Chuyện anh Tý 'cướp cơm' Hà Bá

'Chỉ cần có người hô hoán là tôi lao mình xuống biển cứu người, bất kể đang làm gì'. Đó là lời chia sẻ của anh Nguyễn Văn Tý, trú tại thị trấn Thiên Cầm, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh. Đến nay, anh đã dũng cảm lao vào sóng dữ cứu hàng chục người gặp nạn trên biển.

Anh Nguyễn Văn Tý từng cứu 16 người gặp nạn trên biển. Anh: Khánh Chi

Chúng tôi gặp anh Nguyễn Văn Tý trong một buổi chiều tà. Nước da ngăm đen, anh bước đi khập khiễng, bởi từ lúc sinh ra đôi chân anh đã “lệch” nhau. Thế nhưng, anh đã cứu được 16 người bị đuối nước ở biển Thiên Cầm này.

Anh Tý mở nhà hàng kinh doanh dịch vụ tại biển Thiên Cầm hơn 20 năm nay. Với anh, việc cứu những người gặp nạn đó là “cái duyên” tự tìm đến với mình. Anh kể: Năm 1997, hai vợ chồng anh dồn hết vốn mở nhà hàng Ngọc Tý tại biển Thiên Cầm. Cũng trong năm đó, khi anh đang chuẩn bị công việc cho một ngày bán hàng thì nghe tiếng hô hoán có người đuối nước trên biển. Anh chạy nhanh ra biển, thấy có người đang chới với, nhấp nhô cách bờ khoảng 20m. Lập tức, anh bơi ra kéo nạn nhân vào. Đó là anh Hiếu, quê ở thành phố Hà Tĩnh. Từ đó, năm nào anh Hiếu cũng cùng gia đình xuống nhà hàng ủng hộ vợ chồng anh.

Vài năm sau đó, có lần anh Tý nghe tiếng kêu cứu từ phía biển vọng lên. Không kịp nghĩ ngợi gì, anh lại bỏ công việc lao xuống biển cứu người. Lần đó, anh cứu được 5 du khách từ Hà Nội vào biển Thiên Cầm du lịch. Từ đó, việc cứu người của anh Tý đã trở thành “thương hiệu”. Cứ có người đi biển gặp nạn là mọi người lại tìm đến nhờ anh giúp đỡ. Tính đến nay, anh Tý cứu vớt được 16 người, trong đó, 7 người may mắn sống sót, 9 người được anh đưa lên bờ nhưng không qua khỏi. Vào tháng 11-2017, có một tốp học sinh của Trường Trung học cơ sở Cẩm Trung ra biển chơi rồi xuống biển tắm. Sau khi một số em lên bờ, không thấy những bạn còn lại lên, liền kêu cứu. Nhớ lại giây phút đó, anh Tý trầm ngâm: “Lúc đó, sóng rất to, nhiều người đứng trên bờ nhưng không ai dám xuống. Tôi lao ra bơi được khoảng 30m thì có một cơn sóng to đánh vào. Tôi kịp với tay cứu được một em thì nhìn thấy cách chừng 2m có một em khác được sóng đánh nhô lên, nhưng không tài nào cứu được. Hình ảnh đó cứ ám ảnh làm tôi day dứt mãi. Lúc đó, giá mình có thêm cánh tay nữa để cứu các em”.

Những người được anh Tý cứu sống chủ yếu là khách du lịch hoặc người địa phương. Anh Tý trăn trở: “Việc cứu người “vận” vào đời mình như một “cái duyên”. Mỗi lần cứu được người sống là tôi vui không tả hết, còn vớt được mà không còn sống càng khiến tôi day dứt. Thực ra, do mình chưa có kỹ năng sơ cứu người gặp nạn trên biển nên nhiều khi cứu được người lên vẫn không thể cứu được mạng sống cho họ. Tôi mong chính quyền địa phương có thể mở lớp tập huấn sơ cứu người gặp nạn cho những người kinh doanh dịch vụ biển để có thể giảm rủi ro xuống mức thấp nhất”.

Anh Tý nhớ lại, có trường hợp được cứu xong, bản thân họ và gia đình trong lúc bối rối không kịp cám ơn anh và anh cũng không biết họ là ai. Cũng có trường hợp người được anh cứu thoát tự nguyện ủng hộ anh tiền bạc, vật chất, nhưng anh một mực từ chối. Những khi bị ép nhận thì anh dùng số tiền đó hỗ trợ cho những gia đình nạn nhân khó khăn mà anh vớt lên nhưng không cứu được tính mạng. Với anh, cứu người chính là làm việc thiện, làm phúc cho đời. “Hễ có người hô hoán là mình lao xuống biển như phản xạ tự nhiên, chứ không kịp nghĩ ngợi gì. Mình cứu người không phải để nhận ơn huệ mà xuất phát từ lương tâm, trách nhiệm. Thấy người ta ở “cửa tử” mà mình không cứu, trong lòng sẽ ân hận vô cùng” - Anh Tý chia sẻ.

Ngồi bên cạnh, vợ anh Tý nói với chúng tôi: “Nhà hàng gần biển nên cứ thấy người hô hoán là ông ấy lao xuống biển cứu. Nhiều khi tôi nghĩ dại, lỡ có chuyện gì xấu thì các con phải làm sao. Nhưng mỗi lần như thế, tôi chỉ kịp nói với theo “cẩn thận đấy!”. Thôi kệ ông ấy, làm phúc, mong có mẹ biển che chở”.

Theo kinh nghiệm của anh Tý, các vụ đuối nước hay xảy ra vào mùa gió chướng, thời điểm này biển động, sóng ngầm và xoáy. Khách du lịch thường không có kinh nghiệm nên rất dễ bị hụt chân, rơi vào những vùng xoáy, rất khó thoát ra.

Với hành động dũng cảm cứu người, anh Nguyễn Văn Tý từng nhiều lần được chính quyền địa phương tặng Bằng khen. Anh tự hứa với bản thân, “nếu còn sống, còn đi lại được sẽ còn cứu người”.

Khánh Chi

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/chuyen-anh-ty-cuop-com-ha-ba/