Chút dư vị Tết

Thời nay, người làm công ăn lương trên cả nước bắt đầu và chấm dứt kỳ nghỉ Tết cổ truyền để bước vào công việc của năm mới theo một quy định hành chánh, do Chính phủ ban hành từ giữa tháng Chạp.

Với từng năm, kỳ nghỉ có dài ngắn khác nhau bởi còn phải chiếu theo các ngày nghỉ của tuần dương lịch song trùng dịp Tết. Chẳng như lệ xưa “Cu kêu ba tiếng cu kêu/Trông mau tới Tết dựng nêu ăn chè” (ca dao Nam bộ), cứ đến ngày trừ tịch cuối năm thì ai nấy dựng cây nêu trước cửa nhà làm mốc ăn Tết, qua Giêng hễ đến ngày mùng 7 thì hạ nêu để bắt đầu công việc làm ăn trở lại. Bây giờ cây nêu dường như hoàn toàn mất dạng ở dưới xuôi, may ra còn thấy trong một số lễ hội dân gian trên miền núi, nhất là Tây Nguyên. Cùng với đó, chắc cũng chẳng mấy ai chú ý rằng, hình ảnh cây nêu được dựng đón Tết xưa, với nhiều vật biểu trưng được gắn treo lủng lẳng trên cao, mang ý nghĩa như một bàn thờ có ba tầng thẳng đứng, kết nối ba cõi trời - đất - con người trong quan niệm về vũ trụ của tổ tiên mình thuở trước. Nhưng rồi quan niệm nào cũng bị “uốn nắn” đổi thay theo dòng chảy của lịch sử.

Trước Tết vừa rồi có dịp về quê, tui hỏi thăm để tìm mua món bánh tày hồi nhỏ, nhưng chợ quê sáng Chủ nhật hôm ấy đã bán hết từ rất sớm. Tìm vài nơi khác không thấy. Ngày xưa thì bánh tày luôn có sẵn nơi hàng quán ven đường, nó tựa như bánh tét nhưng nhỏ gọn hơn, vừa cho một người lót dạ, chắc bụng. Muốn tìm lại bánh tày, vì nhớ mấy trang sách của ông Đào Phan - một nhà báo thích tìm hiểu ẩm thực dân gian vùng miền, kể rằng một số làng quê trung du ngoài Bắc vẫn còn giữ tục gói bánh tày cúng giỗ vua Hùng. Chẳng là, thời Hùng Vương dân tộc ta theo văn hóa tín ngưỡng phồn thực cũng như các tộc người khác ở Đông Nam Á, tôn thờ cặp đôi sinh thực khí (tức linga và yoni, mang hình tượng bộ phận sinh dục nam - nữ). Cặp đôi này được dân trồng lúa nước mình sáng tạo thể hiện qua dạng bánh tày và bánh giầy. Lại nghe cố giáo sư sử học Trần Quốc Vượng lúc sinh thời cho biết, bánh chưng vốn không có hình vuông như bây giờ mà mang hình trục giống như các loại bánh nếp của người Tày hay của các dân tộc khác; chuyện bánh chưng hình vuông chỉ được đưa ra vào thời Hậu Lê, khi Nho giáo có ảnh hưởng sâu sắc hơn ở Việt Nam(*). Như vậy, cái bánh chưng của hoàng tử Lang Liêu trong truyền thuyết chỉ là do các nhà nho sau này “biến tấu” cho hợp với quan niệm nhiễm từ phong kiến Trung Hoa phương Bắc mà thôi. Bởi vì ở bên xứ người ta, mãi đến thời Đông Chu mới nảy khái niệm trời tròn, đất vuông, tức sau thời của Lang Liêu mình đến cả 5 thế kỷ! Có thể kể thêm, nét văn hóa người Việt tín ngưỡng phồn thực, tôn thờ sinh thực khí vẫn còn lại dấu vết hôm nay, là lễ hội Trò Trám diễn ra vào đêm 11 rạng ngày 12 tháng Giêng hằng năm (còn gọi lễ hội “Linh tinh tình phộc”) ở xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Có nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, từ xưa ở nhiều vùng khác cũng có những lễ hội kiểu này, nhưng dần bị quên lãng; chỉ riêng Tứ Xã còn giữ được, là bởi cư dân gốc ở nơi đây vốn là một trong những bộ tộc thời Hùng Vương.

Còn ở Nghệ Tĩnh quê tui (hay từ Bắc Trung bộ trở vô?), hồi xưa rất hiếm thấy bánh chưng. Theo lời những bậc cao niên, từ khoảng sau năm 1954 dân cư thay đổi nhiều, văn hóa giao thoa mạnh, nên bánh chưng mới dần dần sánh cùng bánh tét. Có phải chăng, cùng một chủng loại, cùng những vật liệu và nguyên tắc chế biến giống nhau, như trong một câu đố dân gian: “Nhà xanh lại đóng đố xanh/ Tra đỗ, trồng hành, thả lợn vào trong”, thế nhưng bánh chưng trông vuông vắn đẹp đẽ hơn khi đem chưng/trưng bày trên bàn thờ gia tiên; còn ưu điểm của bánh tét là dễ gói thành từng đòn dài, chắc và nhuyễn hơn, giữ được lâu hơn khi tiết trời nóng bức và lại dễ mang xách đi đường? Nhân đây muốn tám thêm chút: Cái tên gọi bánh tét là do phải làm động tác tét bánh khi ăn, tức lấy sợi dây mảnh quấn một vòng quanh thân bánh để siết cắt ra thành từng khoanh mỏng, hoàn toàn không phải do “bánh ngày Tết” đọc trại thành tên “bánh tét” như nhiều người vẫn hiểu.

Mà lạ thiệt, đã ra ngoài “mùng” từ lâu, sao cứ vấn vương mùi Tết!

Bình Vương

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/269440/chut-du-vi-tet.html