Chương trình Sữa học đường tại Hà Nội: Chất lượng sữa sẽ được kiểm soát chặt chẽ

Chiều 9-10, tại Hà Nội, Báo Nông thôn Ngày nay tổ chức Tọa đàm 'Sữa học đường có cần thiết không?

Thông tin tại tọa đàm cho thấy, chương trình sữa học đường được thực hiện từ rất sớm tại nhiều nước trên thế giới như: Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Anh, Mỹ… Tại Việt Nam, chương trình sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em từ mẫu giáo cho tới tiểu học đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1340/QĐ-TT ngày 8-7-2016 với mục đích: “Cải thiện tình trạng dinh dưỡng của trẻ em mẫu giáo và tiểu học thông qua hoạt động cho trẻ em uống sữa hằng ngày nhằm giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng, nâng cao tầm vóc, thể lực của trẻ em Việt Nam, góp phần phát triển nguồn nhân lực trong tương lai”.

Quang cảnh tọa đàm.

Chương trình được triển khai theo hình thức xã hội hóa, với sự tham gia đóng góp của 3 bên là: Nhà nước, gia đình và doanh nghiệp. Hiện cả nước có 10 tỉnh, thành phố triển khai chương trình sữa học đường.

Ông Phạm Ngọc Tuấn, Trưởng phòng Chính trị Tư tưởng (Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội) cho biết, tại Hà Nội, Đề án sữa học đường đã được phê duyệt để triển khai từ năm học này đến hết năm 2020. Theo đó, chương trình hướng đến mục tiêu trẻ em mẫu giáo và tiểu học được uống ít nhất một ly sữa mỗi ngày. Chi phí cho mỗi hộp sữa sẽ được ngân sách hỗ trợ 30%, doanh nghiệp 20%, còn lại gia đình đóng góp 50%. Riêng với trẻ em và học sinh thuộc diện gia đình chính sách, hộ nghèo… sẽ được uống sữa học đường miễn phí 100%.

Trước những băn khoăn về chủng loại sữa, hạn sử dụng, vệ sinh an toàn thực phẩm, ông Tuấn cho biết, sữa học đường sẽ được Bộ Y tế quản lý về chất lượng sữa cung cấp. Cụ thể, UBND TP Hà Nội giao Sở Y tế kiểm đếm chất lượng sữa từ các hãng sữa trúng thầu. “Ngày 10-10, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sẽ tổ chức đấu thầu chương trình sữa học đường để chọn ra nhà thầu có đủ năng lực cung cấp sản phẩm sữa bảo đảm chất lượng cho các em học sinh mẫu giáo và tiểu học trên địa bàn. Việc lựa chọn đơn vị cung cấp sữa sẽ được Sở tổ chức đấu thầu công khai, minh bạch. Hiện có 11 doanh nghiệp sữa đã đăng ký tham gia đấu thầu. Bộ hồ sơ sau khi đóng thầu sẽ được đánh giá, thẩm định, chấm thầu bởi một đơn vị tư vấn độc lập. Sau khi đóng thầu từ 20 đến 30 ngày, đơn vị trúng thầu được công bố. Đồng thời việc tham gia chương trình là hoàn toàn trên tinh thần tự nguyện của các gia đình”- ông Tuấn nhấn mạnh.

Chia sẻ về vấn đề dinh dưỡng, theo PGS, TS Bùi Thị Nhung, Trưởng khoa Dinh dưỡng Trường học, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, hiện nay, trẻ em thành phố có tỷ lệ béo phì tăng cao nhưng vẫn thiếu chất. Chương trình sữa học đường không tăng thêm năng lượng, khiến học sinh bị béo phì mà sẽ bổ sung các vi chất để tăng chiều cao, bổ sung chất đúng như kinh nghiệm của nhiều nước tiên tiến trên thế giới. “Khi thấy con béo phì, nhiều phụ huynh cắt sữa. Tuy nhiên trên thực tế, các thực phẩm như bánh bao, bánh giò, xôi đều có lượng kalo nhiều hơn sữa. Trẻ béo phì không phải do sữa mà bởi nếp sống chuộng đồ ăn nhanh. Một hộp sữa trong bữa phụ sẽ tốt hơn chiếc bánh quy, bánh giò hay bánh rán”, bà Nhung chia sẻ.

Chương trình Sữa học đường tại Hà Nội có tổng kinh phí thực hiện dự kiến hơn 4.180 tỷ đồng, trong đó ngân sách thành phố hỗ trợ hơn 1.290 tỷ đồng; doanh nghiệp hơn 890 tỷ đồng và phụ huynh đóng hơn 2.000 tỷ đồng.

Tin, ảnh: VŨ DUNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/chuong-trinh-sua-hoc-duong-tai-ha-noi-chat-luong-sua-se-duoc-kiem-soat-chat-che-551551