Chương trình 'Nhận diện hàng Việt Nam - Tự hào hàng Việt Nam' năm 2018: Kết nối và chia sẻ

Lễ khởi động Chương trình Nhận diện hàng Việt Nam - Tự hào hàng Việt Nam năm 2018 và Hội nghị Đối tác phát triển hàng Việt Nam vừa được Bộ Công Thương tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh.

Hàng hóa của các DN Việt trưng bày tại triển lãm

Hàng hóa của các DN Việt trưng bày tại triển lãm

Kết nối hàng Việt bằng nhiều hình thức mới

Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, chương trình năm nay đã bước sang một giai đoạn phát triển mới với nhiều hoạt động hỗ trợ xây dựng một môi trường sinh thái để các doanh nghiệp (DN) trở thành đối tác của nhau, mở ra những không gian kết nối và chia sẻ nhằm phát triển sản phẩm, phát triển thị trường, qua đó nâng cao tính cạnh tranh của hàng hóa dịch vụ Việt Nam.

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (CVĐ) đã bước sang năm thứ 9. Hàng Việt đã có chỗ đứng nhất định trong các cơ sở phân phối tại hơn 9.000 điểm bình ổn thị trường và trên 90% hàng sản xuất trong nước. Đến nay, đa số hệ thống phân phối lớn đều tham gia hưởng ứng tốt chương trình hành động của địa phương nhằm thực hiện hiệu quả CVĐ với tỷ lệ hàng Việt phân phối từ 65% - 95%. Còn các doanh nghiệp lớn như Co.opMart, Satra, Vissan… đã phát triển hệ thống phân phối tới nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, với tỷ lệ hàng Việt luôn chiếm từ 90 - 95% trên các quầy kệ.

Theo ông Bùi Thế - Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng - trên cơ sở liên kết vùng, đã giúp các tỉnh, thành phố đẩy mạnh sự hợp tác có tính mở và tạo điều kiện để mở rộng thị trường cho các sản phẩm trong khu vực. Bà Võ Phương Thủy - Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp - cho hay, số lượng DN tham gia vào chương trình liên kết sản xuất tiêu thụ lúa gạo không ngừng tăng lên hàng năm.

Tạo chỗ đứng cho đặc sản địa phương

Bà Lê Việt Nga - Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, (Bộ Công Thương) - cho biết, đến nay Việt Nam đã xây dựng hành lang pháp lý, giải pháp hỗ trợ hiệu quả trong việc đăng ký, quản lý chỉ dẫn địa lý nhằm phát triển, quảng bá các sản phẩm đặc sản gắn với địa danh, góp phần nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa đặc sản địa phương trên thị trường. Tính đến giữa năm 2018 đã có 60 chỉ dẫn địa lý ở 39 tỉnh, thành phố và đã được cập nhật, giới thiệu, bảo hộ bên cạnh hàng ngàn mặt hàng đặc sản khác nhau như nước mắm Phú Quốc, cam Vinh, tỏi Lý Sơn…

Hoạt động hỗ trợ đặc sản địa phương, sản phẩm của các DN nhỏ và vừa tham gia vào hệ thống phân phối luôn được chú trọng. Cụ thể như: Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với CVĐ; Đề án “Phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2010 - 2015 và định hướng đến năm 2020”; Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia...

Đại diện các sở, ngành cho rằng, cần có cơ chế, chính sách phát triển thị trường bán lẻ bằng việc hỗ trợ các DN có thương hiệu bán lẻ uy tín trong nước phát triển thành các thương hiệu bán lẻ mạnh như Saigon Co.op, Satramart, VinMart… mở rộng thêm quy mô và số lượng điểm bán mới. Tập trung xây dựng và đổi mới hệ thống các chợ truyền thống để các doanh nghiệp bán lẻ nội địa tăng sức cạnh tranh so với các DN bán lẻ nước ngoài tại thị trường Việt Nam.

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho sự kết nối và chia sẻ giữa mọi loại hình DN, với mục tiêu cao nhất là nâng cao tính cạnh tranh của hàng hóa dịch vụ Việt Nam, ưu tiên sử dụng các sản phẩm hàng hóa Việt Nam.

Thảo - Dương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/chuong-trinh-nhan-dien-hang-viet-nam-tu-hao-hang-viet-nam-nam-2018-ket-noi-va-chia-se-110251.html