Chương trình phân ban THPT: Còn người học vẫn còn... tồn tại!

Giadinh.net - 'Còn người học vẫn còn... tồn tại!' là ý kiến của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển khi được hỏi: 'Liệu có nên bỏ những ban khác khi chương trình phân ban hiện đang 'lệch cân?'.

> Chương trình phân ban THPT: Loay hoay sửa “lệch”

Theo đó, chương trình phân ban chưa có gì thay đổi cho đến năm 2015. Chỉ có thể nói đến việc bỏ ban nào đó khi không có ai học nhưng còn người học thì vẫn còn tồn tại.

Không học vì ít cơ hội nghề nghiệp?

Từ năm 1993, chương trình phân ban đã được thực hiện với 3 ban: Ban A (khoa học tự nhiên), ban B (khoa học tự nhiên-kỹ thuật) và ban C (khoa học xã hội). Đến năm 1998, chương trình phân ban này đã bị xóa. Tiếp đó, năm 2002, tiếp tục thí điểm chương trình THPT và phân thành 2 ban: Ban tự nhiên (A) và ban xã hội (C). Tuy nhiên, khi triển khai gặp sự cố vì xuất hiện ban “không vào ban A, và cũng không vào ban C”, vì thế năm 2003 chúng ta dừng triển khai phân ban. Đến 2005 lại có 5 ban: Ban tự nhiên A, Ban xã hội C; Ban cơ bản; Ban cơ bản hướng – khoa học tự nhiên (CBA); Ban cơ bản hướng khoa học xã hội (CBC), nhưng cũng không được chấp nhận.

Bắt đầu từ năm học 2006 – 2007, chương trình phân ban THPT ban đầu được thiết kế với 2 ban là Ban KHXH&NV và Ban KHTN. Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện thí điểm, nhiều học sinh (HS) không chọn 2 ban nói trên thì không biết đăng ký ban nào. Do vậy, khi triển khai đại trà, chương trình phân ban có thêm Ban cơ bản. Ở ban này, HS có thể lựa chọn từ 1-3 môn học nâng cao hoặc không học môn nâng cao nào, chỉ học theo chương trình chuẩn. Các trường THPT có thể sử dụng SGK nâng cao hoặc SGK biên soạn theo chương trình chuẩn kết hợp với dạy theo chủ đề tự chọn hay nâng cao. Trong khi Ban KHTN có số lượng HS ổn định, chương trình cơ bản đã được hầu hết HS lựa chọn vì có thể phân hóa năng lực còn Ban KHXH&NV gần như xóa sổ.

Ban cơ bản được xem là phù hợp với nhiều đối tượng khác nhau. (Ảnh: C.H)

Theo lý giải của Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, việc HS chủ yếu chọn Ban cơ bản vì ban này hướng tự chọn nhiều hơn, linh hoạt hơn, phù hợp nhiều đối tượng khác nhau hơn. Nếu so với 2 ban KHXH&NV và KHTN, HS không phải học quá vất vả mà khi tham gia các kỳ thi cũng vẫn đáp ứng được. Ngoài ra, khi học ban này, HS vẫn có thể học nâng cao các môn tự chọn. Báo cáo của nhiều trường cho thấy HS rất ít chọn Ban KHXH&NV có lẽ do cơ hội nghề nghiệp của các môn này ít. Còn theo các giáo viên, học Ban cơ bản, HS học đều các môn hơn nên khi thi tốt nghiệp và ĐH, CĐ rất thuận tiện.

Không phá sản!

“Làm sao phá sản được” là ý kiến của ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục THPT (Bộ GD&ĐT) khi đánh giá về chương trình phân ban THPT hiện nay. Theo đó, phân ban có tác dụng chủ động phân luồng HS sau khi tốt nghiệp THPT.

Theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT về phân ban THPT mới đây, trường THPT không nhất thiết phải tổ chức cả 3 ban. Đối với những trường chưa có điều kiện, có thể tổ chức 2 hoặc 1 ban nhưng phải theo tinh thần cố gắng mở rộng cơ hội lựa chọn cho HS nếu điều kiện cho phép. Những trường chỉ có Ban cơ bản cũng có thể dạy học theo kế hoạch 4 tiết/tuần. Việc sử dụng thời lượng dạy học tự chọn theo một trong 2 cách: Dạy học từ 1-3 môn nâng cao trong số 8 môn có nội dung nâng cao là Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý và Ngoại ngữ; Dạy tất cả các môn theo SGK chương trình chuẩn và chủ đề bám sát của các môn học có trong kế hoạch giáo dục.

Trả lời câu hỏi, nên chăng chỉ cần duy trì một Ban cơ bản khi hiện nay số HS đăng kí học Ban cơ bản quá nhiều, còn một số ban khác như KHXH&NV gần như xóa sổ, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết, đến khi có chương trình mới- khoảng năm 2015, chương trình phân ban chưa có gì thay đổi. Hiện 3 ban trên vẫn tồn tại và vẫn có HS học dù có thể chênh lệch. Chỉ có thể nói đến việc bỏ ban nào đó khi không có ai học, nhưng còn người học thì các ban vẫn còn tồn tại. Tuy nhiên, để thuận tiện hơn cho HS, Bộ GD&ĐT sẽ có điều chỉnh tự chọn trong từng ban. Bộ đã tính đến việc học tự chọn nâng cao theo khối thi ĐH, chính vì vậy, ban cơ bản đã có sự phân hóa theo cơ bản A, B, C, D. HS có thể chọn 1-2 môn nâng cao, riêng những em thấy khả năng không thể thi đỗ ĐH thì không cần học nâng cao.

Thực tế, ngay từ đầu, Bộ GD&ĐT cũng không đặt ra số lượng mỗi ban là bao nhiêu HS mà chỉ tạo ra những cơ hội khác nhau cho HS lựa chọn phù hợp với nguyện vọng của mình và ở khía cạnh nào đó phù hợp với điều kiện giảng dạy của nhà trường.

Lương Mỹ - Thanh Châu

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/home/20091021092829505p0c1000/chuong-trinh-phan-ban-thpt-con-nguoi-hoc-van-con-ton-tai.htm