Chuyện bao gạo và cái chữ vùng cao

Nhắc đến Lạng Sơn ngày nay, người ta thường nhắc đến những con đường cao tốc láng mượt, những cửa khẩu tấp nập hay những địa điểm du lịch hấp dẫn. Ít ai biết rằng, ở đâu đó trên vùng đất ấy, một vài bao gạo lại chính là bậc thang 'nâng bước' cho những đứa trẻ đến gần hơn với 'cái chữ'.

Gạo được cơ quan Dự trữ đưa về và bàn giao cho huyện.

Đảm bảo quy trình

Vào một ngày đầu tháng 10, khi các em nhỏ đã bắt đầu quen với trường lớp những ngày đầu năm học, chúng tôi có dịp cùng đoàn Cục Dự trữ nhà nước (DTNN) khu vực Hà Bắc tới Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở xã Hòa Bình, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn phát gạo dự trữ cho học sinh bán trú ở đây.

Chặng đường tới với xã Hòa Bình tưởng chừng đơn giản bất chợt xảy ra sự cố khi chiếc xe “cọc cạch” của Cục tự dưng chết máy. Giữa cái nắng vàng của mùa thu, giữa đoạn đường cua ầm ầm xe tải qua lại, mấy chị em dồn sức cùng bác tài đẩy xe vào vệ đường, lúc này, trong đầu tôi chợt vang lên câu ca dao “Ðường lên xứ Lạng bao xa / Cách ba quả núi với ba quãng đồng”.

Chiếc xe "quá đát" của Cục DTNN khu vực Hà Bắc gặp trục trặc giữa đường.

Khi đã yên vị trên một chiếc xe đón được dọc đường, “hoa tiêu” của chúng tôi - chị Hà Thị Thanh Thủy – Phó Cục trưởng Cục DTNN khu vực Hà Bắc áy náy kể: “Chiếc xe này không phải xe chuyên dùng, vốn chỉ nên đi đường bằng nhưng lại toàn phải theo đơn vị lên rừng lên núi. Chưa kể, tuổi thọ của nó cũng tới 15-16 năm, quá tiêu chuẩn thanh lý rồi. Nhưng bây giờ chủ trương tiết kiệm, mua một chiếc xe mới cũng là cả một vấn đề, khắc phục, sửa chữa để dùng tạm thì gặp cảnh chết máy dọc đường không phải là hiếm”.

Đi hết quốc lộ, qua thị trấn Đồng Mỏ- huyện Chi Lăng, chúng tôi tiến vào con đường “tổng hợp” ngoằn ngoèo, vượt qua Đèo Bén với những vách núi dựng đứng để đến được xã Hòa Bình. Đây là con đường giao thương duy nhất của đồng bào phía trong đèo với ngoài thị trấn nhưng chất liệu lại pha tạp giữa đường nhựa, đường đất và đường đá, đủ để thấy những khó khăn nơi đây chồng chất đến đâu.

Các trường sẽ nhận gạo từ huyện và tổ chức cấp phát trực tiếp cho phụ huynh tại trường.

Hoàn thành lộ trình 180km, chúng tôi có mặt tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở xã Hòa Bình. Thực hiện chương trình kiên cố hóa, cơ sở vật chất của Trường tuy còn thiếu thốn nhưng có thể được coi là khang trang với hai dãy nhà học cho hai cấp học, một dãy nhà ăn mới được quét lại vôi ve và nhiều khoảnh vườn nhỏ xinh xung quanh.

Trong sân trường, trước tấm băng rôn lớn “Phát gạo cho học sinh bán trú theo Nghị định 116/2016/NĐ-CP” các phụ huynh học sinh đang xếp hàng dài chờ nhận gạo. Đón chúng tôi, chị Lành Thị Huệ - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn cho biết: Từ khi Nghị định 116 được ban hành, huyện đã tổ chức khảo sát, thống kê tất cả các trường trên địa bàn, đến nay, tất cả trường ở vùng khó khăn, kể cả những trường ở thị trấn nhưng có học sinh ở vùng khó khăn đến học đều được thụ hưởng chính sách này. Như vậy, mỗi năm, có tới 4.800 đến 5.000 học sinh được hưởng chế độ theo Nghị định 116 ở trên địa bàn.

Các phụ huynh phải ký sổ sau khi nhận đủ gạo.

Chia sẻ về quy trình nhận gạo cho học sinh, chị Huệ cho hay: Hàng năm, các đơn vị trường tham mưu cho xã thành lập Hội đồng xác định cự ly, khoảng cách để thống kê số lượng theo đúng tiêu chuẩn trong quy định. Tuy nhiên, ngoài các học sinh tiểu học nhà xa từ 4km trở lên, trung học cơ sở từ 7km trở lên như Chính phủ cho phép, tỉnh Lạng Sơn cũng có riêng một Quyết định cho cơ chế xét duyệt đến cả các học sinh có khoảng cách dưới con số trên nhưng địa hình cách trở, phải qua sông qua suối, qua núi qua đèo, đi đường đất không thể đi được để đưa vào diện được hưởng chính sách. Danh sách sau khi được Hội đồng của xã phê duyệt sẽ gửi về Phòng Giáo dục và Đào tạo của huyện để tổng hợp gửi Ủy ban nhân dân huyện ban hành Quyết định chuyển cho cơ quan Dự trữ nhà nước.

Cũng theo chị Huệ, việc tiếp nhận gạo được thực hiện mỗi năm 2 lần vào đầu 2 kỳ học. Khi có Quyết đinh cấp phát gạo, Phòng Giáo dục và Đàu tạo thành lập Tổ tiếp nhận để nhận gạo, kiểm tra chất lượng với đơn vị Dự trữ, sau đó phân bổ gạo cho từng đơn vị trường theo từng ngày đã được lên Kế hoạch. Sau khi tiếp nhận gạo, các trường sẽ tự vận chuyển về trường, trên cơ sở xác định số học sinh ăn trưa tại trường, nhà trường sẽ để lại một phần gạo nấu cho các em, phần còn lại phát toàn bộ cho phụ huynh học sinh để trực tiếp phát gạo cho phụ huynh ngay trong ngày. Phương pháp này sẽ giúp tránh bớt nhầm lẫn, đảm bảo số lượng và chất lượng gạo tới tay từng phụ huynh học sinh.

Động lực lớn cho học sinh

Theo đánh giá của thầy Hoàng Văn Trương – Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở xã Hòa Bình, chính sách hỗ trợ cho học sinh đã mang lại nhiều lợi ích cho chính các em và cả gia đình. Một là tạo điều kiện tốt cho các em ăn bán trú tại trường, giảm được việc phụ huynh phải đưa con em đến trường nhiều lần. Hai là duy trì được sĩ số học sinh đi học. Tỷ lệ học sinh đến trường sau khi có các chính sách hỗ trợ là 100%, không còn trường hợp bỏ học, bỏ tiết. Thậm chí, học sinh ở 3 thôn xã bạn cũng xin sang học vì ở Trường được hưởng các chế độ ưu đãi. Do đó, số học sinh tăng lên gấp rưỡi so với trước đây.

Không chỉ vậy, thầy Trương cho rằng, chính sách này còn mang lại nhiều thuận lợi cho công tác quản lý giáo dục của nhà trường. Bằng chứng cho thấy, tỷ lệ học sinh khá giỏi tuy còn khiêm tốn, khoảng 7,4% giỏi, 40% khá nhưng đã tăng hơn rất nhiều so với trước đây. “Mấy năm nay việc học hành khởi sắc hơn, như tỷ lệ đỗ vào các trường cấp 3 cũng tăng hơn so với những năm trước. Kể cả thành tích đi thi cấp tỉnh, cấp huyện cũng bắt đầu có. Sự quan tâm của Nhà nước, từ xây dựng cơ sở vật chất cho Trường đến chính sách cho bản thân các em đều là động lực lớn để học sinh phấn đấu” – vị Hiệu trưởng tóc đã ngả hai màu rạng rỡ nói.

Niềm vui rõ rệt trên gương mặt các phụ huynh khi nhận gạo.

Vừa tất bật giúp các cô giáo phát gạo, cô Nông Thị Đoan - Phó Hiệu trưởng phụ trách bậc trung học cơ sở kể: Vừa có gạo vừa có tiền trợ cấp để mua thực phẩm, học sinh không chỉ chăm đến trường hơn mà thể chất của các em cũng được nâng lên, đặc biệt là đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Số tiền 40% mức lương tối thiểu được nhà trường sử dụng để mua thực phẩm nấu ăn cho các em. Phụ huynh cơ bản không phải đóng góp gì thêm. Với mỗi suất ăn trưa khoảng 15.000 đồng, thậm chí cuối kỳ, có em còn thừa tiền mang về.

Cô Nguyễn Thị Nguyệt – Phó Hiệu trưởng phụ trách cấp tiểu học của Trường lại dí dỏm: “Có phụ huynh kể lại rằng, nhiều hôm bố mẹ kêu con nghỉ học nhưng các cháu nhất định không nghỉ vì đi học còn được ăn thịt. Chuyện vui nhưng chúng tôi nghe lại rất thương các em. Có em nhà khó khăn, đến bữa phát cơm có thịt, em chỉ ăn cơm không rồi gói thịt mang về cho cả nhà ăn tối. Những lúc ấy, chúng tôi lại phải làm công tác tư tưởng, động viên các con ăn cho đủ dinh dưỡng”.

Vườn rau nhỏ của các học sinh.

Bắt đầu từ năm 2017, nhà trường xây dựng thêm mô hình trồng rau. Vườn được chia theo lớp, giao cho giáo viên phụ trách, các em sẽ chăm sóc rau vào cuối giờ học hoặc sáng sớm trước khi vào lớp. Theo cô Nguyệt, với mô hình này, các em vừa được làm quen với lao động, vừa cùng nhau kiếm được tiền vì số rau này sau khi thu hoạch sẽ bán lại cho nhà bếp đưa vào quỹ lớp cho các em tổ chức các hoạt động sinh hoạt ngoại khóa hay sinh nhật, liên hoan. Vụ rau năm trước, cả trường thu về được tổng cộng 5 triệu đồng.

Vội vàng hỏi chị Nông Thị Bàng về tâm trạng sau khi được nhận gạo, chị nói: “Chị là phụ huynh của 2 em học sinh lớp 6 và lớp 7. Như vậy, mỗi tháng gia đình cũng có thêm 30kg gạo. Gạo lại thơm ngon hơn nhiều gạo tự sản xuất ở địa phương. Các cháu không cần phải lo ăn lo học nữa, đã có Đảng và Nhà nước giúp đỡ, vợ chồng chị đã bớt được nhiều gánh nặng”.

Nhìn những gương mặt rám nắng, lấm tấm mồ hôi nhưng đầy phấn khởi của các phụ huynh đang khệ nệ mang từng bao gạo ra về, chúng tôi chợt thấy ấm lòng.

Hồng Vân

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/chuyen-bao-gao-va-cai-chu-vung-cao.aspx