Chương trình giáo dục phổ thông mới: Giảm tải ở tiểu học

Cuối giờ chiều 28-7, Bộ GD-ĐT đã chính thức công bố Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT).

Bộ GD-ĐT cho biết, dự thảo chương trình cụ thể được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ GD-ĐT ngày 12-4 để xin ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân. Trên cơ sở ý kiến góp ý của các nhà khoa học, nhà giáo, nhà quản lý, các tầng lớp nhân dân và ý kiến của Hội đồng Quốc gia thẩm định chương trình tổng thể (lần 2), Ban Phát triển chương trình GDPT tổng thể đã nghiêm túc tiếp thu để chỉnh sửa, hoàn thiện, trình Ban Chỉ đạo đổi mới chương trình sách giáo khoa GDPT thông qua ngày 27-7-2017.

Đây là căn cứ để xây dựng dự thảo các chương trình môn học và hoạt động giáo dục. Chương trình tổng thể sẽ được tiếp tục xem xét để ban hành chính thức cùng với các chương trình môn học và hoạt động giáo dục.

Giảm tải ở tiểu học

Như vậy, so với dự thảo trước thì thời lượng các tiết học ở cấp tiểu học giảm xuống rõ rệt trong từng lớp. Cụ thể, lớp 1, 2 còn 1.015 tiết; lớp 3 còn 1.085 tiết; lớp 4, 5 còn 1.120 tiết.

Về nội dung, các môn học chỉ còn phân chia thành 2 loại: môn học, hoạt động bắt buộc và môn học tự chọn chứ không phân thành nhiều loại như dự thảo trước đây (môn học bắt buộc, môn học bắt buộc có phân hóa, môn học tự chọn, nội dung giáo dục của địa phương).

 Học sinh Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Gò Vấp, TPHCM)

Học sinh Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Gò Vấp, TPHCM)

Ở cấp tiểu học, các môn và hoạt động giáo dục bắt buộc nội dung và thời lượng các môn Tiếng Việt, Ngoại ngữ (ở lớp 3, 4, 5) không có sự thay đổi.

Riêng số tiết môn Toán lớp 5 giảm còn 175 tiết. Môn Giáo dục lối sống trong dự thảo cũ được đổi tên thành Đạo đức, đồng thời giảm thời lượng từ 70 tiết ở các lớp 1, 2, 3 xuống còn 35 tiết. Môn Cuộc sống quanh ta (ở các lớp 1, 2, 3) được gộp chung thành một môn Tự nhiên và Xã hội.

Ở các lớp 4, 5, môn Tìm hiểu Tự nhiên được đổi thành môn Khoa học. Còn môn Tìm hiểu Xã hội được đổi thành Lịch sử và Địa lý.

Môn Thế giới Công nghệ dự kiến dạy ở lớp 1 đến lớp 3 trong dự thảo cũ thì trong chương trình chính thức đã bị bỏ.

Hai môn Tìm hiểu công nghệ và Tìm hiểu tin học ở lớp 4 và lớp 5 được thay thế bằng môn học Tin học và Công nghệ với thời lượng bằng thời lượng của 2 môn (70 tiết/năm).

Các môn Giáo dục Thể chất, Nghệ thuật vẫn giữ nguyên như dự thảo cũ.

Ngoài ra, hoạt động tự học có hướng dẫn chiếm thời lượng khá lớn trong dự thảo trước đây bị loại bỏ trong dự thảo mới nhất. Nội dung giáo dục địa phương được đưa vào hoạt động trải nghiệm. Bên cạnh đó, môn Ngoại ngữ 1 được đưa vào một trong 2 môn học tự chọn cho học sinh ngay từ lớp 1 (cùng với Tiếng dân tộc thiểu số).

Cấp THCS các môn Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1 không có thay đổi so với dự thảo.

Với môn Giáo dục Công dân, thời lượng ở các lớp 8, 9 giảm còn 35 tiết năm, giống các lớp 6, 7. Môn Tin học giảm còn 35 tiết. Môn Công nghệ và Hướng nghiệp đổi tên thành Công nghệ, thời lượng ở các lớp 6, 7 giảm còn 35 tiết/năm, ở các lớp 8, 9 giảm còn 52 tiết/năm. Thời lượng các môn Giáo dục Thể chất, Nghệ thuật không thay đổi. Hoạt động trải nghiệm sáng tạo đổi tên thành Hoạt động trải nghiệm.

Mỗi môn học Công nghệ, Tin học, Giáo dục Thể chất được thiết kế thành các học phần; Hoạt động trải nghiệm được thiết kế thành các chủ đề; học sinh được lựa chọn học phần, chủ đề phù hợp nguyện vọng của bản thân và khả năng tổ chức của nhà trường.

Thời lượng nội dung giáo dục địa phương ở cấp THCS được tách riêng với khoảng 35 tiết/năm. Các môn tự chọn gồm Tiếng dân tộc thiểu số và Ngoại ngữ 2 với thời lượng 105 tiết/năm.

Điểm mới đáng chú ý nội dung hướng nghiệp được đưa vào từ cấp THCS. Cụ thể, chương trình quy định rõ, hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp là hoạt động giáo dục bắt buộc với thời lượng 105 tiết/năm ở cả 4 lớp.

Học sinh THPT

Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (THPT) có nhiều thay đổi. Theo đó, chương trình chính thức không tách cấp học này thành 2 giai đoạn với 2 tính chất (dự hướng và định hướng nghề nghiệp) mà dồn chung thành một giai đoạn, thông suốt từ lớp 10 đến lớp 12.

Ở THPT, các môn học bắt buộc là: Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Giáo dục thể chất; Giáo dục quốc phòng và an ninh; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục của địa phương. Môn Giáo dục thể chất được thiết kế thành các học phần; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp được thiết kế thành các chủ đề; học sinh được lựa chọn học phần, chủ đề phù hợp với nguyện vọng của bản thân và khả năng tổ chức của nhà trường.

Các môn học được lựa chọn theo định hướng nghề nghiệp gồm 3 nhóm môn.

Nhóm môn Khoa học xã hội: Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật.

Nhóm môn Khoa học tự nhiên: Vật lý, Hóa học, Sinh học.

Nhóm môn Công nghệ và Nghệ thuật: Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật.

Nội dung mỗi môn học thuộc nhóm này được thiết kế thành các học phần, học sinh được lựa chọn học phần phù hợp với nguyện vọng của bản thân và khả năng tổ chức của nhà trường. Học sinh chọn 5 môn học từ 3 nhóm môn học trên, mỗi nhóm chọn ít nhất 1 môn.

Mỗi môn học Ngữ văn, Toán, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật có một số chuyên đề học tập tạo thành cụm chuyên đề học tập của môn học nhằm thực hiện yêu cầu phân hóa sâu, giúp học sinh tăng cường kiến thức và kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức giải quyết những vấn đề của thực tiễn, đáp ứng yêu cầu định hướng nghề nghiệp.

Thời lượng dành cho mỗi chuyên đề học tập từ 10 - 15 tiết; tổng thời lượng dành cho cụm chuyên đề học tập của một môn là 35 tiết.

Ở mỗi lớp 10, 11, 12, học sinh chọn 3 cụm chuyên đề học tập của 3 môn học phù hợp với nguyện vọng của bản thân và điều kiện tổ chức của nhà trường.

Các trường có thể xây dựng các tổ hợp môn học từ 3 nhóm môn học và chuyên đề học tập nói trên để vừa đáp ứng nhu cầu của người học vừa bảo đảm phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị của nhà trường.

Học sinh có thể đăng ký học ở một cơ sở giáo dục khác những môn học và chuyên đề học tập mà trường học sinh đang theo học không có điều kiện tổ chức dạy.

Các môn học tự chọn ở THPT cũng là Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2.

Về thời lượng giáo dục, nhìn chung, các môn học đặc biệt là lớp 11-12 của dự thảo mới giảm khá nhiều so với dự thảo cũ kể các các môn học bắt buộc cũng như tự chọn. Tổng số tiết học của cấp THPT là 1015 tiết/năm, trung bình 29 tiết/tuần.

Chương trình cũng nêu rõ định hướng về nội dung giáo dục. Trong đó, về môn Ngoại ngữ, học sinh phổ thông bắt buộc phải học một ngoại ngữ (gọi là Ngoại ngữ 1) và được tự chọn thêm ít nhất một ngoại ngữ khác (gọi là Ngoại ngữ 2) theo nguyện vọng của mình và khả năng đáp ứng của cơ sở giáo dục.

Ngoại ngữ 1 là môn học bắt buộc từ lớp 3 đến lớp 12. Cơ sở giáo dục có điều kiện thuận lợi có thể tổ chức học Ngoại ngữ 1 bắt đầu từ lớp 1; thời lượng học Ngoại ngữ 1 ở lớp 1, lớp 2 không quá 70 tiết/năm học.

Ngoại ngữ 2 là môn học tự chọn, có thể bắt đầu từ lớp 6 và kết thúc ở bất kỳ lớp nào tùy theo nhu cầu của học sinh và khả năng đáp ứng của cơ sở giáo dục.

Chương trình môn học Ngoại ngữ nhằm phát triển toàn diện 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Nội dung chương trình được xây dựng dựa theo yêu cầu của Khung trình độ ngoại ngữ 6 bậc dành cho Việt Nam, liền mạch từ giai đoạn giáo dục cơ bản đến hết lớp 12.

Trong chương trình GDPT, giáo dục hướng nghiệp được thực hiện thông qua tất cả các môn học và hoạt động giáo dục, tập trung ở các môn Công nghệ, Tin học, Khoa học tự nhiên, Nghệ thuật, Giáo dục công dân ở trung học cơ sở, các môn học ở trung học phổ thông và Hoạt động trải nghiệm cùng với nội dung giáo dục của địa phương.

Hoạt động trải nghiệm là hoạt động giáo dục bắt buộc từ lớp 1 đến lớp 12.

3 cách đánh giá kết quả giáo dục

Kết quả giáo dục được đánh giá bằng các hình thức định tính và định lượng thông qua đánh giá thường xuyên, định kỳ ở cơ sở giáo dục, các kỳ đánh giá trên diện rộng ở cấp quốc gia, cấp địa phương và các kỳ đánh giá quốc tế. Kết quả các môn học tự chọn được sử dụng cho đánh giá kết quả học tập chung của học sinh trong từng năm học và trong cả quá trình học tập.

Trong đó, việc đánh giá thường xuyên do giáo viên phụ trách môn học tổ chức, dựa trên kết quả đánh giá của giáo viên, của phụ huynh học sinh, của bản thân học sinh được đánh giá và của các học sinh khác trong tổ, trong lớp.

Việc đánh giá định kỳ do cơ sở giáo dục tổ chức để phục vụ công tác quản lý các hoạt động dạy học, bảo đảm chất lượng ở cơ sở giáo dục và phục vụ công tác phát triển chương trình.

Việc đánh giá trên diện rộng ở cấp quốc gia, cấp địa phương do tổ chức khảo thí cấp quốc gia hoặc cấp tỉnh thành tổ chức để phục vụ công tác quản lý các hoạt động dạy học, bảo đảm chất lượng đánh giá kết quả giáo dục ở cơ sở giáo dục, phục vụ công tác phát triển chương trình và nâng cao chất lượng giáo dục.

Đáng chú ý, chương trình cũng nêu, việc đánh giá kết quả giáo dục để công nhận tốt nghiệp THPT bảo đảm độ tin cậy, trung thực, phản ánh đúng năng lực của học sinh, cung cấp dữ liệu cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học; đồng thời bảo đảm phù hợp với quyền tự chủ của cơ sở giáo dục, giảm áp lực và tốn kém cho xã hội.

PHAN THẢO

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-moi-giam-tai-o-tieu-hoc-458401.html