Chương trình AAA đã đạt được nhiều mục tiêu quan trọng

Chiều 9/7, Bộ Tài chính tổ chức Hội thảo báo cáo đánh giá giữa kì và tiến độ thực hiện 6 tháng đầu năm 2019 của Chương trình Hỗ trợ Tư vấn và Phân tích (AAA) quản lý tài chính công tại Việt Nam.

3 mục tiêu chính

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng, Hội thảo nhằm cùng nhau kiểm điểm những việc đã làm được và những nội dung chưa làm được để từ đó đề ra những giải pháp, mục tiêu của 6 tháng cuối năm sao cho hoàn thành toàn vẹn nhất mục tiêu đặt ra cho Chương trình trong năm 2019.

Chương trình AAA có 3 mục tiêu chính. Thứ nhất, nhằm hỗ trợ nâng cao năng lực cơ quan điều hành Việt Nam trong việc hoạch định, triển khai và theo dõi tình hình triển khai các chính sách nhằm cải thiện công tác lập kế hoạch và thực hiện ngân sách một cách minh bạch, có trách nhiệm và bền vững.

Thứ hai, cung cấp thông tin chứng thực về sản cuất và hiệu quả của những cải cách tài chính công quan trọng ở cấp trung ương và địa phương.

Thứ ba, nhằm mục tiêu tăng cường công tác lập pháp và kiểm tra, rà soát của Quốc hội liên quan đến các vấn đề ngân sách và tài chính.

Để giúp đạt những mục tiêu này, Ngân hàng Thế giới đã được ủy thác quản lý Chương trình AAA với số vốn khoảng 7,9 triệu USD được Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO) và Bộ Các vấn đề Toàn cầu của Canada (GAC).

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Chương trình AAA là một chất xúc tác quan trọng cho một số sáng kiến cải cách lớn hơn của Việt Nam như Báo cáo tài chính nhà nước. Chương trình này cũng cung cấp đầu vào cho một số cải cách lớn hơn liên quan đến giám sát doanh nghiệp nhà nước (bao gồm xây dựng một hệ thống báo cáo tài chính từ nguồn vốn nhà nước), xây dựng chức năng kho bạc và kiểm toán nội bộ hiện đại.

Trong các lĩnh vực này, những thông lệ, cách làm hay quốc tế qua Chương trình AAA cũng như những nội dung tư vấn tùy chỉnh cho phù hợp với đặc thù có thể là công cụ để giải quyết những thách thức của những cải cách rộng hơn mà có thể được mở rộng bằng các nguồn lực của Chính phủ.

Mang lại lợi ích lớn

Chuyên gia tư vấn Clay Wescott phát biểu. Ảnh Thùy Linh.

Phát biểu đánh giá tại Hội thảo, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng, Chương trình AAA có ích không nhỏ đối với Bộ Tài chính bởi hiện nay Bộ Tài chính đang cùng các bộ khác tổng kết không chỉ nhiệm vụ của năm 2019 và còn tổng kết nhiệm vụ công tác, chiến lược của giai đoạn 2010-2020 và xây dựng chiến lược cho giai đoạn 2021-2030 cũng như chuẩn bị cho kế hoạch trung hạn 2021-2023.

“Trong chiến lược này, cải cách thể chế, quản lý ngân sách nhà nước và chi tiêu công được coi là nhiệm vụ trọng tâm. Ngoài ra, còn một ưu tiên khác đó là hoàn thiện thể chế báo cáo tài chính công. Do vậy, những vấn đề liên quan đến các tiêu chí đạt chuẩn mực quốc tế và các tiêu chí chuẩn mực kế toán công cũng như tư luôn đòi hỏi cao”, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh.

Cũng theo Thứ trưởng, một nhóm ưu tiên tại Chương trình nữa đó là sửa đổi những nội dung lớn của Luật Ngân sách nhà nước trong đó có vấn đề liên quan đến phân cấp nguồn thu chu, quản lý nợ công và thực hiện đổi mới mạnh mẽ hơn cách quản lý của khu vực hành chính sự nghiệp.

Phát biểu tại Hội thảo, chuyên gia tư vấn Clay Wescott cho rằng, với mục tiêu tăng cường năng lực của cơ quan điều hành để cải thiện công tác lập kế hoạch và thực hiện ngân sách, nhìn chung, có 6/8 chỉ số PEFA (Đánh giá chi tiêu công và trách nhiệm giải trình tài chính) có khả năng đạt yêu cầu vào tháng 12/2020. Một chỉ số sẽ cải thiện thứ hạng nhưng không đạt được mục tiêu đề ra trong gia đoạn chuyển tiếp đến năm 2023 và chỉ số còn lại có thể cải thiện vào năm 2021 nếu Luật Đầu tư công và nghị định hướng dẫn được xây dựng và triển khai hợp lý.

Bên cạnh đó, với mục tiêu tiến hành phân tích thực nghiệm và tăng cường năng lực của Quốc hội về các vấn đề ngân sách và tài chính cũng đã đạt yêu cầu ở thời điểm này.

Vị chuyên gia này cũng đưa ra khuyến nghị, Việt Nam cần chủ động quản lý rủi ro và tiêu chuẩn dịch vụ để đảm bảo triển khai kịp thời các đầu vào RETF chất lượng cao, thông qua kết hợp và thiết lập trình tự ưu tiên cho các hoạt động, củng cố và đơn giản hóa công tác mua sắm đấu thầu, giám sát chặt chẽ và ra quyết định hợp lý hơn.

Bên cạnh đó, cũng cần thể chế hóa quy trình chung của Bộ Tài chính và các bộ ngành cho việc báo cáo và theo dõi các đơn vị sự nghiệp công lập bằng các chỉ sốtài chính và phi tài chính ở các ngành chính, bắt đầu từ y tế, giáo dục đại học và dạy nghề.

Việc phát hành báo cáo tiến độ và các tài liệu quan trọng khác trên cổng thông tin Bộ Tài chính hoặc trang web phù hợp khác.

Ông Clay Wescott cũng cho rằng, cần giữ nguyên ngày hoàn thành dự án hiện tại vào cuối năm 2020, nhưng cần xác định ngay từ bây giờ sự tham gia của các bên trong thời gian sắp tới và các lĩnh vực mà sự tư vấn kịp thời có thể tạo hiệu ứng xúc tác cho các hoạt động cải cách bổ sung.

Thùy Linh

Nguồn Hải Quan: https://baohaiquan.vn/chuong-trinh-aaa-da-dat-duoc-nhieu-muc-tieu-quan-trong-107770.html