Chuyện cái ống kính máy ảnh ở Cannes: Có gì mà buồn!

Năm nay, LHP Cannes đã đi được nửa chặng đường, khán giả trong nước cũng quen với việc diễn viên Lý Nhã Kỳ mỗi lần dự LHP danh giá này đều váy áo lộng lẫy. Khán giả cũng không còn ngóng xem cô mặc gì nữa, người ta lại bận tâm hơn đến… ống kính máy ảnh.

Nếu ai quan tâm đến Cannes, sẽ thấy rằng mấy năm trở lại đây, ban tổ chức LHP này đang có sự ưu ái nhất định cho thị trường châu Á. Bằng chứng là họ dành nhiều lời khen cho các quốc gia châu Á có phim tham dự, họ mời nhiều nhân vật tên tuổi châu Á đến thảm đỏ hơn.

Năm 2018 này, ngoài việc diễn viên châu Á (dù có phim, hay không có phim) ùn ùn bước đi trên thảm đỏ danh vọng của Cannes, thì nhìn vào những ứng viên tranh giải Cành cọ vàng mới thấy: Màu sắc châu Á ở Cannes, quả là chuyện không đùa được.

Trong khi phim châu Á mọi năm chỉ xuất hiện vài ba cái tên, Cannes năm nay có đến 6 phim tranh tài, hầu hết đều từ các tác giả nổi bật, từng giành nhiều thành tích ở Cannes những năm trước. Nhật có hai đại diện là Hirokazu Kore-eda (phim Shoplifters) và Ryusuke Hamaguchi (phim Asako I & II).

Lý Nhã Kỳ và khoảnh khắc hút ống kính máy ảnh của truyền thông quốc tế. ẢNH TƯ LIỆU

Điện ảnh Iran có hai đại diện danh giá là Asghar Farhadi với phim tâm lý xã hội Everybody Knows (tranh giải và chiếu khai mạc) và Jafar Panahi với Three Faces. Riêng Jafar Panahi từng bị nhà chức trách Iran cấm làm phim trong nhiều năm, thậm chí từng bị bắt giam...

Đại diện Hàn quốc có Lee Chang-dong với tác phẩm Burning dựa trên tiểu thuyết của tác gia nổi tiếng Haruki Murakami. Tác phẩm đánh dấu sự trở lại của Lee sau 8 năm với Poetry. Nhà làm phim châu Á còn lại trong danh sách tranh tài là Giả Chương Kha với Ash Is Purest White cùng hai diễn viên thực lực là Zhao Tao (vợ Giả Chương Kha) và Liao Fan.

Nhưng Cannes không chỉ gói gọn hoạt động phòng chiếu, Cannes là bữa tiệc xa xỉ của nhiều nhà tài trợ và sự kiện thảm đỏ vốn không năm nào không có bất ngờ. Trường hợp Phạm Băng Băng váy áo lộng lẫy ở Cannes dù không năm nào có phim những năm qua vẫn được truyền thông chú ý đủ để thấy rằng: Vài phút “lượn” thảm đỏ, đồng nghĩa với việc có thể các diễn viên sẽ thu về “cả trời” danh tiếng, hoặc “tai tiếng” từ truyền thông.

Lý Nhã Kỳ, đại diện Việt Nam nhiều lần đến Cannes, với vốn kinh nghiệm lận lưng đầy mình đã khiến công chúng không bao giờ phải thất vọng. Dù nhan sắc trong nước lúc trồi lúc sụt, nhưng Lý Nhã Kỳ tại Cannes lại chuyên nghiệp, thần thái không thua gì sao quốc tế. Lý Nhã Kỳ đi Cannes theo diện doanh nhân, tìm cơ hội kinh doanh, nên khán giả dẫu có buồn nỗi buồn Việt Nam chẳng có phim tham dự mấy năm qua cũng vơi vơi nhanh, để còn mải ngắm váy áo và trang sức của cô Kỳ.

Tuy nhiên, nếu muốn nổi tiếng ở Cannes, ngoài những sao hàng đầu vốn được săn đón, những người đẹp vô danh, những tên tuổi vốn ít được biết mặt biết tên phải dựa vào gì? Có phải chỉ cứ váy áo lộng lẫy và một vài trò lố không?

Như năm nay, người ta phải đặt câu hỏi: Sao các Hoa hậu quý bà xứ Trung Quốc lại cứ thi nhau ngã, thi nhau hở ngực trên thảm đỏ Cannes như vậy? Hoặc người ta thấy choáng váng khi Vũ Ngọc Anh – một diễn viên hoạt động cũng không mấy tích cực trong nước của Việt Nam bỗng khoe mình đi Cannes nhưng quan trọng hơn là mặc váy của nhà mốt Elie Saab.

Nhắc đến Elie Saab thì giới mộ điệu thời trang thế giới ai mà không “choáng” khi họ có những chiếc váy tiền tỷ, đáng giá một gia tài và không phải ai – kể cả diễn viên giàu có cũng có thể mặc được.

Ấy vậy mà không phải váy áo lộng lẫy mới giúp một nhan sắc nổi bật tại sự kiện thảm đỏ, chính là những ống kính máy ảnh, từ các trang ảnh danh tiếng quốc tế, mới giúp một gương mặt nào đó có thể nổi bật tại Cannes được.

Lý Nhã Kỳ đi thảm đỏ Cannes, người hâm mộ chỉ chăm chăm nhìn xem, có ống kính PV ảnh quốc tế nào chĩa về phía cô hay không? Đấy, váy áo lộng lẫy mà không PV nào chụp, tất cả cũng bằng không. Thực tế là Lỹ Nhã Kỳ từng rất nhiều lần bị antifan chỉ trích vì váy áo lộng lẫy nhưng bị truyền thông quốc tế ngó lơ.

Nhưng nếu kỹ lưỡng mà nhìn, thì chuyện cái ống kính máy ảnh đó, chẳng có gì mà buồn cả. Thảm đỏ Cannes rất dài, mỗi diễn viên nghệ sĩ được vài phút đi trên thảm đỏ, các tay máy quốc tế đứng dài hai bên, chuyện phân tán sự quan tâm của ống kính là bình thường và họ cũng tác nghiệp theo quy định của ban tổ chức, chụp đủ rồi là thôi.

Đâu riêng Lý Nhã Kỳ, Phạm Băng Băng cũng có hàng trăm bức ảnh do ê kíp chụp mà phía sau là sự thờ ơ của nhiều tay máy quốc tế.

Nhưng bất ngờ là ở chỗ, khi Lý Nhã Kỳ diện áo dài, lần đầu tiên sau rất nhiều năm đi thảm đỏ Cannes cô mới chọn áo dài để quảng bá, thì ngay lập tức, hình của cô được Getty Images, dịch vụ cung cấp hình ảnh trực tuyến lớn nhất thế giới ghi lại.

Điều đó trái ngược hoàn toàn với Vũ Ngọc Anh bị bóc mẽ không phải mặc váy Elie Saab mà là một thương hiệu khác –Labourjoisie. Vì thế, chuyện váy áo lộng lẫy giờ đã trở nên không quan trong bằng ống kính máy ảnh.

Tuy nhiên, nếu không được máy ảnh từ truyền thông quốc tế ưu ái thì cũng chẳng có gì đáng buồn, bởi mỗi người đi Cannes với mục đích khác nhau. Đáng ra, chúng ta nên buồn vì hai bộ phim của Việt Nam tham dự LHP Cannes năm nay là Angel Face do diễn viên Lý Nhã Kỳ đầu tư, hợp tác sản xuất và Glorious Ashes (Tàn tro rực rỡ) của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên lại không được truyền thông gì mấy và còn ít được chú ý hơn cả một cái váy.

Nam Dương

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/chuyen-cai-ong-kinh-may-anh-o-cannes-co-gi-ma-buon-115442.html