Chuỗi nông sản an toàn: Giải 'bài toán' cung cầu nông sản

Hợp tác với các hộ nông dân, tổ hợp tác, trang trại để hỗ trợ sản xuất, đồng thời tiêu thụ sản phẩm nông sản an toàn là mô hình được Công ty TNHH MM Mega Market Việt Nam (MM) thực hiện nhiều năm qua nhằm vừa có được nguồn hàng ổn định cho chuỗi cung ứng của mình, vừa góp phần ổn định cung cầu cho nông sản Việt.

Từng không có đầu ra ổn định cho sản phẩm nông sản, ông Nguyễn Văn Phúc - Tổ hợp tác rau an toàn Suối Thông (huyện Đơn Dương, Lâm Đồng) cho biết, trước đây, người nông dân ở Suối Thông đa số làm tự do, lệ thuộc vào giá cả thị trường, lãi thì nhận, thất bại thì tự chịu. Việc sản xuất tự do cũng khiến nông sản của gia đình ông không có chất lượng đồng đều, giá bán trồi sụt. Cho đến năm 2007, sau khi hợp tác với MM Mega Market Việt Nam (MM), toàn bộ nông sản được MM thu mua, ông mới không phải đau đáu lo đầu ra cho sản phẩm.

Kỹ sư MM hướng dẫn nông dân sản xuất nông sản an toàn

Kỹ sư MM hướng dẫn nông dân sản xuất nông sản an toàn

“Trước đây, giá bán nông sản trôi nổi theo thị trường, thương lái họ cho bao nhiêu thì biết bấy nhiêu. Nhưng từ khi hợp tác với MM, họ cung cấp giá hàng tuần và mức giá này luôn cao hơn giá thị trường. Đó là động lực để khuyến khích nông dân. Ngược lại, người nông dân cũng phải tuân thủ tiêu chuẩn VietGAP bởi vì tất cả hàng hóa phải đạt chứng nhận VietGAP mới được MM mua”, ông Nguyễn Văn Phúc chia sẻ.

Cùng với việc đảm bảo đầu ra, hiện Tổ hợp tác rau an toàn Suối Thông có khoảng 25 người canh tác trên 30ha còn thường xuyên được kỹ sư của MM phụ trách, giúp nhóm lên kế hoạch trồng cho từng hộ, mỗi mùa một loại rau củ, đất được tận dụng quanh năm. Hiện mỗi năm, số tiền ông Phúc nhận được từ MM khoảng 1,6 – 2 tỷ đồng trên diện tích khoảng 1,5ha. “Hợp tác với MM, người nông dân yên tâm, ổn định, làm được nhiều thì được hưởng nhiều, không phải lo nghĩ bán cho ai. Kể cả khi gặp trường hợp xấu nhất, nghĩa là hàng hư hoặc hàng ngoài rẻ thì người nông dân vẫn được lấy vốn một chút cho nên tính ổn định rất cao”, ông Phúc chia sẻ.

Tổ hợp tác rau an toàn Suối Thông là một trong những đơn vị đã hợp tác rất tốt vào chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản với MM trong những năm vừa qua để cung cấp hàng cho Trạm trung chuyển rau củ quả tại Đà Lạt.

Nông sản được sản xuất đảm bảo tiêu chuẩn an toàn

Hiện tại, MM hợp tác với 150 nhóm nông dân (gồm 450 nông dân) trên tổng diện tích 500ha tại 5 vùng nguyên liệu chính ở Đà Lạt, Đức Trọng, Đơn Dương, Lạc Dương và Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng). Trạm trung chuyển có 150 sản phẩm với sản lượng trung bình 25-35 tấn/ngày và lúc cao điểm như Tết có thể lên đến 50-70 tấn/ngày, sản lượng khoảng 1,9 triệu tấn/năm. Trong đó sản lượng xuất khẩu chiếm khoảng 5-10%, cung cấp cho hệ thống 20 trung tâm siêu thị MM khoảng 12.000 tấn/năm và từ năm 2019 đã xuất khẩu sang các thị trường Thái Lan, Singapore, và Hong Kong.

Ông Võ Văn Tuấn cho hay, với mỗi loại rau củ quả, kỹ sư của MM Mega Market đều phối hợp cùng nông dân tiến hành lấy mẫu kiểm tra trong từng giai đoạn canh tác tại nông trại cho đến khi thu hoạch. Tại trạm trung chuyển Đà Lạt, rau củ quả sau khi thu nhận từ nông dân sẽ được đội ngũ kiểm soát chất lượng của MM lấy mẫu kiểm nghiệm trước khi sơ chế và phân phối đến từng trung tâm.

Quy trình chuỗi cung ứng rau củ quả của MM Mega tại Đà Lạt có 2 phần. Phần thứ nhất là từ nông trại cho tới kho trung chuyển thì MM quản lý theo tiêu chuẩn Việt GAP, và từ kho trung chuyển đi các hệ thống siêu thị MM Mega và tới khách hàng thì mình quản lý theo tiêu chuẩn HACCP. Hệ thống vận chuyển từ kho trung chuyển cho tới các hệ thống siêu thị là toàn bộ hệ thống lạnh để đảm bảo chất lượng, độ tươi mới của sản phẩm.

Để đảm bảo rau củ quả đạt tiêu chuẩn tốt nhất, đội kỹ sư nông nghiệp của MM Mega Market làm việc trực tiếp với nông dân, hướng dẫn nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, đồng thời tư vấn cho nông dân, lên kế hoạch sản xuất vừa đảm bảo bao tiêu sản phẩm cho nông dân từ khâu xuống giống sau đó là sản xuất, thu hoạch và vận chuyển đến MM Mega theo tiêu chuẩn VietGAP. Toàn bộ quá trình sản xuất ở trang trại, nông dân đều phải ghi nhật ký (nay là nhật ký điện tử). Đối với nông trại phải quản lý về vệ sinh, đảm bảo về quản lý rác thải cũng như vệ sinh trong nông trại để không bị lây nhiễm cho sản phẩm, đáp ứng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

Dù những hộ nông dân có chứng nhận VietGAP, đội kỹ sư nông nghiệp và bộ phận Đánh giá chất lượng của MM vẫn sẽ tiếp tục theo dõi trang trại trong suốt quá trình sản xuất. Nếu trường hợp nông dân vi phạm những lỗi nhẹ thì sẽ bị phạt thẻ vàng, ở mức cảnh cáo và nông dân phải có hành động khắc phục lỗi, nếu không khắc phục được thì sẽ bị thẻ đỏ. Còn nếu lỗi nặng thì sẽ áp thẻ đỏ.

Nông sản được xử lý tại Trạm trung chuyển rau củ quả tại Đà Lạt

Nếu Tổ hợp tác Rau an toàn Suối Thông được bao tiêu nội địa thì nhiều đơn vị khác lại hợp tác với MM để xuất khẩu rau củ quả ra nước ngoài. Đã có thời gian hợp tác với MM từ năm 2013, ông Nguyễn Đông Hải, Giám đốc Công ty TNHH VietFarm chia sẻ, toàn bộ 10 ha trang trại của Vietfarm đang sản xuất đạt tiêu chuẩn GlobalGAP - tiêu chuẩn nông nghiệp cao nhất toàn cầu hiện nay. Dù đã có tiêu chuẩn song khó khăn của trang trại là giá cả chưa đảm bảo việc xuất khẩu, thứ 2 là sản lượng chưa đủ lớn để có thể xuất đi được. Từ khi hợp tác với MM, sản phẩm của công ty đã xuất khẩu thành công đến nhiều thị trường như ớt chuông xuất khẩu đi các thị trường Singapore, Thái Lan.

“Khi hợp tác với MM, chúng tôi có kế hoạch để sản xuất, xây dựng được tiêu chuẩn sản phẩm, đồng thời được MM bao tiêu toàn bộ sản phẩm theo kế hoạch với đơn giá ổn định mà 2 bên đã thống nhất với nhau trong từng thời điểm nhất định của mùa vụ. Với việc hợp tác với MM, chúng tôi được đào tạo, tập huấn các kiến thức về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, kỹ thuật sản xuất, quản lý sâu bệnh cũng như năng suất trên đồng ruộng. Bình quân, sản lượng VietFarm bán cho MM 1 tháng là khoảng hơn 40 tấn, doanh thu từ 10 đến 12 tỷ đồng 1 năm”, ông Nguyễn Đông Hải cho hay.

Việt Nam có thế mạnh về nông sản, nhưng do cung cầu chưa gặp nhau nên nhiều năm qua, còn tình trạng được mùa mất giá. Những mô hình chuỗi cung ứng như MM Mega Market xây dựng và vận hành nhiều năm qua là một trong những giải pháp giúp tiêu thụ nông sản bền vững, đồng thời nâng cao chất lượng và vị thế nông sản Việt Nam cả trong và ngoài nước.

Phương Lan

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/chuoi-nong-san-an-toan-giai-bai-toan-cung-cau-nong-san-141230.html