Chương trình nông thôn mới góp phần thay đổi diện mạo vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Trong những năm qua, Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới được triển khai thực hiện tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi (MN) đã đạt được những kết quả quan trọng. Những kết quả đó góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS, giúp phát triển kinh tế-xã hội và giảm nghèo bền vững ở những địa phương vùng đồng bào DTTS và MN nói chung.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pha Long, BĐBP Lào Cai giúp đồng bào DTTS ở khu vực biên giới làm đường giao thông liên bản. Ảnh: Đơn vị cung cấp

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pha Long, BĐBP Lào Cai giúp đồng bào DTTS ở khu vực biên giới làm đường giao thông liên bản. Ảnh: Đơn vị cung cấp

Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, những năm qua, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Cụ thể, tính đến hết tháng 6-2019, tỷ lệ đạt chuẩn nông thôn mới của các địa phương vùng đồng bào DTTS và MN đạt 45,2%, với khoảng 3.241 xã/7.165 xã. Vùng khó khăn có 762 thôn, bản được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới theo Đề án 1385 của Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay, một số tỉnh vùng miền núi khó khăn cũng đã có đơn vị cấp huyện phấn đấu hoàn thành xây dựng nông thôn mới trong năm 2019.

Cùng với đó, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới đã góp phần phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và MN. Điển hình là hạ tầng kinh tế-xã hội nông thôn được chú trọng, góp phần nâng cao điều kiện sinh hoạt và sản xuất của người dân nông thôn, nhất là vùng đồng bào DTTS và MN. Giai đoạn 2012-2018, đã có khoảng 25.000 công trình hạ tầng được xây dựng trên địa bàn các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng DTTS và MN.

Từ năm 2011 đến nay, cả nước đã có 99,4% tổng số xã trên cả nước có đường ô tô đến trung tâm xã, đặc biệt ở những địa bàn vùng núi cao, địa hình phức tạp như Hà Giang, Cao Bằng, Yên Bái, Thanh Hóa, Nghệ An, Bến Tre... Hệ thống đường giao thông được bê tông hóa đã cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân, qua đó, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, nông sản, nâng cao thu nhập cho người dân, nhất là những khu vực có đông đồng bào DTTS sinh sống. Đến nay, vùng đồng bào DTTS và MN có 41,7% số xã đạt tiêu chí về giao thông (so với khi bắt đầu chương trình thì hầu như chưa có xã nào đạt chuẩn tiêu chí số 3 về giao thông).

Bên cạnh đó, mạng lưới điện quốc gia đã bao phủ đến 100% số xã và 97,8% số thôn, trong đó, vùng núi 98,9%; hải đảo 99,6%; cả nước có 90% số xã đạt tiêu chí về điện. Hệ thống thủy nông được xây dựng mới và hoàn thiện, có 65% xã có hệ thống thủy lợi nhỏ, hệ thống cung cấp nước sạch nông thôn được đầu tư xây dựng; cả nước có 90,7% số xã đạt tiêu chí số 3 về thủy lợi. Hệ thống trường mầm non và trường phổ thông các cấp được quy hoạch lại, đảm bảo phù hợp với sự biến động về số lượng học sinh; có 99,7% số xã đã có trường tiểu học và trường mẫu giáo. Đến nay, cả nước có 60,3% số xã đạt tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa, trong đó, các xã vùng đồng bào DTTS và MN có 40,3% số xã đạt chuẩn.

Đồng thời, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới còn giúp phát triển sản xuất, tạo sinh kế, góp phần giảm nghèo bền vững và nâng cao thu nhập cho người dân. Thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, nhiều địa phương khu vực miền núi, vùng khó khăn đã khai thác những lợi thế, tiềm năng để thực hiện thành công một số mô hình chuyển đổi sản xuất gắn với liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao như Sơn La, Hòa Bình, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, An Giang... Có 15 địa phương đã phê duyệt danh mục dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị đến năm 2020 theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Chương trình OCOP được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 7-5-2018 bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần thúc đẩy phát triển những sản phẩm đặc sản các địa phương; phát triển mô hình du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa, truyền thống, nhất là vùng đồng bào DTTS và MN, góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

Các loại hình tổ chức sản xuất được đổi mới, phù hợp, hiệu quả hơn; kinh tế hộ gia đình tiếp tục được hỗ trợ và tổ chức theo hướng quy mô lớn hơn, dần thích nghi với cơ chế thị trường. Trong 2 năm vừa qua, số hợp tác xã vùng MN và đồng bào DTTS đã tăng mạnh về số lượng và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, trong đó, điển hình là tỉnh Sơn La. Với tất cả những nỗ lực đó, cho đến nay, tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2015-2018 các xã đặc biệt khó khăn vùng DTTS và MN đã giảm khoảng 3-4%/năm.

Thùy Trang

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/chuong-trinh-nong-thon-moi-gop-phan-thay-doi-dien-mao-vung-dan-toc-thieu-so-va-mien-nui/