Chuyển biến tích cực trong giải quyết án dân sự

Mặc dù công tác kiểm sát giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân gia đình là một trong những nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, song những năm gần đây, các chỉ tiêu về kiểm sát giải quyết vụ việc dân sự, hôn nhân gia đình luôn đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Viện Kiểm sát nhân dân huyện Võ Nhai kiểm sát hoạt động thi hành án dân sự tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện.

Trong những năm gần đây, số lượng vụ việc tranh chấp về dân sự, hôn nhân gia đình có chiều hướng tăng. Chỉ tính riêng năm 2023, VKSND hai cấp trong tỉnh đã thụ lý kiểm sát hơn 4.730 vụ, việc; trong đó, số thụ lý mới là 3.560 vụ, việc; tăng 347 vụ so với cùng kỳ. Nhiều vụ án tranh chấp phức tạp kéo dài.

Theo đồng chí Triệu Văn Tiếp, Trưởng Phòng Kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự - Hôn nhân và gia đình (Phòng 9) - VKSND tỉnh: Nguyên nhân chủ yếu phát sinh tranh chấp là do mâu thuẫn về lợi ích kinh tế. Chủ thể của các tranh chấp rất đa dạng, từ các cá nhân, tổ chức trong việc vay mượn, mua bán tài sản; tranh chấp quyền sử dụng và hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất; tranh chấp giữa các thành viên trong gia đình về việc phân chia di sản thừa kế; tranh chấp về ly hôn, phân chia tài sản trong và sau ly hôn, quyền nuôi con...

Do vậy, để nâng cao chất lượng kiểm sát việc thụ lý, giải quyết án dân sự cũng như hoàn thành các chỉ tiêu Quốc hội và Ngành giao, cán bộ, kiểm sát viên (KSV) trong đơn vị luôn nỗ lực, tích cực đổi mới phương pháp làm việc cũng như đề ra các giải pháp phù hợp.

Mới đây, Phòng 9 đã phối hợp với Tòa Hôn nhân gia đình - Tóa án nhân dân tỉnh tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự “Tranh chấp quyền sử dụng đất” giữa người kế thừa quyền, nghĩa vụ của nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Tân, sinh năm 1961 (đã chết) với bị đơn là bà Đỗ Thị Ngát, sinh năm 1956, ở xóm Đồng Niêng, xã Động Đạt (Phú Lương).

Trước phiên tòa, KSV được phân công đã nghiên cứu hồ sơ vụ án, đề xuất quan điểm giải quyết, dự thảo đề cương hỏi và các tình huống phát sinh; thể hiện tác phong đĩnh đạc, trang nghiêm, kiểm sát chặt chẽ việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký và việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng tại phiên tòa.

Quá trình xét xử, KSV đã phát biểu quan điểm rõ ràng, rành mạch, thể hiện được vị trí, vai trò của cơ quan kiểm sát. Kết thúc phiên tòa, Phòng 9 họp rút kinh nghiệm, trên tinh thần thẳng thắn góp ý, xây dựng, ghi nhận ưu điểm cũng như chỉ ra những tồn tại của KSV khi tham gia phiên tòa.

Việc phối hợp tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm như trên luôn được VKSND hai cấp trong tỉnh quan tâm thực hiện. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc rút ra kinh nghiệm chung về kỹ năng, nghiệp vụ khi giải quyết các vụ, việc dân sự theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. Đây cũng được xem là một hình thức tự đào tạo tại chỗ có hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng công tác kiểm sát xét xử tại phiên tòa, đồng thời nâng cao trình độ nghiệp vụ, bản lĩnh nghề nghiệp cho các KSV trong đơn vị, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới. Năm 2023, VKSND cấp tỉnh đã phối hợp tổ chức 26 phiên tòa rút kinh nghiệm (vượt chỉ tiêu), đảm bảo chất lượng, đúng quy định.

Xác định nâng cao chất lượng đội ngũ KSV, kiểm tra viên và công chức là nhiệm vụ hàng đầu, nhất là trong tình hình các vụ, việc dân sự ngày càng phức tạp, VKSND hai cấp trong tỉnh phân loại cụ thể các vụ án để phân công cho phù hợp với từng KSV, cán bộ. Đối với những vụ án phức tạp, các đơn vị lựa chọn phân công các KSV có năng lực, kinh nghiệm thực hiện công tác kiểm sát; tạo điều kiện về thời gian cho KSV học tập, nghiên cứu, tập huấn. Đồng thời bố trí, sắp xếp công chức ổn định, lâu dài, chuyên sâu, có bề dày kinh nghiệm, có bản lĩnh chính trị vững vàng thực hiện công tác này. Vì vậy, năm 2023 các vụ án bị cấp trên hủy, sửa có trách nhiệm của VKSND, của KSV đã hạn chế rất nhiều.

Một trong những điểm nhấn quan trọng giúp công tác kiểm sát án dân sự, hôn nhân gia đình của VKSND hai cấp đạt hiệu quả chính là việc chọn nhiệm vụ trọng tâm, đột phá để thực hiện, xây dựng các chuyên đề nghiệp vụ để tổng kết thực tiễn, rút kinh nghiệm và đề ra các giải pháp thiết thực.

Đơn cử như cuối tháng 3 vừa qua, VKSND tỉnh Thái Nguyên phối hợp với VKSND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị về giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát giải quyết án dân sự - hành chính. Qua đó chia sẻ những cách làm hay, kinh nghiệm quý báu trong việc triển khai, tổ chức thực hiện công tác kiểm sát giải quyết án dân sự - hành chính.

Với những giải pháp phù hợp, VKSND hai cấp đã kiểm sát chặt chẽ việc giải quyết các vụ, việc. Từ năm 2021 đến năm 2023, VKSND hai cấp của tỉnh đã ban hành 25 kháng nghị đề nghị hủy, sửa các bản án, quyết định của Tòa án có vi phạm; 100% kháng nghị đều được chấp nhận; ban hành 21 thông báo vi phạm và đề nghị VKSND cấp có thẩm quyền kháng nghị; ban hành 76 kiến nghị Tòa án, cơ quan nhà nước có liên quan và được thực hiện 100%, góp phần vào việc giải quyết các vụ án kịp thời, đầy đủ, đúng quy định pháp luật...

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/phap-luat/202404/chuyen-bien-tich-cuc-trong-giai-quyet-an-dan-su-b091318/