Chuyện bà Thanh và lời cảnh báo với những ai chưa bị lộ

Đó là nhận định của Phó Giáo sư Nguyễn Trọng Phúc về việc Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật với bà Phan Thị Mỹ Thanh.

Bà Phan Thị Mỹ Thanh bị kỷ luật bằng hình thức Cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng; đề nghị Đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo thực hiện các quy trình, thủ tục xem xét bãi nhiệm đại biểu Quốc hội đối với bà Phan Thị Mỹ Thanh theo quy định của pháp luật.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng nói rằng, quyết định kỷ luật bà Phan Thị Mỹ Thanh của Ban Bí thư chắc chắn nhận được sự ủng hộ cao của dư luận.

Bởi những ngày vừa qua, bà Thanh với tư cách là Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh Đồng Nai đi tiếp xúc cử tri đã gặp rất nhiều ý kiến không đồng tình của cử tri. Vì các vi phạm của bà đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận, uy tín không còn.

Phó Giáo sư Nguyễn Trọng Phúc phân tích, việc Ban Bí thư kỷ luật bà Phan Thị Mỹ Thanh tiếp tục khẳng định chủ trương của Đảng thể hiện trong Nghị quyết Trung Ương 4 khóa 12, đó là siết chặt kỷ luật của Đảng chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, cơ hội chính trị…

Từ siết chặt kỷ luật của Đảng đến kỷ cương phép nước, việc xử lý kỷ luật cách mọi chức vụ trong Đảng của bà Thanh, đề nghị bãi nhiệm đại biểu Quốc hội là tiếp tục chủ trương này.

Phó Giáo sư.Tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc. Ảnh:Người Lao động

Việc kỷ luật bà Thanh thể hiện rõ hơn quan điểm trên bằng hành động, không có vùng cấm, không có “hạ cánh an toàn”.

Theo vị nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, phần lớn các sai phạm của bà Thanh là trong quá khứ khi giữ các chức vụ trong chính quyền. Đó là giai đoạn bà Thanh làm Giám đốc Sở Công nghiệp, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai. Cùng với đó, bà Thanh thiếu ý thức tổ chức kỷ luật.

“Việc thi hành kỷ luật bà Thanh đem lại niềm tin cho người dân, đặc biệt là nhân dân tỉnh Đồng Nai”, ông Phúc đánh giá.

Theo ông Phúc, trước đây, người dân hay nghĩ, chúng ta thường kỷ luật những người đã thôi chức vụ, đã thành “nguyên”. Nhưng qua vụ xử lý bà Thanh và hàng loạt cán bộ vừa qua, nó cho thấy Đảng ta kiên quyết xử lý kể cả cán bộ đương chức nếu có sai lầm khuyết điểm.

“Các sai lầm khuyết điểm dù trong quá khứ của các vị đương chức cũng sẽ bị xử lý nghiêm.

Điều này tạo nên sự phấn khích, tin tưởng của nhân dân vào việc đấu tranh chống tham nhũng, chống “tự diễn biến, tự chuyến hóa” của Đảng, Nhà nước”, ông Phúc nói.

Theo ông Phúc, thời gian tới, chắc chắn Đảng, Nhà nước sẽ phải làm nhiều hơn nữa để rà soát cán bộ. Đồng thời thực hiện cụ thể hóa về các hình thức xử phạt, kỷ luật Đảng viên sai phạm theo Quy định số 102 của Bộ Chính trị.

Tất cả những điều này tạo một niềm tin mới của Nhân dân, thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực, gắn với xây dựng Đảng thực sự trong sạch vững mạnh.

“Việc xử lý bà Phan Thị Mỹ Thanh là cảnh báo với những ai đương chức có sai phạm mà chưa bị lộ”, Phó giáo sư Phúc nhấn mạnh.

Nó là sự răn đe, cảnh tỉnh với những cán bộ khác

Theo vị chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng Đảng, các vị cán bộ đương chức cần tự suy nghĩ, điều chỉnh hành vi. Nếu có khuyết điểm cần nhanh chóng tự sữa chữa.

Đỗ Thơm

Nguồn Giáo Dục VN: http://giaoduc.net.vn/xa-hoi/chuyen-ba-thanh-va-loi-canh-bao-voi-nhung-ai-chua-bi-lo-post185901.gd