Chương trình OCOP, điểm tựa cho sản phẩm làng nghề

Thanh Hóa có 36 nghề, 118 làng nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và hơn 100 làng nghề, làng nghề truyền thống và có những nghề vẫn được duy trì, phát triển mạnh mẽ, song cũng có những nghề dần mai một theo thời gian. Khi tỉnh triển khai Chương trình OCOP đã tạo 'cú hích' làm đổi mới tư duy sản xuất, góp phần chuyển dịch mạnh mẽ kinh tế nông thôn. Trong đó, sản phẩm làng nghề cũng có nhiều cơ hội được bảo tồn, phát triển, vươn xa hơn trên thị trường.

Sản phẩm trống đồng từ làng nghề đúc đồng Trà Đông, xã Thiệu Trung (Thiệu Hóa) đạt chuẩn 4 sao OCOP.

Thập niên 90 của thế kỷ trước, tại thôn Tân Giao, xã Thăng Long (Nông Cống) chỉ có 2 hộ du nhập nghề làm miến gạo và duy trì nghề để phát triển kinh tế. Qua thời gian, số hộ làm miến gạo tại thôn tăng dần, đến năm 2016 đạt khoảng 20 hộ và nghề làm miến gạo tại xã Thăng Long được công nhận làng nghề truyền thống. Đồng thời, sản phẩm miến gạo đã khẳng định được uy tín, chất lượng trên thị trường mang lại thu nhập đáng kể cho người dân. Tuy nhiên, sản phẩm chỉ được tiêu thụ ở thị trường nội tỉnh, chưa có cơ hội và sức mạnh để vươn xa hơn. Ông Trương Hữu Hoa, Giám đốc HTX Dịch vụ sản xuất miến gạo Thăng Long, cho biết: Mặc dù được thị trường và người tiêu dùng biết đến, song sản phẩm miến gạo Thăng Long chưa có sức cạnh tranh, khó phân biệt với các sản phẩm cùng loại trên thị trường. Đến năm 2020, khi sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh thì “sức bật” mới rõ nét. Bởi, làng nghề đã giải quyết được việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Theo tính toán của HTX Dịch vụ sản xuất miến gạo Thăng Long, cho thấy, sau khi được công nhận OCOP 3 sao, trung bình 1 tháng, HTX xuất ra thị trường khoảng 60 tấn miến, gấp đôi so với trước đây. Cùng với đó, trước đây, 1 hộ làm miến chỉ cần 2-3 lao động thì giờ phải cần gấp đôi nhân công để làm các công đoạn như cắt miến, đóng bao bì... Sản lượng lớn, giá cả ổn định, theo đó thu nhập của người lao động cũng tăng từ 2-3 triệu đồng/người/tháng lên khoảng 5-6 triệu đồng/người/tháng... Đồng thời, cũng nhờ sức lan tỏa của chương trình OCOP, mà hơn 200 lao động tại thôn Tân Giao có việc làm, thu nhập ổn định.

Cùng với miến gạo Thăng Long, cũng trong năm 2020, sản phẩm nghề truyền thống chè lam Phủ Quảng của cơ sở sản xuất Lâm Thu ở thị trấn Vĩnh Lộc cũng đã đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh. Mặc dù là sản phẩm đã có từ hàng trăm năm, gắn với đời sống tinh thần của người dân trong làng. Tuy nhiên, sản phẩm chưa mang lại giá trị kinh tế cao cho người sản xuất. Chị Đỗ Thị Thu, chủ cơ sở sản xuất Lâm Thu, cho biết: Làng Cao Mật, thị trấn Vĩnh Lộc vốn có nghề làm chè lam truyền thống, tuy nhiên, người dân chỉ làm để sử dụng trong gia đình, làm quà biếu dịp lễ, tết... chưa có nhiều hộ phát triển sản phẩm theo quy mô hàng hóa. Chè lam vùng đất Phủ Quảng của Vĩnh Lộc cũng đã có thương hiệu trên thị trường, song lượng tiêu thụ hàng năm khá khiêm tốn. Chỉ khi tham gia Chương trình OCOP, sản phẩm truyền thống này mới có thêm cơ hội để chắp cánh, vươn xa. Được biết, sau khi được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh chất lượng 3 sao, Cơ sở sản xuất Lâm Thu đã đầu tư cải tiến mẫu mã, bao bì, sản phẩm chè lam Phủ Quảng đã tạo dựng được chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài tỉnh với sản lượng tiêu thụ đạt 25 tấn/năm, doanh thu khoảng 1,5 tỷ đồng, lợi nhuận 400 triệu đồng, tăng 30% so với trước khi tham gia chương trình.

Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa có 317 sản phẩm OCOP, trong đó có hơn 20% sản phẩm nghề truyền thống, làng nghề và làng nghề truyền thống. Thực tế cho thấy, hầu hết các sản phẩm làng nghề được gắn sao OCOP đều phát triển vượt trội, bình quân tăng từ 20-25% so với trước khi tham gia chương trình. Trong đó, có một số sản phẩm từ nghề cói truyền thống của huyện Nga Sơn đã xuất khẩu sang các thị trường như Mỹ, Nga, Cộng hòa Séc, Tây Ban Nha... Ông Bùi Công Anh, Phó Chánh Văn phòng điều phối Chương trình Xây dựng nông thôn mới tỉnh, cho biết: Để trở thành điểm tự vững chắc cho các sản phẩm OCOP, trong đó có các sản phẩm OCOP từ làng nghề, nghề truyền thống, văn phòng đã phối hợp với các địa phương, chủ thể ra mắt 16 điểm trưng bày, giới thiệu, bán các sản phẩm OCOP và các sản phẩm hàng hóa đặc trưng từ các vùng, miền. Đồng thời, tổ chức nhiều hội chợ quảng bá, kết nối giao thương sản phẩm OCOP. Thông qua các hội chợ quảng bá, hàng chục sản phẩm OCOP xuất phát từ làng nghề đã bảo đảm các yêu cầu, tiêu chí được lựa chọn, bày bán tại các siêu thị, sàn thương mại điện tử uy tín.

Bài và ảnh: Thanh Hòa

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/chuong-trinh-ocop-diem-tua-cho-san-pham-lang-nghe/182774.htm