Chuyện buồn những người hiếm muộn

'Hôm nọ chị cấy được rồi cậu à! Đến nay đã được 9 ngày...', dòng tin nhắn kèm hình ảnh que thử thai 2 vạch (1 rõ 1 mờ) của chị Hoa gửi qua facebook lúc nửa đêm khiến tôi rưng rưng. Thế nhưng, chưa đầy 20 ngày sau, khi hỏi thăm tình hình, tôi lại nhận được câu nói trĩu nặng thất vọng của chị: 'Lại hỏng rồi cậu ơi! Phôi bị tuột ra ngoài'.

Hằng ngày, hằng trăm cặp vợ chồng bị hiếm muộn tìm đến các bệnh viện điều trị chỉ mong có một mụn con.

Hằng ngày, hằng trăm cặp vợ chồng bị hiếm muộn tìm đến các bệnh viện điều trị chỉ mong có một mụn con.

Tuột niềm vui vừa tới

Đó là trường hợp của vợ chồng chị Đinh Thái Hoa, 35 tuổi, quê ở huyện Nam Đàn (Nghệ An), hiện đang sống ở quê chồng tại Hưng Yên. Cưới nhau đã được gần chục năm dù mong ngóng mãi nhưng đến nay anh chị vẫn chưa có được mụn con. Sau nhiều lần thăm khám, chạy chữa không thành, có đợt hai vợ chồng buồn bã tính đến việc “giải thoát” cho nhau để đỡ đau khổ. Còn nhớ, lần đó, cũng dịp nghỉ lễ 30/4, sau mấy ngày tôi về thăm quê, chuẩn bị trở lại Hà Nội làm việc thì cô Loan - mẹ chị Hoa cầm một bưu phẩm sang gửi tôi nhờ chuyển tận tay cho con gái rồi nghẹn ngào: “Bọn nó làm thủ tục ly hôn cháu ạ!”. Bẵng đi một thời gian, tôi lại thấy chị đăng tải ảnh hai vợ chồng quấn quýt bên nhau hạnh phúc trên mạng xã hội. Hỏi ra mới biết, cả hai đã hàn gắn lại và đang trông chờ một phép màu sẽ đến thông qua phương pháp thụ tinh ống nghiệm.

Tết rồi gặp chị ở quê, nghe chị kể lại buồn bã hai vợ chồng đã lần đầu tiến hành làm thụ tinh ống nghiệm với chi phí lên tới 130 triệu đồng mà kết quả vẫn không... đậu. Thế rồi bẵng đi, rồi lại thấy anh chị khoe đã tìm đến Bệnh viện Nam học và hiếm muộn Hà Nội tìm kiếm may mắn. Sau gần một tháng đi lại từ Hưng Yên lên Hà Nội để chiếu chụp, siêu âm, kích trứng, chọc trứng, chuyển phôi vào tử cung...Một hôm, đang lúc nửa đêm, điện thoại của tôi rung lên với dòng chữ kèm hình ảnh chị Hoa gửi qua facebook: “Hôm nọ chị cấy được rồi cậu à! Đến nay đã được 9 ngày...”. Nhận dòng tin nhắn, cảm thấy vui lây tôi vội gửi lời chúc mừng chị (dù nhìn qua hình ảnh que thử thai thấy 1 vạch đậm, 1 vạch còn rất mờ ). Những tưởng phép màu đã đến với vợ chồng chị Hoa, thế nhưng, chưa đầy 20 ngày sau nhắn tin hỏi thăm tình hình, tôi lại nhận được câu nói trĩu nặng thất vọng của chị: “Lại hỏng rồi cậu à! Phôi bị tuột ra ngoài”.

Cũng may, đợt rồi các bác sĩ chọc được 15 trứng và đang dự trữ khoảng 10 phôi loại 1 của chị nên đợt này chị Hoa chỉ cần xét nghiệm lại máu, siêu âm, nếu ổn định các bác sĩ sẽ chọn thời điểm phù hợp cho chuyển phôi dự trữ vào lại tử cung để thụ thai. Tính ra, sau hai đợt làm thụ tinh ống nghiệm, anh chị đã tốn kém hơn 200 triệu đồng. Với thu nhập chỉ khoảng 10 triệu đồng/tháng qua công việc bán thuốc ở nhà của vợ và lao động tự do bên ngoài của chồng, giờ gia đình chị Hoa chỉ trông chờ “thần may mắn” sẽ mỉm cười với mình.

Vợ chồng chị Tuyết ròng rã nhiều ngày tại bệnh viện để điều trị hiếm muộn.

Vất vả chăm người... cho trứng

Cùng cảnh ngộ hiếm muộn với gia đình chị Hoa, trường hợp của vợ chồng anh Lâm (49 tuổi) - chị Tuyết (42 tuổi, cùng trú tại một xã miền núi ở huyện Thanh Chương, Nghệ An) còn gian nan hơn. Sau nhiều lần vào Nam ra Bắc chữa trị nhưng vì kinh tế khó khăn, anh chị đã chấp nhận bỏ cuộc giữa chừng. Thế rồi, nghe một người thân mách bảo, hai vợ chồng còn tổ chức đám cưới lần hai để tìm kiếm may mắn. Đợt Tết vừa rồi, xem chương trình thời sự trên kênh VTV1, biết được một bác sĩ “mát tay” ở Bệnh viện Bưu điện (Hà Nội) chữa trị thành công cho nhiều cặp gia đình còn lớn tuổi hơn mình, anh Lâm bảo vợ tìm cách liên hệ để ra chữa trị.

Sau gần một ngày chụp chiếu, siêu âm, xét nghiệm các kiểu, bác sĩ bảo rằng: “Người vợ mãn kinh sớm, hết trứng, còn tinh trùng của chồng lại ít và yếu. Do đó, chỉ còn cách xin trứng của người khác rồi thụ tinh ống nghiệm với tinh trùng của chồng, cấy phôi vào lại tử cung của chị Tuyết”. Nghe quá buồn bã, nhưng khi được bác sĩ cho biết tỷ lệ thành công trên 50%, vợ chồng anh Lâm quyết tâm về vay tiền và tìm người...xin trứng.

Không có điều kiện kinh tế để mua trứng, anh chị cố nhờ vả người thân phía đằng vợ. Thế nhưng, nhà có 2 cô em gái thì người em kế chị Tuyết đã sinh tới 5 người con, đang thời kỳ cho cậu út bú sữa nên không thể cho trứng; Cô em gái út khả thi nhất vì mới 23 tuổi nhưng cũng đã có một cậu con trai, lại đang làm công nhân trong khu công nghiệp ở Bình Dương, không thể nghỉ việc ra giúp chị. Hơn nữa, do ảnh hưởng của phong tục, tập quán cùng nhiều ý kiến từ phía gia đình chồng nên cô em gái út có muốn cũng không được giúp. Cuối cùng, nhờ sự đồng cảm và được họ hàng, người thân giải thích, vận động, người em dâu thứ 2 trong gia đình đã quyết định cho anh chị xin trứng.

Những tưởng chỉ đi ra khám rồi chờ ngày chọc trứng không mất nhiều thời gian, song Hoa (29 tuổi, em dâu chị Tuyết) cũng vất vả đi lại nhiều ngày từ Nghệ An ra Hà Nội. Do đang làm công nhân tại một nhà máy ở quê nên Hoa phải tranh thủ ra thăm khám vào 2 ngày cuối tuần. Tuy nhiên, để có kết quả chính xác, các bác sĩ yêu cầu cô phải ra khám đúng ngày thứ 2 của chu kỳ kinh nguyệt. Hôm đầu ra khám đúng vào ngày chủ nhật, chỉ làm được các xét nghiệm máu, siêu âm, còn thiếu khoản điện tim, Hoa đành phải gọi điện xin phép công ty cho ở lại thêm một ngày để làm xong các thủ tục.

Niềm vui đến khi bác sĩ đọc kết quả và cho biết, cô có đủ các điều kiện để cho chị chồng xin trứng. Để tiêm thuốc kích thích trứng đầy đủ, đúng kỹ thuật, các bác sĩ yêu cầu Hoa phải ở lại Hà Nội cho tiện thăm khám. Tuy nhiên, không thể bỏ dở công việc ở nhà, Hoa đành phải nói khéo và xin phép về nhà để các y tá ở quê hỗ trợ. Bác sĩ cắt cho 4 liều thuốc kích trứng về tiêm, sau 4 ngày ở quê, cô lại phải cùng chị chồng ra Hà Nội để kiểm tra và ở lại mấy ngày tiêm thêm thuốc.

Đến ngày đủ điều kiện, bác sĩ yêu cầu anh Lâm phải có mặt ở bệnh viện để lấy tinh trùng, đồng thời chọc trứng của chị Hoa cho vào ống nghiệm thụ tinh. Với 10 trứng được cho vào ống nghiệm, sau mấy ngày, bệnh viện báo kết quả tạo được 4 phôi loại 2, cho vào trữ đông lạnh, đợi khi nào chị Tuyết đủ điều kiện sẽ chuyển phôi vào tử cung để thụ thai. Chị Hoa trở về quê làm việc, suýt bị công ty từ chối nhận lại nếu như chị không xin được giấy chứng nhận đi thăm khám, chữa bệnh thời gian qua ngoài Hà Nội.

Trong khi đó, thấp thỏm chờ đợi mấy ngày, nhận được kết quả trên cả gia đình anh Lâm vừa mừng vừa lo vì phôi hơi ít. Động viên vợ ăn uống cho tỉnh táo, anh Lâm hồi hộp gọi điện báo cho người thân và hỏi thêm bác sĩ các biện pháp để tăng cường nội tiết và sức khỏe cho chị Tuyết trong thời gian này.

“Nhà chỉ có mấy sào ruộng, chạy chữa nhiều lần nên kinh tế kiệt quệ. Đợt này ban đầu bác sĩ bảo dự kiến hết khoảng 70 triệu đồng nhưng hôm qua chúng tôi đã nộp gần 90 triệu, chưa tính tiền tàu xe đi lại, ăn ở. Tôi đã làm thủ tục vay ngân hàng chính sách ở quê nhưng đến nay vẫn chưa được giải ngân. Hôm rồi đành phải vay nóng tiền của họ hàng để nộp trước cho bệnh viện mới làm tiếp được các thủ tục”, anh Lâm thở dài.

Câu chuyện xin trứng và hiếm muộn, theo lẽ vẫn còn dài và vô số điều muốn kể. Đơn cử như nhân vật tôi gặp tại cổng bệnh viện có tên là Khoa. Ông Khoa năm nay 55 tuổi, vốn quê ở Đan Phượng, Hà Nội. Vừa rít điếu thuốc lào, nghe chuyện xong ông Khoa liền động viên anh Lâm: “Thế là còn ít. Tôi đây đi lần thứ 2, hết gần 400 triệu đồng rồi mà chưa kiếm được thằng con trai đây”. Hỏi ra mới biết, dù đã có 4 cô con gái, thậm chí có cả cháu ngoại nhưng vì tâm lý muốn có con trai nối dõi, ông Khoa cùng vợ vẫn tìm tới thụ tinh ống nghiệm. Lần một, do vợ đã ở tuổi mãn kinh, nội tiết kém nên việc thụ thai không thành. Lần này, gia đình ông Khoa đành phải mua trứng của một phụ nữ cùng quê. “Tôi muốn kiếm con trai nên phải sàng lọc trứng nữa. Hơn 5 tháng đi cùng cô này để hỗ trợ, chăm nom. Bây giờ được 2 phôi đang trữ đông lạnh, mỗi phôi lại phải trả cho cô kia 10 triệu đồng. Tính sơ sơ, đợt này đã hết hơn 130 triệu đồng rồi. Mong là phép màu sẽ đến với vợ chồng tôi lần này”, ông Khoa chia sẻ. Hai người đàn ông trò chuyện với nhau khá dài rồi bắt tay chào tạm biệt, chúc nhau may mắn.

Tuấn Nguyễn

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi-phong-su/chuyen-buon-nhung-nguoi-hiem-muon-1277756.tpo