Chuyện buồn trong niềm vui nhân đôi

Bảng "phân công nhiệm vụ" cho nhân viên Sở Thông tin- Truyền thông Thanh Hóa.

Thượng tuần tháng 11 năm nay, giám đốc Sở Thông tin và truyền thông Thanh Hóa tổ chức đám cưới cho con gái. Công tác chuẩn bị bao giờ cũng đi trước một bước và “bộ phận tham mưu” của Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa ban hành lịch phân công nhiệm vụ cụ thể cho đội ngũ cán bộ công nhân viên cơ quan từ ngày 1 tháng 11 đến khi kết thúc lễ vu quy.

Bảng phân công này được tải qua mạng nội bộ cho cán bộ, công nhân viên chức, người lao động trong cơ quan biết, thực hiện. Theo đó, ngay từ đầu tháng có tới mười công chức, viên chức lo công tác chuẩn bị hàng ngày cho nhà sếp. 13 cán bộ, công nhân viên chức được huy động dựng rạp, khiêng đồ. Ngày nạp tài, hơn chục nhân viên lo phục vụ, xe cộ; lãnh đạo Sở, lãnh đạo các phòng, lãnh đạo Trung tâm công nghệ thông tin được phân vai tiếp khách và tám nhân viên gánh phần việc “lễ tân”.

Từ ngày mùng 5 đến 8 tháng 11, hơn hai chục lượt cán bộ, viên chức, người lao động trong cơ quan tiếp tục được huy động làm phục vụ, đón khách, trợ giúp sếp tiếp khách tại tư gia, trong thời gian gia đình đi Hà Nội và ở nhà hàng Dạ Lan. Hôm đưa dâu, nhân lực huy động lên tới hơn 30 người và sau khi kết thúc đám cưới cũng cần phải huy động hàng chục viên chức, công chức, người lao động làm phần việc ở nhà sếp.

Thực tế, đồng chí, đồng nghiệp luôn sẵn lòng, tự nguyện trợ giúp nhau lo việc lớn của mỗi gia đình riêng nhưng bảng phân công nhiệm vụ “tại Sở Thông tin và Truyền thông” từ ngày 1 đến 11- 11- 2011 đã biến thành mệnh lệnh hành chính trong quan hệ giữa cấp trên với cấp dưới. Mỗi công chức, viên chức, người lao động tất yếu phải thu xếp việc công, thậm chí xử lý công việc vào buổi tối trong ngày để có thời gian phụ giúp gia đình lãnh đạo.

Sau nhiều năm thực hiện Chỉ thị 27 của Bộ Chính trị về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, Thanh Hóa đã đạt được những kết quả nhất định trong điều chỉnh nhận thức, hành vi của cộng đồng xã hội. Gần đây biểu hiện “mời tràn lan”, tâm lý “trả nợ miệng”, lấn chiếm lòng lề đường dựng rạp, phát âm thanh khuếch đại quá giờ quy định, rồng rắn, nghênh ngang choán chiếm lòng đường, buộc người, phương tiện tham gia giao thông phải “tháp tùng” cô dâu, chú rể tái diễn. Do vậy, ngày 20 tháng 7 năm 2011, UBND TP Thanh Hóa ban hành Chỉ thị 04 về thực hiện nếp sống văn minh đô thị trong việc cưới, việc tang, lễ hội và bước đầu đã xử lý nghiêm một số cán bộ, đảng viên vi phạm. Một số phường, xã còn ban hành nghị quyết chuyên đề, cụ thể hóa nội dung Chỉ thị trong chương trình hành động cụ thể, tạo chuyển biến về chất của “cuộc vận động xây dựng đô thị văn minh, công dân thân thiện”.

Dù xuất phát từ động cơ tích cực hay tiêu cực, nhưng rõ ràng chủ thể phát bảng phân công cán bộ, công chức, viên chức ở Sở Thông tin, truyền thông Thanh Hóa qua mạng nội bộ để lo việc riêng cho gia đình lãnh đạo là có thật. Điều đó cho thấy công tác quản trị mạng chưa chặt chẽ, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong lãnh đạo, điều hành đôi khi nhuốm màu sắc chủ quan. Việc làm trên là trái với chủ trương, định hướng của Trung ương và địa phương, vi phạm quy chế cơ quan cùng các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, bố trí, sử dụng nhân lực ở các cơ quan nhà nước.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/cmlink/nhandandientu/thoisu/chinh-tri/y-kien/chuy-n-bu-n-trong-ni-m-vui-nhan-oi-1.321567