Chuyến bay thẳng Matxcova-Bắc cực–Mỹ kỷ lục của V.Chkalov

Ngày 18/6/1937, tổ lái của Valery Chkalov đã thực hiện chuyến bay thẳng huyền thoại đầu tiên từ Matxcova qua Bắc Cực đến nước Mỹ.

Có thể nói, trong số các thành tựu khoa học – kỹ thuật Xô Viết thì chuyến bay thẳng của tổ lái Valeri Chkalov qua Bắc Cực đến Mỹ được xếp ngang hàng với chuyến bay vào vũ trụ của Iuri Gagarin.

Vào đầu những năm 30, ngành hàng không Xô Viết phát triển rất nhanh. Các phi công và công trình sư đã sẵn sàng cho các kỷ lục thế giới, kể cả kỷ lục về cự ly bay.

Tháng 12/1931, Hội đồng Lao động và Phòng thủ Liên Xô giao cho Viện hàng không - thủy động lực học trung ương (TSAGI) nhiệm vụ thiết kế chiếc máy bay RD (viết tắt tiếng Nga- kỷ lục cự ly) chuyên thực hiện nhiệm vụ lập kỷ lục về cự ly bay.

Tổng công trình sư Andrey Tupolev chịu trách nhiệm chung, còn nhiệm vụ thiết kế toàn bộ các chi tiết của dự án được giao cho một nhóm kỹ sư do Pavel Sukhoi lãnh đạo (có lẽ không cần phải giới thiệu về Tupolev và Sukhoi).

Còn nhóm kỹ sư do Tổng công trình sư Aleksandr Mikulin phụ trách chịu trách nhiệm thiết kế riêng cho máy bay một động cơ mới – động cơ AM-34R.

Thành tựu đầu tiên của ANT -25

Phi công Mikhail Gromov là người được giao nhiệm vụ bay thử nghiệm chiếc máy bay mới mang tên ANT-25 này.

Chỉ có 2 chiếc ANT-25 được sản xuất và chúng được tiến hành thử nghiệm song song. Chiếc ANT-25 thực hiện chuyến bay đầu tiên năm 1933 là máy bay thử nghiệm, sau đó ANT-25 còn được hoàn thiện nhiều lần.

Ngày 10/9/1934, tổ lái gồm Mikhail Gromov, Aleksandr Filin và Ivan Petrov bắt đầu chuyến bay thử nghiệm khép kín. Chuyến bay này kéo dài 75 giờ, trong khoảng thời gian đó ANT-25 bay được 12.411km. Đây là kỷ lục thế giới về cự ly bay, nhưng lúc đó không được công nhận vì Liên Xô chưa phải là thành viên của Liên đoàn hàng không thế giới.

Nhưng chi tiết quan trọng hơn – chuyến bay được tiến hành theo đường vòng tròn, nói nôm na là các phi công không phải bay ở một cự lý cách căn cứ quá xa, hay nói một cách văn vẻ hơn nữa là “bay một vòng quanh sân vận động”. Tiêu chí danh giá nhất về cự ly bay khi xét các kỷ lục là cự ly bay thẳng. ANT -25 được chế tạo chính để thực hiện nhiệm vụ này.

Các thành viên kíp bay đều được tặng thưởng Huân chương Lenin, còn cơ trưởng Mikhail Gromov được phong tặng Danh hiệu Anh hùng Liên Xô.

Sigizmund Aleksandrovich Levanhevski , năm 1934 г. Ảnh : RIA Novosti / Vladislav Mikosha

Thất bại của Sigizmund Levanhevski

Vấn đề đặt ra là phải thực hiện chuyến bay bay thẳng đạt kỷ lục về cự ly. Trong số các phương án (tuyến bay) được đưa ra có: Matxcova – Úc, Khabarovsk (Viễn Đông Liên Xô) – Maroco. Một phương án nhiều cơ hội thành công nữa là tuyến Matxcova – Nam Mỹ do M. Gromov đề xuất.

Phương án của Gromov chỉ có một nhược điểm duy nhất – nhưng lại rất quan trọng – đó là cần phải thỏa thuận về chuyến bay với một loạt nước, và chỉ cần một quốc gia từ chối thì kế hoạch trên hoàn toàn thất bại.

Tuy nhiên, phi công Sigizmund Levanhevski lại đưa ra một phương án khác- đầy tham vọng những cũng rất mạo hiểm – bay qua Bắc Cực đến Mỹ. Lãnh tụ Xô Viết Iosif Stalin vốn là người có thiện cảm với Levanhevski đã tán thành kế hoạch của viên phi công này. Levanhevski được giao ANT-25, và chuyến bay được lên kế hoạch vào tháng 8/1935.

Ngày 3/8/1935, máy bay ANT-25 với tổ lái gồm Sigizmund Levanhevski, Georgi Baidukov và Viktor Levchenko bắt đầu cất cánh bay theo tuyến Matxcova – Bắc Cực – San- Fransisco. Tuy nhiên, sau khi bay được 2.000km, dầu bắt đầu chảy trong buồng lái. Levanhevski quyết định chấm dứt chuyến bay và bay trở lại. ANT-25 hạ cánh xuống Novgorod.

Sau khi kiểm tra, nguyên nhân chảy dầu được phát hiện là do đã đổ quá nhiều dầu, và dầu bắt đầu sủi bọt tràn ra ngoài. Không có gì quá nguy hiểm trong trường hợp này. Nhưng Levanhevski tuyên bố là ANT -25 là kiểu máy bay không đáng tin cậy và từ chối tiếp tục bay trên các máy bay của Tupolev, thậm chí còn nói Tupolev là “kẻ phá hoại”. Các tuyên bố trên của Levanhevski là làm Andrey Tupolev bị một cơn nhồi máu cơ tim.

Matxcova —Đảo Udd

Phi công Georgi Baidukov không đồng ý với Levanhevski và tuyên bố rằng ANT-25 hoàn toàn có thể hoàn thành nhiệm vụ của mình. Nhưng sau khi Levanhevski từ chối, anh cần một cơ trưởng trong tổ lái của mình.

Baidukov đã thuyết phục được bạn mình, một trong những phi công thử nghiệm giỏi nhất là Chkalov tham gia tổ lái.

Thành viên thứ ba của phi hành đoàn là hoa tiêu Aleksandr Beliakov.

Mùa xuân năm 1936, tổ lái Chkalov xin phép bay qua Bắc Cực đến Mỹ. Tuy nhiên, lãnh tụ Stalin, vì vẫn còn nhớ vụ Levanhevski nên đã chỉ định một tuyến bay khác: Matxcova – Petropavlovsk – Camchatka.

Ngày 20/7/1935, chiếc ANT-25 do tổ lái Chkalov điều khiển cất cánh. Sau 56 giờ 20 phút, máy bay hạ cánh xuống một doi cát trên đảo Udd. Để máy bay có thể cất cánh từ đảo này, lính công binh được điều đến để lắp một đường băng cất cánh bằng gỗ chiều dài 500m.

Tại Matxcova, đích thân Iosif Stalin đón các phi công. Tất cả đều được phong tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô.

Các phi công Valeri Chkalov (giữa), Georgi Baidukov (trái) và Aleksandr Beliakov ngồi cạnh máy bay sau khi hạ cánh xuống Đảo Udd. Ảnh : RIA Novosti

Ai sẽ bay đến Mỹ đầu tiên?

Vấn đề bay qua Bắc Cực đến Mỹ lại được đặt ra. Nhưng giới lãnh đạo Liên Xô quyết định - chỉ có thể thực hiện một chuyến bay như vậy trong thời gian Trạm “Bắc Cực” hoạt động.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/ho-so/chuyen-bay-thang-matxcova-bac-cucmy-ky-luc-cua-vchkalov-3337566/