Chuyện an ninh tại thượng đỉnh Mỹ - Triều

Kinh nghiệm Singapore tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ nhất có thể để lại những bài học quan trọng cho Hà Nội trong việc xử lý các vấn đề an ninh, giao thức ngoại giao và tiếp đón giới truyền thông khổng lồ.

Cuộc gặp Trump - Kim lần thứ nhất, lúc đầu đã được lên kế hoạch, sau đó đột ngột hủy, rồi lại tiếp tục. Cuối cùng, Singapore chỉ có hai tuần để chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc gặp lịch sử nhằm giải quyết một trong những vấn đề phức tạp nhất của thế giới, giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nhà lãnh đạo tối cao Triều Tiên Kim Jong-un.

Các sĩ quan cảnh sát dẫn đoàn xe của Chủ tịch Kim Jong-un tới khách sạn Capella. (Nguồn: AP)

Một sự kiện phức tạp và tế nhị cả về mặt tổ chức và chiến lược nhưng đã được Singapore thu xếp khá hoàn hảo - mang lại những kinh nghiệm tốt cho Hà Nội - nơi đang chuẩn bị diễn ra hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Trung lần thứ hai.

An ninh và An ninh

Trong cuộc nói chuyện với Al Jazeera, Giáo sư Luật Eugene Tan của Đại học Quản lý Singapore nhận định, công tác tổ chức hiện nay của nước chủ nhà Việt Nam có thể sẽ bớt phức tạp hơn Singapore vào hồi tháng 6 năm ngoái, bởi cả Mỹ và Triều Tiên đều là những đối tác đã có kinh nghiệm trong công tác này. “Singapore chắc chắn có thể tư vấn cho Việt Nam các yêu cần cần thiết, đặc biệt là loại bỏ những vấn đề không mong muốn mà họ đã từng có kinh nghiệm. Và chắc chắn lần thứ hai sẽ nhẹ nhàng hơn lần thứ nhất”, GS. Tan nói.

Nhưng nó chắc chắn cũng không dễ dàng ngay từ lần đầu tiên.

Vấn đề hàng đầu trong Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Singapore hồi 12/6/2018 là an ninh, từ nhiệm vụ bảo vệ hai nhà lãnh đạo, sự an toàn cho các điểm khách sạn và cuối cùng là địa điểm gặp gỡ của Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim. Khi những địa điểm đó đã được cả hai bên Mỹ và Triều Tiên đồng ý, mỗi bên đồng thời lại phê duyệt riêng từng chi tiết xung quanh các cuộc đàm phán.

Các kế hoạch được lên kỹ lưỡng để kiểm soát đám đông và cả những bất tiện không thể tránh khỏi đối với công chúng, bao gồm các rào cản, yêu cầu chuyển hướng, tạm dừng và kiểm tra an ninh.

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ nhất được tổ chức trên hòn đảo nghỉ mát Sentosa, được kết nối đến đảo chính Singapore bởi một cây cầu duy nhất. (Nguồn: AP)

Không gian cũng phải được giới hạn để nhường chỗ cho các cuộc tuần tra trên không và khách du lịch di chuyển bằng đường hàng không thương mại sẽ phải chờ đợi và chấp nhận chậm trễ đối với các chuyến bay trong và ngoài Singapore.

Các cuộc tuần tra dưới nước cũng được tăng cường, đặc biệt là ở vùng biển xung quanh hòn đảo nghỉ mát nhỏ bé Sentosa nơi Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim gặp nhau. Các tàu hải quân triển khai kỹ càng ở vùng biển xung quanh địa điểm diễn ra cuộc họp, các máy bay trực thăng bay vòng trên, trong khi các tàu tuần tra phải hộ tống các tàu đi ngang qua.

Sự khó lường của cuộc gặp mặt đầu tiên giữa hai bên từng là thù địch còn gặp những thách thức về mặt ngoại giao, bao gồm cả những câu hỏi nhạy cảm về mặt chính trị.

Vấn đề tiếp theo là câu hỏi cần phải thu xếp thế nào để thỏa mãn giới truyền thông ùn ùn kéo đến săn tin – được biết, khoảng hơn 2.500 nhà báo đã được ghi nhận đến Singapore để đưa tin về hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ nhất.

Các thách thức đều phải được giải quyết nhanh chóng

Những thách thức này và cả những thách thức khác đều phải được giải quyết nhanh chóng. Theo các nhà ngoại giao, để tổ chức tốt các hội nghị cấp cao, công tác chuẩn bị có thể phải được lên kế hoạch trước từ sáu tháng đến một năm.

Tại Singapore, các nhóm tiền trạm từ cả hai nước đã phải dành nhiều ngày tới đảo Sentosa nơi diễn ra cuộc gặp Trump - Kim để lên các kế hoạch về địa điểm và bàn luận chi tiết các tình huống nhằm tôn vinh một cuộc gỡ bình đẳng, chẳng hạn kịch bản cho tình huống chào nhau đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều.

Tình huống chào nhau đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều. (Nguồn: Straits Times)

Để phục vụ công tác tổ chức, Singapore còn phải lựa chọn được những người nói được tiếng Hàn trong số các sĩ quan cảnh sát và cảnh vệ để giúp liên lạc và thông ngôn với đoàn tùy tùng từ Triều Tiên.

Các cảnh sát và nhân viên an ninh được yêu cầu không được nghỉ ngơi vào khoảng thời gian diễn ra hội nghị thượng đỉnh, trong khi đó, các lực lượng vũ trang quốc gia cùng với máy bay chiến đấu và máy bay trực thăng được yêu cầu luôn sẵn sàng.

Ngoài việc triển khai khoảng 5.000 cảnh sát, dân phòng và các sĩ quan khác, Singapore còn thuê các công ty an ninh tư nhân để hỗ trợ kiểm soát truy cập, kiểm soát đám đông, quản lý giao thông và triển khai các biện pháp an ninh khác.

Tình huống bất ngờ

Singapore là nơi các cuộc biểu tình công cộng được kiểm soát chặt chẽ, tuy nhiên, tại sự kiện này, các nhà tổ chức cũng đã phải cảnh giác cao độ với các tình huống đám đông bất ngờ tại nơi công cộng.

Các sĩ quan cảnh sát tuần tra bên ngoài khách sạn St Regis - nơi Chủ tịch Kim ở. (Nguồn: AP)

Ngoài các phóng viên và đội quay phim truyền hình đi trên đảo (nơi đang diễn ra sự kiện), người qua đường và người dân có thể sẽ tự nhiên dừng lại vì tò mò - chẳng hạn, họ muốn xem các vệ sĩ của Chủ tịch Kim trong bộ đồng phục chạy bộ dọc theo đoàn xe của Nhà lãnh đạo - cảnh tượng bảo vệ phổ biến khi Lãnh đạo tối cao của Triều Tiên xuất hiện trước công chúng.

Nhiều khu vực an ninh được thiết lập

Địa điểm diễn ra hội nghị Thượng đỉnh là nơi đầu tiên được thiết lập an ninh chặt chẽ. Đảo Sentosa từng là một trang viên thời thuộc địa cũ, bây giờ được gọi là Capella - một khách sạn và khu nghỉ dưỡng năm sao sang trọng. Capella là nơi được ưu tiên hàng đầu cho những lựa chọn tổ chức cuộc họp Thượng đỉnh Mỹ - Triều. Một trong những lý do là khu nghỉ mát này rất rộng lớn, lại nằm ở địa điểm biệt lập nhưng đắc địa, vị trí khách sạn tách biệt với đất liền. Khoảng cách này như một bức tường ảo, tránh các mối đe dọa về an ninh.

Các vệ sĩ của Chủ tịch Kim trong bộ đồng phục chạy bộ dọc theo đoàn xe của Nhà lãnh đạo Triều Tiên. (Nguồn: AP)

Khu vực thứ hai cách Sentosa khoảng 8 km, trong khu vực Tanglin của Singapore, nơi hai nhà lãnh đạo và đoàn tùy tùng của họ ở. Khách sạn Shangri-La sang trọng đã được chọn là nơi ở của Tổng thống Mỹ Trump, trong khi khách sạn St Regis cao cấp không kém được Chủ tịch Triều Tiên Kim lựa chọn - hai khách sạn chỉ cách nhau khoảng 800 mét.

Dấu hiệu về an ninh cấp cao được thể hiện ở đội hình các vệ sĩ Gurkha có vũ trang và đội ngũ cảnh sát được huy động tổng lực.

Người dân ở Singapore đổ ra đường chụp ảnh đoàn xe của các nhà lãnh đạo cấp cao. (Nguồn: AP)

Trong thời gian diễn ra hội nghị, Singapore cũng đã phải giải quyết vấn đề hàng nghìn nhà báo sẽ tác nghiệp ở đâu. Ban tổ chức đã nhanh chóng lựa chọn một tòa nhà, vốn là điểm tiếp xăng thay lốp cho giải đua Công thức 1, làm một trung tâm truyền thông, có thể truyền hình trực tiếp sự kiện diễn ra cách đó 10km trên đảo Sentosa.

Như một minh chứng cho sức mạnh mềm của Singapore, Trung tâm Truyền thông quốc tế đã được trang bị các tiện nghi đặc biệt để đảm bảo cho các nhà báo thấy rõ tính hiệu quả nhưng vẫn rất tiết kiệm của đất nước này.

Cơ hội đến với Singapore

Theo Jason Tan của Công ty viễn thông Zenith (Singapore), 14,8 triệu USD chỉ mua được 90 phút quảng cáo trong sự kiện được quan tâm nhất nước Mỹ là Siêu cúp bóng bầu dục Super Bowl. Trong khi đó, với hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, Singapore đã nhận được một tuần phủ sóng toàn cầu với những ảnh hưởng tích cực và sự quan tâm thực sự đối với đất nước Singapore.

Hơn 2.500 nhà báo đã đến Singapore đưa tin về hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ nhất. (Nguồn: AP)

Việc được quảng bá trên truyền thông tích cực là sự thúc đẩy tầm quan trọng chiến lược của Singapore trên trường thế giới. “Sự kiện đã nâng cao vị thế chiến lược của nước chủ nhà như là nơi được lựa chọn để tổ chức các sự kiện quan trọng của thế giới. Gửi đi thông điệp là đối tác tin cậy, sẵn sàng đóng góp vì một thế giới tốt đẹp hơn”, GS. Vũ Minh Khương thuộc Đại học Quốc gia Singapore đã nói như vậy với Al Jazeera.

Minh Anh

(theo Al Jazeera)

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/chuyen-an-ninh-tai-thuong-dinh-my-trieu-88014.html