Chương trình Mỗi xã một sản phẩm: Không chạy theo phong trào

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được triển khai từ năm 2019 đến nay đã tạo luồng gió mới trong phát triển kinh tế nông thôn tại Hà Nội. Để chương trình đi vào thực chất, mang lại ý nghĩa đối với các chủ thể là vấn đề đang được đặt ra. Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị có cuộc trao đổi với Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí xung quanh vấn đề này.

Khách hàng lựa chọn mua sắm các sản phẩm OCOP tại một hội chợ được tổ chức tại Hà Nội.

Ông có thể chia sẻ một số kết quả nổi bật trong triển khai Chương trình OCOP của Hà Nội thời gian qua?

- Thực hiện Quyết định số 490/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP Hà Nội đã sớm ban hành kế hoạch cụ thể để tổ chức triển khai Chương trình OCOP giai đoạn 2019 - 2020. Năm 2019, Hà Nội đã đánh giá được 301 sản phẩm OCOP, trong đó có 6 sản phẩm tiềm năng 5 sao. Năm 2020, dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, tuy nhiên các địa phương đã rất nỗ lực để đẩy mạnh Chương trình. Từ đầu năm đến nay, đã có 147 sản phẩm của 5 quận, huyện, thị xã được đánh giá, phân hạng là sản phẩm OCOP.
Đối với những sản phẩm tiềm năng 5 sao, Hà Nội sẽ hỗ trợ để hoàn thiện hồ sơ, trình T.Ư đánh giá để đưa vào danh mục sản phẩm OCOP Quốc gia. Ngoài ra, TP cũng chủ trương nâng sao cho tất cả các sản phẩm OCOP, từ 3 sao lên 4 sao, từ 4 sao lên 5 sao. Trong đó, tập trung vào tư vấn, hướng dẫn nhằm nâng cao chất lượng và hình ảnh sản phẩm.
Trong quá trình triển khai Chương trình OCOP, các chủ thể của Hà Nội đang gặp những khó khăn gì?
- Thực tế hiện nay, quy mô sản xuất của các chủ thể còn nhỏ. Sản phẩm tạo ra mới chủ yếu ở dạng thô. Do đó, chúng tôi đang xây dựng đề án đầu tư cho chế biến sâu nhằm nâng cao chất lượng các sản phẩm. Đối với ngành hàng thủ công mỹ nghệ, vấn đề ô nhiễm môi trường có tác động lớn. Hiện, Hà Nội đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung đánh giá tác động môi trường để có giải pháp khắc phục. Vấn đề mẫu mã và “câu chuyện sản phẩm” cũng cần được cải thiện trong thời gian tới.
Việc tiêu thụ sản phẩm OCOP đóng vai trò quan trọng trong hiệu quả cốt lõi của chương trình, Hà Nội đã có giải pháp gì cho vấn đề này, thưa ông?
- Ngoài tư vấn, hỗ trợ chủ thể nâng cấp chất lượng sản phẩm tham gia dự thi đánh giá ở các cấp thì trong chu trình phát triển các sản phẩm OCOP, Hà Nội có đưa vào một nội dung quan trọng là “sản phẩm sẽ đi về đâu”. Nhận thức được vấn đề này, trong năm 2020, Hà Nội đã ban hành kế hoạch tổ chức 4 sự kiện quảng bá, giới thiệu, kết nối giao thương các sản phẩm OCOP với các tỉnh vùng núi phía Bắc, Đồng bằng sông Hồng, miền Trung - Tây Nguyên và khu vực Nam Bộ.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên tiến độ tổ chức các sự kiện có chậm hơn dự kiến. Tuy nhiên đến nay, chúng tôi cũng đã tổ chức được 3 sự kiện. Sự kiện còn lại sẽ được thực hiện vào tháng 12/2020. Qua đánh giá của Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, sau 3 sự kiện kết nối giao thương đã diễn ra, có khoảng 65% các biên bản ghi nhớ hợp tác liên kết tiêu thụ sản phẩm OCOP vào các kênh phân phối được thực hiện.
Để Chương trình OCOP không dừng ở phong trào, chạy theo số lượng, Hà Nội đã có giải pháp gì, thưa ông?
- Chúng tôi xác định vấn đề kiểm soát chất lượng sản phẩm OCOP là rất quan trọng. Hiện, TP đã và đang tiến hành 4 đợt kiểm tra, đánh giá các chủ thể đã được cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP. Đơn vị nào có vi phạm thì TP sẽ thu hồi giấy chứng nhận ngay lập tức. Thực tế quá trình triển khai giai đoạn vừa qua cho thấy, các địa phương rất tích cực trong việc nâng cấp chất lượng sản phẩm OCOP. Các chủ thể cũng ý thức được tầm quan trọng của sản phẩm gắn nhãn OCOP. Đây sẽ là tiền đề để Hà Nội hoàn thành mục tiêu Chương trình OCOP bảo đảm tiêu chí về số lượng và chất lượng.
Xin cảm ơn ông!

Trọng Tùng thực hiện

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/chuong-trinh-moi-xa-mot-san-pham-khong-chay-theo-phong-trao-400630.html