Chuyển biến từ xây dựng mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu

Mã số vùng trồng là mã số định danh cho một vùng trồng trọt, nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm cây trồng. Việc xây dựng, thiết lập được mã số vùng trồng sẽ là 'hộ chiếu' để nông sản xuất khẩu theo con đường chính ngạch. Đây đang được xem là xu hướng phát triển để đưa sản phẩm nông nghiệp vươn ra thị trường quốc tế.

Diện tích ớt được cấp mã số vùng trồng tại xã Định Hưng (Yên Định).

Theo quy định, vùng được cấp mã số vùng trồng phải đáp ứng đủ yêu cầu chung, yêu cầu về diện tích. Quản lý sinh vật gây hại theo yêu cầu kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu. Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục, tuân thủ quy định theo nguyên tắc 4 đúng. Sổ ghi chép chi tiết các hoạt động tác động lên cây trồng trong vụ canh tác. Điều kiện canh tác và các yêu cầu khác tuân thủ theo yêu cầu cụ thể của nước nhập khẩu. Đối với nội dung đăng ký thiết lập mã số vùng trồng phải thực hiện theo 4 bước chính, gồm bước 1 đăng ký thông tin kỹ thuật của vùng trồng, bước 2 kiểm tra thực địa, bước 3 đánh giá kết quả kiểm tra thực hiện và bước 4 là phê duyệt mã số vùng trồng. Vì vậy, để xây dựng được mã số vùng trồng, thời gian qua, ngành nông nghiệp và các địa phương trên địa bàn tỉnh đã chủ động, tích cực hướng dẫn người dân xây dựng mã số vùng trồng.

Theo đó, trong quá trình canh tác, các đơn vị đã hướng dẫn các hộ dân thực hiện ghi chép tỉ mỉ các công đoạn bón phân, phun thuốc, thu hoạch... Đồng thời, phổ biến cho các hộ dân chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hữu cơ trong danh mục cho phép, tuyệt đối không sử dụng thuốc diệt cỏ và đảm bảo đủ thời gian cách ly trước khi đưa sản phẩm ra thị trường. Cùng với việc “cầm tay chỉ việc” về quy trình, kỹ thuật cho bà con nông dân, ngành nông nghiệp và các cơ quan chuyên môn của tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp, tích cực vào cuộc xây dựng mã số vùng trồng, như thường xuyên kiểm tra, giám sát, nhắc nhở, đôn đốc bà con ghi chép đầy đủ vào sổ nông hộ. Khuyến cáo người dân sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây trồng. Thường xuyên cập nhật hệ thống dữ liệu cơ sở sản xuất lên phần mềm, tiến hành kiểm tra mẫu nước, mẫu đất theo quy định. Cùng với đó, tổ chức các lớp tập huấn xây dựng, thiết lập mã số vùng trồng đáp ứng yêu cầu xuất khẩu cho cán bộ, bà con nông dân các xã. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2022 đến nay, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã tổ chức 12 lớp tập huấn xây dựng, thiết lập mã số vùng trồng đáp ứng yêu cầu xuất khẩu cho cán bộ, bà con nông dân các xã của 9 huyện Ngọc Lặc, Thọ Xuân, Triệu Sơn, Thiệu Hóa, Nông Cống, Hậu Lộc, Nga Sơn, Bá Thước, Vĩnh Lộc và TP Thanh Hóa. Ngoài ra, chi cục còn tiến hành in ấn, cấp phát hàng trăm nghìn tờ rơi về nội dung, xây dựng, thiết lập mã số vùng trồng đáp ứng yêu cầu xuất khẩu cho bà con nông dân trên địa bàn tỉnh.

Với sự vào cuộc tích cực của ngành nông nghiệp, các địa phương, đơn vị có liên quan và người dân, đến nay toàn tỉnh đã xây dựng được 15 vùng trồng, với 30 mã số được cấp; trong đó, có 15 mã xuất đi Trung Quốc, 15 mã xuất đi Malaysia. Ngoài các mã số vùng trồng đã được cấp nói trên, từ đầu năm 2022 đến nay, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã kiểm tra, giám sát được 15 vùng sản xuất của 2 huyện Nông Cống và Thọ Xuân. Qua đánh giá, cả 15 vùng trồng này đều đạt các yêu cầu cấp mã số vùng trồng. Trong đó, có 1 vùng đạt tiêu chuẩn mã vùng xuất đi Trung Quốc, 14 mã còn lại đạt các yêu cầu chung về mã vùng xuất khẩu.

Ông Đỗ Văn Dũng, Trưởng trạm Kiểm dịch thực vật nội địa, thuộc Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, cho biết: Để đẩy mạnh việc xây dựng mã số vùng trồng, chi cục sẽ tiếp tục hướng dẫn các tổ chức, cá nhân về ý nghĩa, nội dung, quy định về xây dựng và thiết lập mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu, nhất là đối với các loại cây trồng có tiềm năng xuất khẩu lớn, như ớt, khoai tây, cây ăn quả.

Bài và ảnh: Hương Thơm

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/chuyen-bien-tu-xay-dung-ma-so-vung-trong-phuc-vu-xuat-khau/167147.htm