Chút nao lòng với 'Ký ức chao nghiêng'

Đó là những dòng chảy cuồn cuộn cảm xúc của Huỳnh Dũng Nhân, là sự trải lòng, đăm đắm với đôi mắt nhìn đời nhân hậu, nhẹ nhàng

Ai cũng mang trong tim mình những ký ức đẹp đẽ lẫn bi ai trong hành trình dài không hề ngừng nghỉ của cuộc đời. Một lúc nào đó, chúng lại hiện lên sống động, rõ nét làm chính bản thân ta phải rung động, hạnh phúc hoặc đớn đau thêm lần nữa trong đời...

Nỗi cô đơn thì ai cũng có. Và nỗi cô đơn trong tập thơ, tản mạn ‘’Ký ức chao nghiêng’’ của nhà báo - nhà thơ Huỳnh Dũng Nhân làm tôi thấy hoang mang như chính những điều mình đang nghĩ vậy...

Ai rồi cũng sẽ đến một ngày "chao nghiêng" hệt chiếc lá vàng trên bìa quyển sách với một câu oán thán với bản thân:

"Quá nửa đêm nghe lá rụng ngoài đường/ lá ơi mày sướng thế/ tao còn không biết rụng chỗ nào... " (Lãng xẹt một mình)

Là một trong những nhà báo nổi tiếng của cả nước, Huỳnh Dũng Nhân thường được nhắc nhớ về phong cách báo chí pha văn học, sâu lắng, chạm vào trái tim người đọc.

Biết khá nhiều bài phóng sự của Huỳnh Dũng Nhân nhưng điều tôi yêu thích hơn hết chính là những câu viết anh dành cho hai đấng sinh thành của mình tại ngay thời điểm này, những câu chữ không hề nằm trên bất kỳ bài báo, quyển sách nào. Những cảm xúc nguyên vẹn của một cậu con trai... không tuổi dành cho người mẹ, người cha của mình!

Ở đó, không còn là báo chí, không còn là văn học, mà nó là những dòng chảy cuồn cuộn cảm xúc khiến người đọc rưng rưng nhớ về gia đình, nhìn lại mối quan hệ huyết thống, cách nghĩ suy bằng cả trái tim dành cho những người đã cho mình cả cuộc đời!

"Nhìn mẹ chờ đợi và mệt lả đi mà đau thắt ruột gan. Lại nhớ đôi mắt mình có được như ngày hôm nay chính là nhờ đôi mắt mẹ đi trước dẫn đường, mẹ không chỉ dạy mình nhìn mà dạy mình nhìn là phải thấy. Sao mình có thể thờ ơ...’’ (Đôi mắt)

"Ba đi xa đã một năm tròn/ con là người cuối cùng chạm vào ba, duy nhất/ con thú nhận một điều đau lòng và rất thật/ tim ba hết nóng và tim con cũng lạnh theo rồi...’’ (Nhắm mắt lại là hết phải không ba?).

Trong quyển sách dày 106 trang, những cung bậc cảm xúc được Huỳnh Dũng Nhân dàn trải qua nhiều thể loại thơ, tản văn khác nhau - với những đề tài từ tình yêu, gia đình, bạn bè, cuộc sống... Ở bất cứ tác phẩm nào, người đọc cũng khó dừng lại mà không đọc tiếp dù anh chẳng cố bày ra thủ thuật gì trong cách viết, rất giản đơn và mộc mạc.

"Chia sẻ, hòa tan, yêu thương, gian dối/ mỗi đàn ông đàn bà chỉ có một ít trong nhau/ quá khứ tương lai khao khát đớn đau/ không ai định nghĩa được thế nào là hạnh phúc...’’ (Nghĩ vụn về tình yêu).

"Cứ nhủ rằng mình đã lỡ muộn màng/ em lại cố tình nhen thêm hy vọng/ phía trời Nam anh khô cằn đêm trắng/ biết mình chưa yêu được lúc xa người’’ (Tháng ba sương mù).

Anh trải lòng, đăm đắm bởi đôi mắt nhìn đời nhân hậu, nhẹ nhàng:

"Hết năm hết tháng hết ngày/ ngoái đầu nhìn lại dấu giày lãng quên/ vui dăm bận, buồn mấy phen/ ngày mới chưa đến, người quen xa dần’’ (Viết cho ngày cuối năm).

"Miền Tây ơi anh chẳng muốn đi...

Tự giận mình suốt đời toàn đến muộn

Làm con còng viết tên em trên cát mỏng...’’ (Khúc ngẫu hứng)…

Cứ thế, Huỳnh Dũng Nhân đưa người đọc cùng anh trên từng trang sách, nao lòng với những "Ký ức chao nghiêng".

CỎ TRẦN

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-nghe/chut-nao-long-voi-ky-uc-chao-nghieng-20190316203748357.htm