Chương mới cho một Trung Đông mới

Ngày 15/9, tại Thủ đô Washington, dưới sự chủ trì của Tổng thống nước chủ nhà Donald Trump, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ký kết các thỏa thuận bình thường hóa quan hệ mang tên Hiệp định Abraham với Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và 'Tuyên bố Hòa bình lịch sử' Bahrain. Với các bên tham gia trực tiếp ký kết, đây sẽ là thời khắc lịch sử, mở ra chương mới cho mối quan hệ hợp tác giữa 2 bên.

Những “cái gật đầu” bình thường hóa quan hệ

Để chuẩn bị cho sự kiện đặc biệt này, Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã phải khởi hành tới Mỹ từ đêm ngày 13/9. Phát biểu trước khi lên đường, Thủ tướng Benjamin Netanyahu cho biết, ông sắp bắt đầu thực hiện 1 sứ mệnh lịch sử là thay mặt cho người dân Israel tham gia ký các thỏa thuận bình thường hóa với các nước Arab, khẳng định các thỏa thuận này sẽ mang lại hòa bình cho Israel và nhiều tỷ USD cho nền kinh tế đất nước.

Trong khi đó, hôm 14/9, một loạt các cuộc điện đàm cấp cao giữa Israel và Bahrain đã được tiến hành. Trong cuộc điện đàm giữa các Bộ trưởng Quốc phòng, 2 bên đã nhấn mạnh tầm quan trọng của thỏa thuận bình thường hóa giữa Israel và Bahrain đối với sự ổn định của khu vực; nhất trí thúc đẩy sự hợp tác giữa Bộ Quốc phòng 2 nước trong thời gian tới.

Bộ trưởng Quốc phòng Israel Benny Gant cũng đã mời người đồng cấp Bahrain tới thăm chính thức. Còn trong cuộc điện đàm để thảo luận luận về các hợp tác thương mại, công nghiệp và du lịch giữa hai nước, Bộ trưởng Công thương Bahrain và Bộ trưởng Hợp tác khu vực của Israel khẳng định, việc bình thường hóa quan hệ sẽ tác động tích cực đến nền kinh tế của cả hai quốc gia.

Dưới sự chủ trì của Tổng thống Mỹ, Thủ tướng Israel đã ký thỏa thuận bình thường hóa quan hệ với UAE và Bahrain.

Cùng ngày, Bộ trưởng Nội vụ Bahrain Rashid bin Abdullah Al Khalifa cũng tái khẳng định, việc bình thường hóa với Israel đem lại nhiều lợi ích cho Bahrain, đồng thời góp phần củng cố hơn nữa mối quan hệ đối tác chiến lược với đồng minh Mỹ. Theo ông, thỏa thuận với Israel không phải sự chối bỏ đối với các quyền lợi và sự chính nghĩa của người Palestine… nhưng nó sẽ giúp Bahrain củng cố được an ninh trước các mối đe dọa từ Iran và giúp nền kinh tế Bahrain ổn định.

Chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng, Israel đã có được 2 “cái gật đầu” bình thường hóa quan hệ của 2 nước Arab vùng Vịnh, với UAE vào ngày 13/8 và Bahrain vào ngày 11/9. Giới phân tích cho rằng, đây là 1 chiến thắng lớn của Israel khi dần phá được thế bị cô lập. Nhiều người dân Israel cũng hết sức vui mừng vì điều này.

Để làm nên chiến thắng này, ngoài sự hỗ trợ trung gian của phía Mỹ, người ta còn nghi ngờ về “cái gật đầu ngầm” của anh cả vùng Vịnh – Saudi Arabia – quốc gia có vai trò dẫn dắt chính sách đối ngoại của khối các nước vùng Vịnh. Dù chưa xác nhận sẽ bình thường hóa quan hệ với Israel, song đến nay, Saudi Arabia đang cho thấy quan điểm đã cởi mở hơn nhiều với Israel, khi đã cho các chuyến bay từ nước này tới vùng Vịnh bay qua không phận. Với nước Mỹ - với việc cố gắng tạo ra 1 Trung Đông mới, chính quyền Tổng thống Donald Trump đang tỏ ra khá thành công, bất chấp những phản đối quyết liệt của người dân Palestine.

Với những thỏa thuận bình thường hóa giữa Israel và các nước Arab, Tổng thống Mỹ có lẽ còn rất được lòng cử tri Do Thái trong cuộc bầu cử sắp tới và chắc chắn ông còn có cả các hợp đồng mua bán vũ khí “giá trị” với các nước Arab trong tương lai, khi mà Israel đã không còn phản đối.

Tuy nhiên, với người Palestine, Thủ tướng Mohammed Ishtayeh khẳng định, ngày 15-9 sẽ là một ngày đen tối trong lịch sử của các quốc gia Arab và sự thất bại của thể chế Liên đoàn Arab khi để các nước thành viên của tổ chức này chối bỏ các cam kết của chính họ trước đây.

Và cú “ghi điểm” quan trọng của Tổng thống Mỹ

Ghi điểm với cử tri là mục tiêu mà 2 ứng cử viên cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay đang hướng tới. So với ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden, Tổng thống đương nhiệm Donald Trump được xem là có lợi thế hơn khi có thể thực hiện ngay các quyết sách mà không phải chờ đến sau bầu cử mới có thể thực hiện. Hiểu rõ lợi thế này, người đứng đầu Nhà Trắng đã quyết định hành động ngay. Chỉ trong vòng 2 tháng qua, ông đã ghi điểm với 3 thành tựu được xem là nổi bật, trong đó có 1 thành tựu đối nội và 2 thành tựu đối ngoại.

Trong lĩnh vực đối nội, nhằm xóa bớt sự lo ngại của dư luận trong bối cảnh số ca lây nhiễm COVID-19 ở Mỹ vẫn được xếp cao nhất thế giới và việc chính quyền Mỹ đối mặt với không ít sự chỉ trích về cách xử lý đại dịch, ông chủ Nhà Trắng đã quyết định đẩy nhanh tiến trình cấp phép vaccine ngừa COVID-19. Trong lĩnh vực đối ngoại, chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng qua, Tổng thống Mỹ đã tạo được một dấu ấn nổi bật trong lĩnh vực ngoại giao khi đưa Israel và thế giới Arab xích lại gần nhau hơn.

Dưới sự “điều đình” của ông, sau UAE, Bahrain là quốc gia Arab tiếp theo đã nhất trí bình thường hóa quan hệ với Israel. Đây được xem “kỳ tích” trong lịch sử ngành ngoại giao Mỹ. Bởi trước ông Donald Trump chưa có Tổng thống Mỹ nào có thể xóa bỏ được “hiềm khích” giữa Israel và thế giới Arab. Đánh giá về nỗ lực ngoại giao này của ông Donald Trump, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ca ngợi thỏa thuận bình thường hóa quan hệ với Bahrain đánh dấu “một kỷ nguyên mới của hòa bình”.

Ông nhấn mạnh: “Chúng ta đã mất 26 năm mới có được thỏa thuận hòa bình với các quốc gia Arab chuyển từ thỏa thuận thứ 2 sang thỏa thuận thứ 3. Nhưng giờ chúng ta chỉ mất 29 ngày để chuyển từ thỏa thuận hòa bình thứ 3 sang thứ 4. Đây thật sự là một sự thay đổi lớn. Đây là một sự thay đổi lớn. Tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn tới Quốc vương Bahrain vì đã tham gia “vòng tròn hòa bình”. Tôi cũng gửi lời cảm ơn tới Thái tử Bin Zayed của UAE vì đã hợp tác với chúng tôi. Tôi đặc biệt gửi lời cảm ơn tới nước Mỹ và Tổng thống Donald Trump - người đã giúp chúng tôi mở rộng vòng tròn hòa bình này”.

Từ nay đến cuộc bầu cử Mỹ chỉ còn gần 2 tháng nữa, thời gian không còn nhiều. Nhiệm vụ đặt ra với ông Donald Trump hiện nay là phải tìm cách thuyết phục cử tri Mỹ, nhất là bộ phận đang có quan điểm tiêu cực về nhà lãnh đạo Mỹ, tiếp tục bỏ phiếu cho ông thêm một nhiệm kỳ nữa. Những thành tựu nổi bật cả về đối nội và đối ngoại trên được xem là “cú lội ngược dòng” của Tổng thống Donald Trump tại thời điểm ông đang dường như “tụt lùi” so với ứng cử viên Joe Biden ở các cuộc thăm dò dư luận Mỹ gần đây.

Khổng Hà (tổng hợp)

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/the-gioi-24h/chuong-moi-cho-mot-trung-dong-moi-611760/