Chuyển biến trong công tác quản lý tài nguyên ở Hà Tĩnh

Trong những năm qua, Hà Tĩnh đã có bước phát triển nhanh, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, đời sống người dân được cải thiện. Ngành Tài nguyên và Môi trường (TN & MT) Hà Tĩnh chủ động triển khai nhiệm vụ, thực hiện các giải pháp trên cơ sở bám sát các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, tạo những chuyển biến tích cực trong công tác quản lý tài nguyên thiên nhiên.

Cơ quan chức năng Hà Tĩnh lập biên bản xử lý các đối tượng khai thác cát trái phép.

Cơ quan chức năng Hà Tĩnh lập biên bản xử lý các đối tượng khai thác cát trái phép.

Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật

Thực hiện tốt việc tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật về tài nguyên, từ đầu năm 2018,, Sở TN & MT Hà Tĩnh đã ban hành Kế hoạch số 383/KH-STNMT ngày 5-2-2018 về phổ biến giáo dục pháp luật năm 2018. Theo đó, đã tổ chức tập huấn các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai cho cán bộ, công chức của Sở TN & MT, giám đốc văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện, chủ tịch UBND và công chức địa chính các xã của huyện Kỳ Anh, Hương Khê với khoảng 650 lượt người tham gia. Sở cũng đã tổ chức tập huấn Nghị định số 82/2017 quy định về phương pháp tính mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước cho một số đơn vị sử dụng tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh với hơn 80 lượt người tham gia. Tập huấn phổ biến kiến thức, giới thiệu về động đất, sóng thần và các giải pháp phòng, chống, giảm thiểu rủi ro và ứng phó cho các sở, ban, ngành, UBND huyện, thành phố, thị xã, UBND các xã, phường, thị trấn khoảng 500 lượt người tham gia.

Theo báo cáo của phòng TN & MT các huyện, thị xã, thành phố, năm 2018 đã tổ chức 63 buổi tập huấn, tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật cho gần 15.000 lượt người tham gia, trong đó các huyện tổ chức tốt như: huyện Thạch Hà 21 buổi/10.200 lượt người, huyện Kỳ Anh 8 buổi/1.200 lượt người...

Chuyển biến tích cực

Đến nay, Sở TN & MT Hà Tĩnh đã hoàn thành điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối 2016 – 2020 cấp tỉnh được Chính phủ phê duyệt tại Nghị quyết số 75/NQ-CP ngày 13-6-2018. Thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất năm 2018 và Kế hoạch sử dụng đất (bổ sung) năm 2018 của 13 huyện, thành phố, thị xã. Tiếp tục chỉ đạo các địa phương hoàn chỉnh phương án điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất kỳ cuối 2016 – 2020 cấp huyện. Tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua danh mục bổ sung các công trình, dự án cần thu hồi đất và chuyển mục đích sử dụng đất (bổ sung) năm 2018 và năm 2019 trên địa bàn tỉnh.

Sở TN và MT đã thẩm định và tham mưu UBND tỉnh giải quyết 129 hồ sơ giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất với tổng diện tích 200,1 ha; thu hồi 42 khu đất với tổng diện tích 44 ha. Phối hợp kiểm tra, thẩm định nhu cầu sử dụng đất, thẩm định điều kiện cho thuê đất gần 400 dự án đầu tư, điều chỉnh dự án đầu tư của các tổ chức.

Tiếp tục chỉ đạo thực hiện công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất GCNQSD cho tổ chức và hộ gia đình, cá nhân. Trong năm 2018 đã cấp 1.416 giấy chứng nhận cho 354 tổ chức; cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cho 390 công trình với diện tích trên 74.200 m2. Sở TN & MT hoàn thành công tác thống kê đất đai năm 2017 trình UBND tỉnh phê duyệt báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường theo quy định. Tính đến ngày 1-1-2018, tổng diện tích đất đai toàn tỉnh là 599.066,74ha; trong đó, đất nông nghiệp 483.723,6 ha chiếm 80,75%; đất phi nông nghiệp 86.628,7ha chiếm 14,5%; đất chưa sử dụng 28.714,4ha chiếm 4,8%. Đồng thời, Sở TN & MT cũng đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các quyết định về điều chỉnh, bổ sung Bảng giá đất năm 2015 trên địa bàn tỉnh; về ủy quyền xác định giá đất cụ thể; về sửa đổi, bổ sung một số quy định về chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; Kế hoạch định giá đất cụ thể và Kế hoạch định giá đất bổ sung năm 2018 trên địa bàn tỉnh.

Trong năm 2018, Sở TN và MT tỉnh cũng đã xây dựng, trình Hội đồng thẩm định giá đất tỉnh thẩm định và trình UBND tỉnh xem xét phê duyệt giá đất cụ thể theo thẩm quyền đối với 12 dự án. Tiếp nhận và trình UBND tỉnh phê duyệt kinh phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư thực hiện 6 dự án (Dự án đường đi qua Dự án thương mại dịch vụ thể thao và giải trí phường Văn Yên; Dự án Đầu tư vùng nuôi tôm công nghiệp tại xã Kỳ Trinh của Công ty TNHH Trường Phú; Dự án xây dựng trụ sở Bảo hiểm xã hội thị xã Hồng Lĩnh; Dự án Cửa hàng xăng dầu và kinh doanh thương mại dịch vụ tại xã Thạch Hạ, thành phố Hà Tĩnh; Dự án đầu tư xây dựng công trình khu xử lý chất thải rắn tại huyện Hương Khê; Dự án đầu tư xây dựng công trình Đồn biên phòng Sơn Hồng - Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh) với tổng kinh phí bồi thường hỗ trợ hơn 15,83 tỷ cho 24 đối tượng bị ảnh hưởng. Ngoài ra, Sở đã chủ trì phối hợp các sở, ngành và đơn vị liên quan kiểm tra, xử lý các vướng mắc, khó khăn liên quan đến công tác định giá đất cụ thể, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, góp phần đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh.

Công tác quản lý quỹ đất được triển khai chặt chẽ, Sở đã tiếp nhận bàn giao tại thực địa 6 khu đất thu hồi với diện tích 5,6 ha; giao 2 khu đất về cho địa phương quản lý, bố trí sử dụng theo quy hoạch; lập, trình duyệt quy hoạch tổng mặt bằng sử dụng đất, giá khởi điểm và phương án bán đấu giá quyền sử dụng 2 khu đất; khảo sát, lập phạm vi ranh giới và các chỉ tiêu quy hoạch xây dựng, phương án bán đấu giá đất và tài sản gắn liền với đất 2 khu đất; lập, trình duyệt phạm vi ranh giới và các chỉ tiêu quy hoạch phục vụ công tác đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư có sử dụng đất 5 khu đất; xây dựng Đề án cho thuê cơ sở nhà đất Nhà khách Hương Sen tại phường Tân Giang, TP. Hà Tĩnh; tổ chức bán đấu giá đối với 88 lô đất thuộc Dự án Khu dân cư đô thị, thương mại và dịch vụ tổng hợp phía đông nam huyện Kỳ Anh (tuy nhiên không có người tham gia đấu giá).

Điểm nhấn lĩnh vực TN&MT trong năm qua ở Hà Tĩnh có thể kể đến việc Hà Tĩnh đã chủ trì, cùng với các bộ, ngành Trung ương tham mưu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ phương án giải quyết các vụ việc tồn đọng kéo dài, khiếu kiện đông người như: vụ tồn đọng giao đất 55 hộ phía nam cầu Bến Thủy – Nghi Xuân, đã kéo dài từ năm 1992 đến nay và đã được Thủ tướng chính phủ đồng ý về chủ trương (tại Văn bản số 6606/VPCP-NN ngày 13-7-2018) và Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn (tại Văn bản số 4064/BTNMT-TCQLĐĐ ngày 31-7-2018). Hiện nay, UBND tỉnh đang giao cho Thanh tra tỉnh chủ trì tham mưu thực hiện.

Theo báo cáo của phòng TN và MT các huyện, thành phố, thị xã, trong năm 2018 đã tiến hành giao đất thông qua đấu giá 2.102 lô đất, diện tích 83,959 ha, thu ngân sách 981,9 tỷ đồng; giao đất không qua đấu giá 1686 lô, diện tích 75,687 ha, thu ngân sách 896,9 tỷ đồng; cho 81 dự án thuê đất thuộc thẩm quyền cấp huyện, diện tích 70,07 ha và 5228 đối tượng thuộc thẩm quyền cấp xã thuê với diện tích 901,32 ha; thu hồi 321,68 ha đất (trong đó thu hồi để giao, cho thuê đất 319,14 ha). Số liệu từ Cục Thuế tỉnh cho biết, tính đến 31-12-2018, tổng nguồn thu từ đất toàn tỉnh là gần 1.954 tỷ đồng.

Siết chặt công tác khai thác khoáng sản

Sở TN & MT Hà Tĩnh đã hoàn thiện trình UBND tỉnh Đề án tăng cường công tác quản lý khoáng sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030. Tập trung rà soát các mỏ trên địa bàn thị xã Kỳ Anh và khu vực nam huyện Kỳ Anh để xây dựng lộ trình chấm dứt hoạt động. Đã hoàn thiện các bước và tổ chức đấu giá thành công đối với 2 mỏ; đang hoàn thiện các thủ tục để tiếp tục đấu giá đối với 5 mỏ theo kế hoạch. Rà soát, triển khai tính và tham mưu UBND tỉnh phê duyệt tiền cấp quyền KTKS của các mỏ đã được cấp giấy phép khai thác.

Tham mưu UBND tỉnh thành lập Tổ công tác liên ngành kiểm tra, xử lý vi phạm trong việc khai thác khoáng sản trái phép trên các tuyến sông địa bàn toàn tỉnh và khu vực giáp ranh giữa hai tỉnh Nghệ An – Hà Tĩnh và Tổ công tác liên huyện đấu tranh, phòng, chống khai thác cát, sỏi trái phép khu vực giáp ranh giữa 3 huyện Đức Thọ, Vũ Quang, Hương Sơn. Theo đó, trong năm 2018 đã trực tiếp tổ chức 5 cuộc kiểm tra đột xuất việc hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn các huyện Kỳ Anh, Can Lộc, Hương Sơn, Hương Khê. Qua kiểm tra đã phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 2 trường hợp số tiền 70 triệu đồng. Ngoài ra, từ ngày 20-7 đến nay, Tổ công tác liên ngành đã phát hiện và bắt giữ hơn 30 vụ khai thác cát trái phép, phạt tiền gần 200 triệu đồng nộp ngân sách; Tổ công tác liên huyện sau hơn 1 tháng triển khai đã bắt giữ được 14 trường hợp vi phạm khai thác cát trái phép, xử phạt 23 triệu đồng và bắt giữ 2 trường hợp vi phạm vận chuyển cát không rõ nguồn gốc, xử phạt 1 triệu đồng. Các phòng TN&MT huyện đã tiếp nhận 3 hồ sơ xin thăm dò, khai thác mỏ (tại Hương Sơn, Hương Khê và Vũ Quang); thẩm định 2 hồ sơ cải tạo phục hồi môi trường sau khai thác mỏ (tại Thạch Hà, Lộc Hà); thực hiện 256 cuộc kiểm tra lĩnh vực khoáng sản trên địa bàn toàn tỉnh. Qua kiểm tra đã xử phạt 66 đơn vị, nộp ngân sách 199,2 triệu đồng.

Để giải quyết vấn đề cốt lõi về “cung – cầu”, Sở TN&MT tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Đồng thời bổ sung các khu vực mới có tiền năng và điều kiện để tiến hành cấp mỏ.

Tuấn Minh

Nguồn Xây Dựng Đảng: http://www.xaydungdang.org.vn/home/van-hoa-xa-hoi/2019/13115/chuyen-bien-trong-cong-tac-quan-ly-tai-nguyen-o-ha-tinh.aspx