Chụp ảnh kỷ yếu cuối năm học sao cho ý nghĩa?

Những năm gần đây, trào lưu chụp ảnh kỷ yếu cuối năm được nhiều học sinh cuối cấp, nhất là các học sinh lớp 12 tích cực hưởng ứng. Chụp ảnh kỷ yếu với mong muốn lưu giữ những khoảnh khắc, kỷ niệm đẹp đẽ của thời cắp sách tới trường là điều chính đáng.

Tuy nhiên, chụp ảnh kỷ yếu sao cho phù hợp là vấn đề cần quan tâm, nhất là khi thời gian qua đã xuất hiện những bộ ảnh kỷ yếu gây lãng phí, tốn kém với những hình ảnh không thích hợp với lứa tuổi học trò, thậm chí là gây phản cảm đối với người xem. Những bộ ảnh kỷ yếu với chi phí hợp lý được chụp nơi sân trường, lớp học sẽ lưu giữ những khoảnh khắc thân thương của tuổi học trò, nơi in dấu những kỷ niệm với trường lớp, thầy cô, bè bạn. Tuy nhiên, khi việc chụp kỷ yếu trở thành “cuộc đua ngầm” giữa các lớp học sinh nhằm thể hiện sự khác biệt và mức độ “chịu chơi” thì việc chụp ảnh kỷ yếu cuối năm đã gây ra sự tốn kém không nhỏ về thời gian, tiền bạc.

Học sinh Trường THPT Kim Liên chụp ảnh kỷ yếu cùng thầy giáo.

Trước đây, bộ ảnh kỷ yếu cuối năm học đơn giản chỉ là chụp các thành viên trong lớp với những bộ trang phục truyền thống của học sinh: Nữ mặc áo dài; nam mặc áo sơ mi, quần âu. Vài năm trở lại đây, nhiều ý tưởng mới đã được vận dụng khi học sinh cuối cấp thực hiện các bộ ảnh kỷ yếu. Đầu tiên là về trang phục, thay vì những bộ đồng phục học sinh có in biểu tượng của nhà trường, tên lớp, khóa học, không ít học sinh lại lựa chọn những chiếc áo phông mỏng, có in những hình ảnh lạ mắt, kết hợp với những chiếc quần ngắn. Đó là chưa kể, những bức ảnh kỷ yếu khi được chụp ở bãi biển hay bể bơi, các nữ sinh không ngần ngại mặc những chiếc áo tắm, sẵn sàng tạo dáng đủ kiểu trước ống kính để có được những bức hình đẹp. Phần lớn các ý kiến đều cho rằng, những hình ảnh đó đã làm mất đi sự hồn nhiên, trong sáng vốn có của tuổi học trò.

Cuộc chạy đua ngầm giữa học sinh các trường, các lớp trong mùa kỷ yếu nhằm có được những bức ảnh đẹp, lạ, không trùng lặp vô tình đã tạo ra sự lãng phí, tốn kém về thời gian, tiền bạc. Để chụp được những tấm ảnh kỷ yếu như ý, trung bình mỗi học sinh phải chi từ 500.000 đến 700.000 nghìn đồng. Với học sinh ở các khu vực đồng bằng, thành phố, nơi có điều kiện kinh tế khá giả, số tiền đó có thể không phải là quá lớn, nhưng với học sinh ở nông thôn, miền núi, hoàn cảnh còn nhiều khó khăn thì đó là khoản tiền lớn. Từ thực tế diễn ra, cần hình thành nét văn hóa trong hoạt động chụp ảnh kỷ yếu vào cuối năm học. Không ai cấm học sinh chụp ảnh kỷ yếu, nhất là với những lớp học sinh sắp chia tay tuổi học trò, nhưng cần chụp sao cho vừa đẹp, vừa ý nghĩa và ít tốn kém về thời gian, tiền bạc. Bởi trong thời điểm hiện tại, với các học sinh lớp 12, điều quan trọng nhất vẫn là tập trung cho việc học, khi kỳ thi tốt nghiệp THPT đang cận kề.

Bài và ảnh: BÙI MINH TUẤN (giáo viên Trường THPT Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/chup-anh-ky-yeu-cuoi-nam-hoc-sao-cho-y-nghia-775179