Chương tiếp theo của cuộc chiến gián điệp Nga - Ukraina

Chỉ vài ngày trước khi diễn ra vòng 2 cuộc bầu cử tổng thống Ukraina, giữa Kiev và Moskva đã nổ ra một cuộc chiến gián điệp quy mô chưa từng có. Mọi chuyện bắt đầu khi người đứng đầu Cơ quan An ninh Ukraina (SBU) là Valentyn Nalyvaichenko tuyên bố: họ đã bắt giữ được vài nhân viên thuộc Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) đang âm mưu săn lùng những thông tin bí mật tại Ukraina.

Lần đầu tiên trong lịch sử FSB đã thừa nhận về việc các nhân viên của mình bị bắt giữ tại nước ngoài, tuy nhiên FSB cũng buộc tội phía Ukraina đang triển khai một chiến dịch tuyển mộ ráo riết các công dân Nga. Vụ rắc rối này thực ra chỉ là chương tiếp theo của cuộc chiến gián điệp Nga - Ukraina đã diễn ra từ vài năm qua... Chiến dịch bắt giữ các nhân viên FSB được mật vụ Ukraina triển khai từ ngày 27/1/2010 tại tỉnh Odessa. "Chúng tôi đã bắt giữ được 5 nhân viên FSB đang tìm cách khai thác những bí mật quốc gia tại Ukraina từ một trong các nguồn tin là công dân Ukraina" - ông Nalyvaichenko tuyên bố với các phóng viên. Cũng theo lời quan chức này, vào thời điểm bị bắt giữ, một sĩ quan mật vụ Nga đã nhận từ công dân Ukraina nói trên (được cho biết đang làm việc tại một xí nghiệp công nghiệp quốc phòng Ukraina) những dữ liệu có tính bí mật quốc gia, đồng thời trao cho tay này khoản tiền thưởng 2.000 USD. Tham gia trong đường dây này còn có 4 người khác - 3 sĩ quan FSB và một quân nhân Nga tại Pridnestrov. SBU còn cho biết chỉ huy của nhóm trên - một đại tá phản gián P nào đó - đã kịp trốn thoát trước đó. Theo Nalyvaichenko, đã tịch thu nhiều phương tiện hoạt động gián điệp từ các đối tượng bị bắt giữ: máy ghi âm dạng số, camera gắn trong bút, thẻ nhớ ghi dữ liệu chỉ dẫn điệp viên dưới dạng móc khóa v.v... Nội dung trong thẻ nhớ đã tiết lộ nhiều thông tin về hoạt động của mạng lưới tình báo trên. Trong vụ gián điệp này, quan điểm giải quyết của SBU được đánh giá là muốn "nghiêm trọng hóa" hơn những mâu thuẫn tương tự trước đó giữa hai nước. "Chúng tôi không muốn nâng tầm nó thành một vụ bê bối - Valentyn Nalyvaichenko giải thích - Nếu như đây chỉ là hoạt động tình báo dưới vỏ bọc ngoại giao, sự việc có thể giải quyết qua các kênh ngoại giao. Nhưng vụ chúng tôi đang đương đầu là hoạt động gián điệp của một cơ quan mật vụ nước khác trên lãnh thổ của chúng tôi. Đó không còn là những công cụ hoạt động gián điệp, mà là hành vi hình sự cần phải truy tố". Nhân trường hợp này, người đứng đầu SBU còn thông báo về một vụ án gián điệp khác, khi SBU hôm 29/1/2010 đã bắt giữ một công dân Nga và một công dân Ukraina (sống tại Sevastopol) đang âm mưu tìm mua và chuyển qua biên giới những sản phẩm quân sự có ý nghĩa bí mật quốc gia - các khối của hệ thống theo dõi tên lửa có cánh được lắp trên tàu chiến. Các quan chức đại diện phía Nga ban đầu đã từ chối bình luận về thông tin trên. Riêng FSB vài ngày sau đã chính thức thừa nhận về việc một nhân viên mật vụ của mình bị bắt giữ tại Ukraina, tuy nhiên đổ lỗi để xảy ra chuyện này cho phía Ukraina. Cụ thể theo đại diện FSB, hành động trên của phía Nga chỉ là để đáp trả trước "hoạt động tuyển mộ ngày càng tăng của mật vụ Ukraina nhằm vào các công dân Nga". Nguồn cơn của vụ việc này, theo FSB là một công dân Ukraina có tên là Pilipenko, thực chất là một nhân viên Tổng cục Tình báo Bộ Quốc phòng Ukraina, từ năm 2006 đã có nhiều hoạt động gây tổn hại đến lợi ích an ninh của quân đội Nga. Sau một thời gian điều tra, Pilipenko đã bị bắt giữ vào ngày 29/10/2009 tại một khu vực quân sự của Nga ở Tiraspol khi đang chụp ảnh một số tài liệu mật. Trong quá trình thẩm vấn và được tuyển mộ lại, nhân vật này đã thừa nhận về hành động của mình, đồng thời cho biết sẵn sàng cung cấp thông tin về một số hoạt động gián điệp chống lại nước Nga. Tiếp đó, Pilipenko đề xuất với một nhân viên FSB về một cuộc gặp vào ngày 27/1/2010 để chuyển giao những thông tin về mối đe dọa an ninh đối với các căn cứ quân sự của Nga tại Pridnestrov. Trong cuộc gặp này, các đại diện của Nga đã bị phía Ukraina bắt giữ. Nhiều khả năng nhân vật Pilipenko đã chơi trò hai mặt để đưa các nhân viên mật vụ Nga vào tròng. FSB cũng bày tỏ sự bất bình trước việc Ukraina công bố vụ việc trên vì theo họ, những tình huống tương tự có thể giải quyết trong nội bộ các cơ quan mật vụ. Theo các nhà phân tích, đây có thể coi là hành động "chọc gậy bánh xe" của chính quyền Tổng thống sắp mãn nhiện Viktor Yushchenko nhằm đánh vào quan điểm "thân Nga" của các ứng cử viên tổng thống, đứng đầu là ông Viktor Yanukovich. Từ vài năm gần đây, đã có không ít những vụ rắc rối về gián điệp xảy ra giữa Nga và Ukraina. Ngay tháng 12 năm ngoái, chính Nalyvaichenko đã thông báo về trường hợp một người Nga hoạt động gián điệp cho Trung Quốc. Cũng trong tháng này, FSB tiết lộ về việc bắt giữ viên Tổng giám đốc Nicolay Arkhipov của Hãng "Adron" khi nhân vật này đang tìm cách chuyển một thiết bị hiện đại chống tên lửa dùng cho máy bay về Ukraina. Arkhipov thú nhận đã hành động theo "đơn đặt hàng" của các nhân viên SBU. Khả năng về một phiên tòa xét xử các nhân viên mật vụ của Nga hiện vẫn đang là một dấu hỏi. Nguyên nhân là do Ukraina đang bước vào giai đoạn chuyển đổi quyền lực, chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn tới cả giới lãnh đạo của các cơ quan hành pháp. Hai ứng cử viên tham gia bầu cử vòng 2 - Viktor Yanukovich và Yulia Tymoshenko - trong chiến dịch tranh cử đều khẳng định quan điểm củng cố lại quan hệ với nước Nga. Chính vì vậy mà bất cứ ai lên nắm quyền tại Ukraina, khả năng tiếp tục gây căng thẳng với Moskva trong vụ việc này là điều rất khó xảy ra. Thông tin mới nhất cho biết, đã có 4 trong số 5 người bị bắt giữ được trả tự do và trục xuất về Nga. Viên sĩ quan tình báo còn lại có khả năng được trả tự do trong vài tháng nữa, khi tổng thống mới lên nắm quyền tại Ukraina

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/vi-vn/hosomat/2010/3/71728.cand