Chuỗi ngày khó khăn của hai mẹ con trở về sau khi bị bán

Sau nhiều năm bị bán sang Trung Quốc, chị Nguyễn Thị Toàn trở về quê cùng người con gái mang quốc tịch Trung Quốc. Cuộc sống của hai mẹ con chị là chuỗi ngày dài khó khăn.

Thân muốn đi làm kiếm tiền nuôi mẹ và chăm sóc ông bà ngoại già yếu. Ảnh: H.DUYÊN

Thân muốn đi làm kiếm tiền nuôi mẹ và chăm sóc ông bà ngoại già yếu. Ảnh: H.DUYÊN

Hành trình lưu lạc

Một buổi sáng mùa thu năm 1998, cả gia đình bà Đậu Thị Diệu (77 tuổi, xã Quỳnh Tân, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) xôn xao khi con gái Nguyễn Thị Toàn (SN 1972) mất liên lạc, không thấy về nhà. Mọi người tỏa đi khắp nơi tìm kiếm, nhưng mọi thông tin về Toàn đều “bặt vô âm tín”.

Từ ngày con mất tích bà Diệu như người mất hồn, mọi công việc làm ăn đều gác lại, bà thơ thẩn bên góc nhà vì nhớ con. “Toàn xin phép bố mẹ đi làm như mọi ngày. Thế nhưng đợi đến khuya vẫn không thấy con trở về, gia đình tỏa ra khắp nơi tìm kiếm suốt nhiều ngày vẫn không thấy đâu. Một ngày, một tháng, một năm... dù cố gắng tìm kiếm nhưng con gái tôi vẫn bặt vô âm tín. Nhiều người nói con tôi đã chết hoặc bị lừa bán sang Trung Quốc. Tôi không tin, vẫn hi vọng rằng sẽ có phép màu đến với con”, bà Diệu nói.

Để rồi sau nhiều năm mất tích bí ẩn, gia đình bà Diệu vỡ òa trong niềm hạnh phúc khi thấy con gái trở về nhà. Chị Toàn cho biết, chị bị lừa bán sang Trung Quốc. Khi đó vì quá tin người lạ, chị Toàn bị hai người phụ nữ lừa ra Hà Nội làm thuê. Sau đó, chị bị đưa đến một làng quê hẻo lánh tại Trung Quốc bán cho một người đàn ông bản địa lớn hơn hàng chục tuổi.

Xa quê hương, chị Toàn luôn ấp ủ dự định bỏ trốn, nhưng rồi nhiều cuộc “vượt ngục” bất thành. Thời gian sau đó, hai đứa con (một gái, một trai) của chị lần lượt chào đời. Người chồng qua đời sau 7 năm chung sống vì căn bệnh hiểm nghèo. Hai năm sau đó, một vụ hỏa hoạn xảy ra, người con trai út của chị Toàn tử vong, người con gái lớn bị thương nhẹ. Căn nhà nhỏ bị thiêu rụi hoàn toàn. Thiếu vắng bàn tay của chồng, cuộc sống của mẹ con chị càng thêm khổ cực. Để rồi, mẹ con chị may mắn gặp được cặp vợ chồng người huyện Tân Kỳ (Nghệ An) sinh sống và làm việc tại Trung Quốc. Biết được hoàn cảnh của chị, họ đã tìm cách đưa chị về Việt Nam, tìm lại gia đình.

Ngày cùng mẹ về quê ngoại, em Nguyễn Thị Thân (18 tuổi, con chị Toàn) khép nép bên mẹ vì mọi thứ xung quanh đều trở nên lạ lẫm. Thân bắt đầu tập đọc, tập học một ngôn ngữ mới đó là tiếng Việt. Hai mẹ con Thân sống chung cùng ông bà ngoại già yếu trong căn nhà tình thương của nhà nước hỗ trợ xây dựng.

Vượt qua nghịch cảnh

Sau nhiều năm sống xa quê hương, mọi thứ đối với chị Toàn trở nên xa lạ. Những con đường, bờ mương, những cánh đồng trải dài trước đây chị vẫn tung tăng chạy nhảy trở lên quá đỗi lạ lẫm, chị còn không thể nhớ được đường về nhà nếu đi chơi một mình. “Toàn không còn nhớ rõ những gì đã xảy ra. Nó khờ khạo, không thể lao động như trước. Thậm chí, nó chẳng còn nhớ rõ đường về nhà, đi đâu phải có người theo bên cạnh”, bà Diệu nói.

Khó khăn nhất là con gái chị Toàn sinh ra và lớn lên ở Trung Quốc nên khi chuyển về Việt Nam sinh sống, Thân gặp nhiều trở ngại. Tiếp xúc với ngôn ngữ mới mẻ khiến nhiều lúc em nản chí. Dù không theo kịp bạn bè, nhưng năm nào Thân cũng cố gắng học tập.

Nhà nghèo, mọi sinh hoạt của gia đình Thân đều trông chờ vào mấy sào ruộng canh tác. Thấu hiểu nỗi vất vả, túng thiếu của ông bà và mẹ, ngay từ nhỏ Thân đã chăm chỉ giúp ông bà làm việc nhà.

Mấy năm gần đây, vì ông bà ngoại già yếu, không thể lao động, cuộc sống gia đình Thân ngày càng thêm khó khăn. Chị Toàn được một người quen ở Hà Nội nhận cưu mang, thỉnh thoảng mới về thăm nhà. Căn nhà nhỏ chỉ còn lại Thân và ông bà ngoại.

Hỏi về ký ức thời gian còn ở bên Trung Quốc, đôi mắt của Thân nhòa lệ. Thân cho biết: “Em không còn nhớ rõ khuôn mặt bố và người em trai như thế nào nữa. Bên đó cũng nghèo khó, em thích sống ở đây hơn. Em sẽ cố gắng học rồi đi làm thuê, kiếm tiền nuôi mẹ, ông bà”.

Ông Nguyễn Duy Ninh - Bí thư Chi bộ xóm 14 cho biết, dù sinh ra trong hoàn cảnh đặc biệt, rồi may mắn cùng mẹ trở về từ Trung Quốc, Thân đã rất nỗ lực để vượt qua nghịch cảnh gia đình, cố gắng học tập và phụ giúp ông bà ngoại già yếu.

Hiện tại, Thân đã hòa đồng với cuộc sống và không còn mặc cảm, tự ti khi bạn bè trêu chọc như trước nữa. “Cuộc sống của cả gia đình hiện rất khó khăn. Kinh tế gia đình trông chờ vào mấy sào ruộng, ăn bữa nay lo bữa mai. Những lúc khó khăn, không có tiền đi học bà ngoại lại phải chạy vạy vay mượn khắp nơi để tiền đóng học, nhìn bà vất vả em buồn lắm. Mẹ em ở nhờ nhà người thân ở Hà Nội, hàng tháng cũng không trợ cấp được cho gia đình là bao...”, Thân nói.

Hoàng Duyên

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/chuoi-ngay-kho-khan-cua-hai-me-con-tro-ve-sau-khi-bi-ban-20181123180007059.htm