Chuỗi cung ứng lại bị đe dọa bởi làn sóng đình công trong ngành kho vận

Các cuộc đình công liên tiếp của người lao động trong lĩnh vực cảng biển, vận tải, năng lượng ở nhiều nước trên thế giới đang đặt ra mối đe dọa mới đối với các chuỗi cung ứng toàn cầu, vốn đang chật vật để trở lại hoạt động bình thường.

Công nhân ở kho cảng container Eurokai thuộc cảng Hamburg (Đức), bỏ ra về khi họ đình công đòi tăng lương hồi đầu tháng 6-2022. Ảnh: Reuters

Công nhân ở kho cảng container Eurokai thuộc cảng Hamburg (Đức), bỏ ra về khi họ đình công đòi tăng lương hồi đầu tháng 6-2022. Ảnh: Reuters

Đại dịch Covid-19 gây căng thẳng chưa từng có lên các chuỗi cung ứng toàn cầu, và cả lực lượng người lao động giữ cho các hệ thống đó hoạt động trong những điều kiện khắc nghiệt. Nhưng dường như sức chịu đựng của họ đã đến điểm giới hạn.

Các cuộc đình công, biểu tình đòi quyền lợi của người lao động như tăng lương, cải thiện điều kiện làm việc trong ngành vận tải và cảng biển gia tăng ở nhiều nơi trên thế giới. Công nhân trong lĩnh vực đường sắt và cảng biển ở Mỹ, Anh cho đến công nhân các mỏ khí đốt ở Úc, Na Uy đang yêu cầu giới chủ trả công xứng đáng hơn trong bối cảnh lạm phát đang bào mòn giá trị khoản lương của họ.

Tình hình này đe dọa nhiều ngành công nghiệp trọng yếu, đặc biệt là những ngành liên quan đến vận chuyển hàng hóa, con người và năng lượng.

Công nhân đường sắt yêu cầu tăng lương

Tại Mỹ, hồi giữ tháng 7, Tổng thống Joe Biden đã phải lập một ủy ban khẩn cấp để giải quyết tranh chấp giữa 115.000 người lao động trong ngành đường sắt với giới chủ của họ. Quyết định này nhằm tránh một cuộc đình công quy mô lớn của lao động ngành đường sắt, có thể gây tê liệt hoạt động vận chuyển hàng hóa. Tổ chức The United Rail Unions, đại diện cho 12 nghiệp đoàn công nhân đường sắt trên khắp nước Mỹ, yêu cầu giới chủ phải tăng lương, cải thiện điều kiện làm việc và tuyển thêm lao động. Hầu hết các công ty đường sắt lớn ở Mỹ đã điều chỉnh mô hình hoạt động, cắt giảm 30% nhân sự để tăng lợi nhuận. Nhưng động thái gây sức ép thêm cho lực lượng lao động ngành đường sắt hiện tại.

Tại Anh, các nghiệp đoàn đại diện cho hơn 40.000 lao động ngành đường sắt đang lên kế hoạch tổ chức đình công trên khắp cả nước vào ngày 27-7 tới để yêu cầu tăng lương, cải thiện điều kiện làm việc. Đây sẽ là cuộc đình công lớn nhất trong ngành đường sắt của Anh trong hơn 3 thập niên.

Canada cũng đã chứng kiến các cuộc đình công của người lao động ngành đường sắt trong những tháng qua sau khi họ không đạt được thỏa thuận với chủ về lương bổng và phúc lợi.

Ở nhiều nước khác, giới tài xế xe tải đang biểu tình phản đối chi phí nhiên liệu tăng cao. Trong tháng này, tài xế xe tải ở Peru đã tổ chức đình công trên toàn quốc. Tại Argentina, giới tài xế xe tải đã phong tỏa nhiều tuyến đường trong suốt mnột tuần vào tháng trước, gây ách tắc khoảng 350.000 tấn nông sản. Tại Nam Phi, trong một cuộc biểu tình phản đối chi phí nhiên liệu tăng kỷ lục, giới tài xế xe tải cũng phong tỏa đường xá, bao gồm một tuyến đường thương mại quan trọng kết nối với nước láng giềng Mozambique.

Công nhân cảng biển, đóng tàu nhập cuộc

Tuy nhiên, các nhà quan sát kinh tế ở Mỹ đang lo lắng nhất với cuộc tranh chấp giữa 22.000 công nhân của các cảng dọc bờ Tây nước Mỹ với giới chủ. Hợp đồng lao động của họ đã hết hạn vào đầu tháng 7 và Nghiệp đoàn nhà kho và bờ biển quốc tế, đại diện cho các công nhân cảng ở bờ Tây, đang thương lượng hợp đồng mới với mức lương cao hơn. Cả phía người lao động và giới chủ cảng biển cho biết họ muốn cuộc đình công hoạt động có thể tê liệt các cảng biển bờ Tây, vốn xử lý gần 50% tổng lượng hàng hóa nhập khẩu của Mỹ.

Trong khi đó, các cảng biển ở Đức đang phải chạy đua xử ký hàng hóa tồn động sau hai ngày đình công của lực lượng công nhân cảng trong tháng này.

Tại Hàn Quốc, ngành công nghiệp đóng tài chứng kiến lượng đơn hàng tăng vọt trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu căng cứng. Và công nhân đóng tàu đã liên tục biể tình trong những tuần qua tại một xưởng đóng tàu của Công ty đóng tàu và kỹ thuật hàng hải ở TP Geoje. Họ đòi tăng lương 30% và giảm khối lượng công việc. Các cuộc biểu tình đã làm gián đoạn hoạt động đóng tàu cũng như lễ hạ thủy 3 tàu mới. Tổng thống Hàn Quốc, Yoon Suk Yeol đã phải kêu gọi các bộ trưởng liên quan nhanh chóng giải quyết vụ việc và một giải pháp dường như sẽ đạt được vào cuối tuần này.

Ngành năng lượng cũng chịu sức ép đình công

Phần lớn lạm phát ngày nay bắt nguồn từ những điểm hạn chế cụ thể, và tình trạng bất ổn lao động trong các ngành công nghiệp chủ chốt đó có thể gây ra những tác động lớn hơn đối với giá cả. Ví dụ, cuộc đình công đòi tăng lương của lực lượng lao động trong ngành dầu khí của Na Uy đã gây chấn động các thị trường khí đốt tự nhiên ở châu Âu vào đầu tháng này. Cuộc đình công chỉ kết thúc sau khi chính phủ Na Uy can thiếp với quyết định thành lập một ủy ban giải quyết tăng lương cho lực lượng lao động này. Nếu cuộc đình công leo thang, hơn một nửa lượng khí đốt xuất khẩu của Na Uy sẽ bị chặn đứng, làm trầm trọng cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu.

Tại Úc, một trong những nhà xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) hàng đầu thế giới, các công nhân của nhà máy sản xuất LNG nổi của tập đoàn ở Tây Úc đã gia hạn đình công cho đến ngày 4 -8. Cuộc đình công này đã khiến việc tải hàng tại một cơ sở xuất khẩu LNG bị tạm dừng, làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu nhiên liệu trên toàn cầu.

Các nhóm lao động tại công Công ty điện lực Eskom ( Nam Phi) đã được tăng lương sau một cuộc đình công kéo dài một tuần khiến tình trạng mất điện của nước này trở nên tồi tệ hơn.

Người lao động nắm ưu thế trên bàn thương lượng

Công việc của người lao động trong lĩnh vực vận tải, cảng biển, năng lượng rất quan trọng đối với nền kinh tế thế giới hiện nay. Và trong bối cảnh chuỗi cung ứng vẫn còn mong manh, thị trường việc làm thắt chặt, những người lao động đó nắm ưu thế trên bàn thương lượng. Bất kỳ sự gián đoạn hoạt động kho vận nào do tranh chấp lao động đều có thể làm tăng trầm trọng tình trạng thiếu hụt hàng hóa và giá cả tăng vọt, làm tăng rủi ro suy thoái kinh tế.

Theo Katy Fox-Hodess, một giảng viên về quan hệ lao động tại Trường Quản lý thuộc Đại học Sheffield ở Anh, điều đó đang khuyến khích công nhân trong ngành vận tải và hậu cần, liên quan đến mọi thứ từ kho hàng đến vận tải đường bộ, sẵn sàng gây áp lực với các chủ sở hữu lao động.

Fox-Hodess nói: “Các chuỗi cung ứng toàn cầu không được điều chỉnh để ứng phó với một cuộc khủng hoảng như đại dịch Covid-19, và giới chủ đã thực sự đẩy cuộc khủng hoảng đó lên lưng người lao động”

Trong khi đó, các ngân hàng trung ương lại đang lo lắng về việc người lao động được trả lương quá cao và tạo ra một vòng xoáy “tiền lương- giá cả” (một thuật ngữ kinh tế mô tả hiện tượng tăng giá do mức lương cao hơn) giống như vòng xoáy đã đẩy lạm phát tăng vọt vào những năm của thập niên 1970. Trên thực tế, không có nhiều dấu hiệu cho thấy nguy cơ đó vì tình hình tăng lương nói chung là tụt hậu so với giá cả, một phần là do các nghiệp đoàn lao động kém quyền lực hơn so với thời đó.

Theo Bloomberg

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/chuoi-cung-ung-lai-bi-de-doa-boi-lan-song-dinh-cong-trong-nganh-kho-van/