'Chuộc' lại Cảng Quy Nhơn với giá thực tế bao nhiêu?

Số tiền mà Khoáng sản Hợp Thành nhận được sẽ không dừng lại ở 415 tỷ đồng theo công văn của Vinalines. Đây là hoàn trả khoản gốc, lợi ích của nhà đầu tư sẽ được xét sau. Vinalines sẽ trình lên cấp có thẩm quyền phê duyệt bao nhiêu thì mới trả cho họ bấy nhiêu.

Hoàn tất chuyển giao

Ngày 30/5, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) có công văn hỏa tốc gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở GDCK Hà Nội về việc nhận chuyển giao 75,01% cổ phần Cảng Quy Nhơn về sở hữu nhà nước.

Trong ngày 27/5, Vinalines đã hoàn trả cho Khoáng sản Hợp Thành số tiền đã nhận khi chuyển nhượng 75,01% vốn Cảng Quy Nhơn (415,156 tỷ đồng). Đổi lại, công ty Hợp Thành đã thực hiện các thủ tục theo quy định để chuyển quyền sở hữu 30,312 triệu cổ phần Cảng Quy Nhơn cho Vinalines qua Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD).

Ngày 29/5, VSD đã có văn bản số 4760/VSD-ĐK thông báo đã thực hiện việc chuyển quyền sở hữu 30,312 triệu cổ phần Cảng Quy Nhơn (mã QNP) từ Khoáng sản Hợp Thành sang Vinalines.

Ngày hiệu lực chuyển quyền sở hữu là 29/5, đồng nghĩa với việc Vinalines chính thức trở thành cổ đông sở hữu 75,01% vốn điều lệ của Cảng Quy Nhơn.

Từ sau khi có Kết luận Thanh tra, Vinalines đã tích cực thực hiện nhiều giải pháp để thu hồi vốn nhà nước bán sai quy định tại Cảng Quy Nhơn. Tuy nhiên vướng mắc lớn nhất là việc Khoáng sản Hợp Thành yêu cầu nhận đủ 751 tỷ đồng cho 75,01% cổ phần cảng biển này, ngoại trừ giá gốc, còn chi phí đầu tư, công sức chất xám trong giai đoạn quản lý điều hành sau cổ phần hóa...

Mới thanh toán đợt 1

Bởi vậy, một băn khoăn lớn là do đâu mà Hợp Thành chấp nhận hoàn trả hơn 75% cổ phần Cảng Quy Nhơn với đúng giá gốc 415 tỷ đồng như trong công văn ngày 30/5 của Vinalines.

Trao đổi với PV Nhà đầu tư, Quyền Tổng giám đốc Vinalines ông Nguyễn Cảnh Tĩnh cho biết việc trả tiền cho Khoáng sản Hợp Thành sẽ được chia làm hai giai đoạn: "Đầu tiên là hoàn trả khoản gốc 415 tỷ đồng. Còn lợi ích của nhà đầu tư sẽ được xét sau. Sau đấy trình lên cấp có thẩm quyền phê duyệt bao nhiêu thì mới trả cho họ bấy nhiêu. Chứ nếu bây giờ tính cho ra con số chi tiết thì có thể đàm phán đến 2,3 năm cũng chưa xong".

Cụ thể, thực hiện kết luận số 1566/KL-TTCP ngày 17/9/2018 của Thanh tra Chính phủ về cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn, Vinalines và CTCP Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành đã ký "Hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu cổ phần CTCP Cảng Quy Nhơn" làm căn cứ để thực hiện việc chuyển giao cổ phần.

"Cho nên Vinalines yêu cầu phải thu hồi trước đã", CEO Vinalines khẳng định và cho biết thêm, cuối tháng 6 này Cảng Quy Nhơn sẽ tiến hành Đại hội đồng cổ đông để chuyển giao bộ máy quản trị, điều hành.

Trước đó, HĐQT Cảng Quy Nhơn đã triệu tập ĐHĐCĐ thường niên vào ngày 10/4, với một nội dung có thể ảnh hưởng tới phần vốn nhà nước thu hồi như tờ trình tăng vốn từ 404 tỷ đồng lên 538,8 tỷ đồng.

Ngày 8/4 vừa qua, Vinalines có công văn hỏa tốc gửi Khoáng sản Hợp Thành, đề nghị tạm dừng ĐHĐCĐ thường niên, đồng thời khẩn trương chuyển giao vốn ngay trong tháng Tư. Cảng Quy Nhơn trên cơ sở đó đã hoãn ĐHĐCĐ và triệu tập lần tiếp theo vào ngày 29/6 tới đây, chương trình họp cụ thể chưa được công bố.

Áp lực thu hồi cổ phần Cảng Quy Nhơn của Vinalines là rất lớn. Ở cấp độ quản lý nhà nước, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đầu tháng 3/2019 yêu cầu thực hiện dứt điểm các kiến nghị của Thanh tra Chính phủ, báo cáo lên Thủ tướng trước ngày 1/5/2019. Về bản thân Cảng Quy Nhơn, việc chậm trễ chuyển giao có thể dẫn tới những thiệt hại đối với phần vốn Nhà nước. Ví dụ nhà đầu tư có thể tạm ứng lợi tức năm 2019 ảnh hưởng đến nguồn vốn lưu động trong giai đoạn tiếp theo.

Sau khi về tay tư nhân, Cảng Quy Nhơn tăng trưởng khá tích cực. Năm 2018, doanh nghiệp này lãi sau thuế 97,2 tỷ đồng, cao hơn 26% so với kết quả năm 2017 và là mức kỷ lục từ trước đến nay, vượt mục tiêu 88 tỷ đồng được ĐHĐCĐ thường niên 2018 thông qua. Lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) là 2.405 đồng.

Đây cũng là một trong những căn cứ để Khoáng sản Hợp Thành "đòi" 751 tỷ đồng, cao hơn 336 tỷ đồng so với giá gốc của lô 75,01% cổ phần Cảng Quy Nhơn.

PV đã nhiều lần liên hệ với ông Lê Hồng Thái, người đại diện cho Khoáng sản Hợp Thành tại Cảng Quy Nhơn để có thêm thông tin tuy nhiên không nhận được phản hồi.

Trước đó, theo kết quả thanh tra của Thanh tra Chính phủ về việc cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn, hàng loạt sai phạm trong quá trình bán vốn nhà nước tại cảng này.

Việc cổ phần hóa, thoái hết vốn nhà nước tại Cảng Quy Nhơn đã thực hiện không đúng với đề án tái cơ cấu Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đã được phê duyệt, trong đó cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn nhà nước nắm giữ 75% vốn điều lệ.

Trong đó, việc UBND tỉnh Bình Định đề nghị Bộ Giao thông Vận tải, Thủ tướng Chính phủ cho phép cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn theo hướng Nhà nước nắm giữ 49% vốn điều lệ, sau đó tiếp tục đề nghị Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Thủ tướng cho bán hết 49% vốn nhà nước tại Công ty Cổ phần Cảng Quy Nhơn, và việc Bí thư Tỉnh ủy Bình Định có văn bản đề nghị Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ bán toàn bộ 49% cổ phần của Nhà nước tại Công ty Cổ phần Cảng Quy Nhơn là trái quy định, không đúng với Đề án tái cơ cấu Vinalines giai đoạn 2012-2015 đã được Thủ tướng phê duyệt.

Nguồn: Nghi Điền/nhadautu.vn

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/chuoc-lai-cang-quy-nhon-voi-gia-thuc-te-bao-nhieu-post301240.info