Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021-2025: Gỡ rào cản về cơ chế, chính sách

Tính đến hết năm 2020, Hà Nội đã có 1.054 sản phẩm tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được đánh giá, phân hạng. Triển khai Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025, Hà Nội tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách, tháo gỡ những rào cản đang tồn tại, từ đó tạo bước phát triển mới.

Đóng gói trà chùm ngây - sản phẩm OCOP của xã Hồng Vân (huyện Thường Tín). Ảnh: Đỗ Tâm

Vẫn còn những rào cản

Theo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, đầu năm 2019, khi Hà Nội phê duyệt Chương trình OCOP, mục tiêu đặt ra đến hết năm 2020 là phấn đấu tổ chức đánh giá xếp hạng từ 800 đến 1.000 sản phẩm, nhưng thực tế đã có 1.054 sản phẩm được đánh giá, phân hạng và quyết định công nhận...

Về kết quả thực hiện Chương trình OCOP của Hà Nội, tại Hội nghị toàn quốc tổng kết Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020 vào ngày 22-3, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận xét, với số sản phẩm được đánh giá, công nhận, Hà Nội đã và đang dẫn đầu cả nước trong thực hiện chương trình, góp phần quan trọng vào thành công của Chương trình OCOP cả nước.

Dù đạt kết quả khả quan, song việc triển khai Chương trình OCOP trên địa bàn Hà Nội thời gian qua vẫn còn không ít khó khăn. Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Hoàng Thị Huyền, một số cơ chế, chính sách về Chương trình OCOP còn thiếu và chưa đồng bộ, khó áp dụng vào thực tiễn. Ví như, tiêu chí “Tỷ lệ sử dụng nguyên liệu địa phương”, theo quy định nhóm 1 (thực phẩm tươi sống và thực phẩm thô, sơ chế) yêu cầu sử dụng nguyên liệu địa phương từ 75% trở lên; nhóm 2 thực phẩm chế biến (đồ ăn nhanh, gia vị, chè, cà phê, ca cao) yêu cầu sử dụng nguyên liệu địa phương từ 50% trở lên... sẽ rất khó thực hiện bởi diện tích sản xuất nông nghiệp của Hà Nội ngày một thu hẹp; quy định này cũng gây khó khăn trong việc liên kết giữa các vùng sản xuất và các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân liên kết bao tiêu sản phẩm.

Là chủ thể tham gia Chương trình OCOP, bà Chu Thị Vinh (Cơ sở nuôi ong Vinh Hoa, xã Đồng Thái, huyện Ba Vì) cho biết, hiện thành phố và huyện mới chỉ tập trung hỗ trợ các chủ thể hoàn thiện thủ tục hồ sơ minh chứng, nâng cấp chất lượng cho sản phẩm mà chưa có chính sách hỗ trợ, động viên chủ thể có sản phẩm đạt sao... Vì vậy, các chủ thể mong được hỗ trợ nhiều hơn nữa về xúc tiến thương mại để tăng tính quảng bá, nâng cao giá trị cho sản phẩm.

Tiếp tục tháo gỡ vướng mắc

Trước những vấn đề đặt ra, Hà Nội mong muốn Chính phủ có thêm hỗ trợ, đầu tư, nâng cấp chất lượng sản phẩm OCOP; quy định mức thưởng cho các chủ thể có sản phẩm được công nhận từ 3 sao trở lên; hỗ trợ kinh phí cho các điểm giới thiệu, trưng bày và bán sản phẩm OCOP… để tạo động lực thúc đẩy chương trình.

Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội cũng đề nghị Bộ NN&PTNT nghiên cứu tham mưu Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh, bổ sung các quyết định về việc ban hành bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP theo hướng bỏ tiêu chí “Tỷ lệ sử dụng nguyên liệu địa phương”...; đồng thời đề nghị Bộ Công Thương có văn bản hướng dẫn cụ thể về việc hỗ trợ các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại địa phương từ ngân sách trung ương và địa phương, như: Hỗ trợ lắp đặt biển hiệu nhận diện, giá kệ trong cửa hàng; hỗ trợ công tác tuyên truyền sản phẩm OCOP...

Trong khi chờ cấp thẩm quyền tháo gỡ những vướng mắc nêu trên, Hà Nội vẫn tiếp tục chủ động thực hiện các giải pháp để nâng cao hiệu quả chương trình. Theo Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí, giai đoạn 2021-2025, Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu mỗi năm có thêm khoảng 400 sản phẩm được công nhận, cấp sao. Để hiện thực hóa mục tiêu, Hà Nội sẽ tiếp tục hỗ trợ các chủ thể tham gia Chương trình OCOP nâng cấp mẫu mã, chất lượng sản phẩm...; đồng thời triển khai xây dựng Trung tâm thiết kế sáng tạo và giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với các điểm du lịch sinh thái của quốc gia và thành phố Hà Nội.

Triển khai ở cấp cơ sở, Trưởng phòng Kinh tế huyện Mỹ Đức Trương Anh Tuấn thông tin, huyện sẽ rà soát các sản phẩm tiềm năng để hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp tham gia chương trình, từ đó giúp các sản phẩm có chất lượng cao, mẫu mã đẹp, có thị trường tiêu thụ tốt... Còn theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Đan Phượng Nguyễn Viết Đạt, huyện sẽ tích cực hỗ trợ các chủ thể đẩy mạnh quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP. Hiện huyện đã vận động các khu du lịch trên địa bàn cho các chủ thể OCOP vào giới thiệu sản phẩm miễn phí phục vụ du khách.

Với tính hiệu quả đã được chứng minh, việc tháo gỡ những rào cản về cơ chế, chính sách chắc chắn sẽ giúp các sản phẩm OCOP có thêm nhiều điều kiện để phát triển.

Nguyễn Mai

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/kinh-te/995880/chuong-trinh-moi-xa-mot-san-pham-giai-doan-2021-2025-go-rao-can-ve-co-che-chinh-sach