Chuyện các cựu chiến binh Điện Biên Phủ

'Trong đời tôi chưa bao giờ nghe tiếng nổ lớn như thế! Chúng tôi được lệnh nằm xuống, ngửa người để chờ tin'… - cựu chiến binh (CCB) Ngô Thế Ngân (ngụ thị trấn Long Thành, huyện Long Thành) kể về tiếng nổ của khối bộc phá một tấn vào chiều 7-5-1954, báo hiệu sự toàn thắng của Chiến dịch Điện Biên Phủ 70 năm về trước.

Cựu chiến binh Ngô Thế Ngân đọc sách về Điện Biên Phủ ngày ấy. Ảnh: N.HÀ

Khi nhắc về Chiến thắng Điện Biên Phủ, ký ức một thời đạn bom khói lửa “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” với những người lính Điện Biên vẫn như vừa mới hôm qua.

Tiếng bộc phá xé toang hầm tướng giặc

CCB Ngô Thế Ngân (95 tuổi đời, hơn 60 năm tuổi Đảng) là chiến sĩ của Trung đoàn 44, bổ sung cho đợt cuối của Chiến dịch Điện Biên Phủ, vừa phục vụ hậu chiến, vừa dẫn giải tù binh, hàng binh.

“Cảnh mà tôi nhớ mãi là dẫn giải tù binh trong thời tiết vừa mưa phùn, vừa nồm ẩm; lính lê dương không quen đi chân đất nên từng tốp lính cứ lò dò theo người điều hành áp giải tù binh và chúng run sợ chỉ lo bị bắn. Nhiều tên giặc khi vấp ngã hay trúng đạn vào bắp chân khóc như đứa trẻ” - ông Ngân nói.

Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 - 7-5-2024), ngoài các hoạt động lớn của Trung ương, Đồng Nai tổ chức 49 đoàn thăm, tặng quà 144 chiến sĩ Điện Biên còn sống và thân nhân các chiến sĩ từng trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu tại Điện Biên Phủ 70 năm trước. Hội CCB tỉnh tổ chức gặp mặt các chiến sĩ Điện Biên tại thành phố Biên Hòa và các địa phương lân cận…

Kỷ niệm mà ông Ngân nhớ mãi trong cuộc chiến khốc liệt 56 ngày đêm chính là tiếng nổ khối bộc phá một tấn vào chiều 7-5-1954, bắt sống tướng De Castries và bộ tham mưu tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Ông Ngân bồi hồi nhớ lại: “Sau khi giải phóng Điện Biên, tôi cùng đơn vị còn ở lại dẫn giải tù binh và ăn mừng thắng lợi cùng mừng sinh nhật Bác 19-5-1954 rồi mới trở về Tây Bắc”.

Nâng niu những kỷ vật

Ở khu phố 1, phường Tân Hiệp (thành phố Biên Hòa), cụ Lê Quang Tuyển (tự Vũ Quang Tuyển), 95 tuổi đời, gần 65 năm tuổi Đảng, vẫn nhớ rất rõ và luôn trân trọng, nâng niu những kỷ vật của một thời đạn bom khói lửa. Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên cùng nhiều huân, huy chương các thời kỳ kháng chiến được cụ cất giữ cẩn thận như những báu vật minh chứng cho một thời “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” cùng đồng chí, đồng đội làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Cựu chiến binh Lê Quang Tuyển cùng các con xem lại kỷ vật Điện Biên.

22 tuổi, chàng thanh niên quê Thái Bình Lê Quang Tuyển nhập ngũ vào Trung đoàn 165, Đại đoàn 312 - một trong những đại đoàn chủ lực của quân đội ta trực tiếp chiến đấu ở Điện Biên Phủ. Sau khóa đào tạo ngắn hạn tại Trường võ bị Trần Quốc Tuấn, cơ sở ở Thanh Hóa, đầu tháng 1-1953, đơn vị ông được lệnh hành quân tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Quãng đường dài từ Thanh Hóa lên Điện Biên chủ yếu đi bộ vào ban đêm, tránh máy bay địch; còn ban ngày thì tản vào bản làng, nhà dân làm công tác dân vận, tuyên truyền đặc biệt. Khó khăn, vất vả là thế nhưng với tinh thần “quyết chiến, quyết thắng” cùng lời dạy của Bác Hồ dành cho các đơn vị quân đội ngày ấy là động lực để ông cùng đồng đội vượt qua, chiến thắng kẻ thù, góp phần vào thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ.

“Mỗi lúc khó khăn, lời dạy: “Bộ đội ta chân sắt, mắt ngựa, bụng thần tiên” mà Bác Hồ trao tặng đơn vị trước ngày ra mặt trận là động lực để anh em chúng tôi vượt khó, chiến thắng kẻ thù; góp phần cùng dân tộc làm nên thắng lợi 70 năm trước” - CCB Lê Quang Tuyển nói.

Ông Tuyển cho biết thêm, sau hành trình dài vượt qua bao gian khổ, khó khăn, ông Tuyển cùng đơn vị được bổ sung vào đợt 2 của chiến dịch từ ngày 30-3-1954 đến ngày toàn thắng. Đợt tấn công thứ 2 của quân ta vào tập đoàn cứ điểm diễn ra vô cùng ác liệt. Thực hiện chỉ đạo của cấp trên, đơn vị của ông được lệnh vừa đánh bao vây công sự, vừa đào công sự đúng tinh thần “vây, lấn, tấn, phá, triệt, diệt” là phương pháp chiến thuật do bộ đội ta sáng tạo để thực hiện phương châm “đánh chắc, tiến chắc”, tức là bao vây, chia cắt đánh dần từng bước, tiêu diệt từng bộ phận sinh lực địch từ ngoại vi vào trung tâm. Đánh theo cách này, ta có điều kiện tập trung binh, hỏa lực, ưu thế tuyệt đối trong từng trận, tạo nên sức mạnh áp đảo để thắng địch.

Những chiến sĩ Điện Biên ngày ấy như CCB Ngô Thế Ngân, Lê Quang Tuyển không giấu nổi cảm xúc khi nhắc về đồng đội - những người đã hy sinh không kịp chứng kiến ngày vui đoàn tụ.

CCB Ngô Thế Ngân cho rằng, hòa bình, độc lập phải trả bằng xương máu, bằng những gian lao, vất vả của dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong khi vận chuyển hàng hóa, lương thực, thực phẩm, súng đạn trên cung đường của “dốc Pha Đinh”; “đèo Lũng Lô” cao ngút.

Với ý chí quyết tâm đánh thắng kẻ thù xâm lược, bảo vệ độc lập của Tổ quốc, thế hệ chiến sĩ Điện Biên ngày ấy luôn anh dũng, gan dạ đúng tinh thần “Dù bom đạn xương tan, thịt nát/Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh” để làm nên “Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam/Hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng”… (trích bài thơ Hoan hô chiến sĩ Điện Biên của Tố Hữu).

Nguyệt Hà

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/chinh-tri/202405/chuyen-cac-cuu-chien-binh-dien-bien-phu-2104ab4/