim chuyên dụng, ống thông lòng mạch nhỏ và siêu nhỏ chỉ vài micromet... để chụp và nút mạch chọn lọc và siêu chọn lọc; vật liệu nút mạch gồm hỗn hợp Hystoacryl-Lipiodol siêu lỏng, hạt PVA, Spongel, vòng xoắn kim loại (Coil), hạt tinh cầu... Đây là các thiết bị, vật tư hiện đại được nhập từ các nền y học tiên tiến.

- Với thiết bị, vật tư y tế chuyên dụng và hiện đại, chắc hẳn điều trị bằng kỹ thuật này rất tốn kém. Liệu bệnh nhân có dễ dàng tiếp cận không, thưa anh?

+ Điều này chỉ đúng với thời điểm trước đây. Tôi còn nhớ trước đây chúng tôi mới triển khai kỹ thuật này, chi phí rất cao bởi thiết bị hiện đại, vật tư đều được nhập khẩu hoàn toàn. Đơn cử như nút mạch u gan bằng hạt tốn khoảng 35 triệu đồng/ca, u xơ tử cung khoảng 25 triệu đồng/ca, chấn thương vỡ lách, gan là 20 triệu đồng/ca… Đó là một nhược điểm của kỹ thuật này. Điều đáng mừng là hiện nay kỹ thuật này đã nằm trong danh mục được Bảo hiểm y tế thanh toán, vì thế chi phí cho một ca nút mạch còn rất thấp, chỉ khoảng vài triệu đồng/ca.

- Anh có thể chia sẻ mong muốn và dự định của anh và các đồng sự của mình trong tương lai?

+ Bệnh viện Đa khoa tỉnh là một trong những bệnh viện tuyến tỉnh đầu tiên trong cả nước thực hiện kỹ thuật nút mạch. Hiện chúng tôi vẫn đang đi những bước đi đầu tiên nhưng đầy niềm tin và sự chắc chắn. Với lợi ích mang lại cho cộng đồng, trong tương lai, chúng tôi hy vọng kỹ thuật này sẽ được ứng dụng thành công ở các bệnh viện tuyến dưới, người bệnh sẽ có cơ hội được điều trị nhanh nhất, hiệu quả nhất, tiết kiệm chi phí nhất...

Y học ngày càng phát triển sẽ tạo thêm cơ hội, lợi ích cho người bệnh. Đó cũng chính là khao khát mà chúng tôi và Bệnh viện mong muốn làm cho người bệnh và cống hiến cho sự phát triển chung.

Tạ Quân (Thực hiện)

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/201811/chung-toi-mong-muon-nguoi-benh-duoc-dieu-tri-nhanh-hieu-qua-va-tiet-kiem-chi-phi-nhat-2408549/