Chuỗi giá trị toàn cầu là một hướng đi tất yếu để xây dựng thương hiệu

Ông Lê Hoàng Tài, Cục phó Cục Xúc tiến thương mại cho biết, việc đưa sản phẩm tham gia chuỗi giá trị toàn cầu là một hướng đi tất yếu để xây dựng, phát triển thương hiệu.

Ông Lê Hoàng Tài, Cục phó Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phát biểu khai mạc Hội thảo Xúc tiến Đầu tư Cơ hội tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Ảnh:Hằng Trần/BNEWS/TTXVN

Ngày 11/4/, Cục Xúc tiến Thương (Bộ Công Thương) phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức Hội thảo Xúc tiến đầu tư: Cơ hội tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Phát biểu khai mạc, ông Lê Hoàng Tài, Cục phó Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, trong thời gian qua, thương mại quốc tế đã và đang chứng kiến sự hình thành của các chuỗi giá trị toàn cầu với sự tham gia mạnh mẽ của không chỉ các nước phát triển mà còn từ các nước đang phát triển và các nước có nền kinh tế mới nổi.

Với nhóm nước đang phát triển như Việt Nam, chuỗi giá trị toàn cầu giúp từng bước đảm nhận các công đoạn trong mạng lưới sản xuất và tận dụng được lợi thế thương mại, từ đó đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa. Đối với các doanh nghiệp, việc đưa sản phẩm tham gia chuỗi giá trị toàn cầu là một hướng đi tất yếu để xây dựng, phát triển thương hiệu và tạo chỗ đứng trên thị trường thế giới.

Kinh tế Việt Nam nói chung và công nghiệp Việt Nam nói riêng tiếp tục có sự phát triển tích cực trong thời gian qua. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, GDP cả năm 2018 tăng 7,08% so so với năm 2017, đây là mức tăng cao nhất kể từ năm 2008 tới nay; trong đó, ngành công nghiệp duy trì mức tăng trưởng 8,79%, chiếm 28,44% trong GDP.

Chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2018 tăng 10,2%, tiếp tục đà tăng trưởng cao và ổn định của các năm trước, với công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực chính thúc đẩy mức tăng trưởng chung của ngành công nghiệp với mức tăng trưởng 12,98%.

Thời gian qua, các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước tiếp tục đặt niềm tin vào sự ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam và tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào ngành công nghiệp. Một số ví dụ điển hình như: tổ hợp sản xuất ô tô Vinfast với tổng vốn đầu tư 35.000 tỷ đồng, công suất 500.000 xe/năm, dự án Nhà máy sản xuất polypropylene (PP) và kho ngầm chứa khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,201 tỷ USD do Hyosung Corporation đầu tư, dự án nhà máy LG Innitek Hải Phòng điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 501 triệu USD, dự án LG Display Hải Phòng điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 500 triệu USD....

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2018, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký của các dự án được cấp phép mới đạt khoảng 9,067 tỷ USD, chiếm 50,5% tổng vốn đăng ký cấp mới.

Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo đó cũng tiếp tục được cải thiện theo chiều hướng tích cực là giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp. Tất cả những con số trên đã cho thấy sự chuyển biến tích cực về cả đầu tư sản xuất lẫn xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp tại Việt Nam.

Với việc nhiều doanh nghiệp lớn đang đặt nhà máy sản xuất tại Việt Nam như Samsung, LG…là cơ hội cho các doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu ngày càng cao, bởi chính các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm đầu cuối rất muốn xây dựng chuỗi cung ứng tại địa phương nơi sản xuất sản phẩm đầu cuối.

Việc sử dụng nhà cung ứng địa phương sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ mất an toàn do phải nhập khẩu sản phẩm phụ trợ, sản phẩm lỗi tăng do quá trình vận chuyển xa hoặc không đảm bảo yếu tố giao hàng đúng thời gian, làm ảnh hưởng đến dây chuyền sản xuất…

Về khoảng trống thị trường thì tại Việt Nam, khoảng trống dành cho doanh nghiệp cung ứng sản phẩm phụ trợ hiện rất lớn, chỉ tính riêng Samsung đã công bố cần khoảng 500 doanh nghiệp cung ứng từ nay đến năm 2020. Như vậy, tiềm năng đầu tư sản xuất sản phẩm tại Việt Nam và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu để phát triển bền vững là rất lớn do vậy có thể nói đây là thời điểm thích hợp để khai thác cơ hội đầu tư vào công nghiệp Việt Nam.

Tuy nhiên, tại hội thảo bà Trương Thị Chí Bình, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) đưa ra một số thách thức đối với các doanh ngành điện tử Việt Nam. Đó là chưa đáp ứng được giá theo yêu cầu do chi phí đầu vào cao bao gồm cả thuế, phí, chi phí không chính thức; sản xuất chưa tinh gọn. Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa không đáp ứng được đơn hàng theo yêu cầu, họ chỉ đáp ứng được đơn hàng nhỏ do thiếu các công đoạn gia công có chất lượng, cụm hoàn chỉnh ...
Để khắc phục khó khăn trên, theo bà Trương Thị Chí Bình, doanh nghiệp cần nghiên cứu lựa chọn sản phẩm dự kiến cung ứng phù hợp năng lực cạnh tranh của Việt Nam; có sự phù hợp/cam kết với định hướng của các công ty đầu chuỗi.

Đồng thời, có chính sách ưu tiên cung ứng trong nước theo từng giai đoạn; ưu tiên kêu gọi đầu tư nước ngoài và nội địa vào sản xuất. Đồng thời, nhà nước cần có chính sách ưu đãi phù hợp đối với doanh nghiệp sản xuất sản phẩm theo từng giai đoạn…./.

Hằng Trần/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/chuoi-gia-tri-toan-cau-la-mot-huong-di-tat-yeu-de-xay-dung-thuong-hieu/119314.html