Chuyện cảm động từ những người thầy đặc biệt của trẻ khuyết tật

Đang trong giờ học phải dừng lại dọn vệ sinh cho học sinh là chuyện bình thường trong lớp học mà cả thầy và trò đều là người khuyết tật.

Đang dạy học phải dừng lại dọn vệ sinh cho các em

Câu chuyện chia sẻ của thầy Nguyễn Thái Dương (Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh Đắk Lắk) tại Lễ tuyên dương 48 thầy cô tiêu biểu dạy học sinh khuyết tật tại Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” đã khiến nhiều người xúc động.

Thầy Dương tại Chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô". Ảnh PT

Thầy Dương tại Chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô". Ảnh PT

Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, sau cơn sốt bại liệt năm lên 2 tuổi, chân phải của thầy Dương không phát triển bình thường được nữa. Trải qua 4 năm chữa chạy, đến năm 6 tuổi, thầy Dương mới có thể đi lại được và đi học.

Học tiểu học rồi đến trung học cơ sở và trung học phổ thông là quãng thời gian thầy Dương luôn sống trong mặc cảm và những rào cản định kiến xã hội nhìn nhận chưa công bằng với những người khuyết tật. Thầy đã trải qua nhiều khó khăn trong thời gian xa nhà tự thân đi học.

Tốt nghiệp phổ thông, chọn học ngành kế toán nhưng hoàn cảnh gia đình quá khó khăn khiến thầy Dương đành bỏ dở. Năm 1998, thầy theo bác họ vào Tây Nguyên. Sẵn năng khiếu nghệ thuật, thầy thi vào trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Đắk Lắk. Ra trường, thầy xin về công tác tại Trường Hi Vọng nay là Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh Đắk Lắk.

Dạy nhạc cho các em học sinh khiếm thị, khiếm thính, Down, tự kỉ, thiểu năng trí tuệ..., thầy Dương mới thấy mình còn hạnh phúc hơn rất nhiều những mảnh đời khác. Phát huy sở trường, thầy đã lập được nhiều nhóm nhạc cho trẻ khiếm thị, tự kỷ.

Thầy Dương tâm sự: “Dạy những trẻ bị khuyết tật hay khiếm thính vẫn còn dễ dàng hơn nhiều. Với các em thiểu năng, down và tự kỉ, tôi chỉ biết tìm tòi trong âm nhạc, những bản nhạc giúp các em thư giãn, xoa dịu các em để cho các em không lên các cơn tăng động. Trong quá trình dạy học các em khiếm khuyết, có những khi học sinh gào thét đi vệ sinh trong tiết học một cách vô thức khiến tôi phải dừng cả buổi học để dọn vệ sinh cho các em”.

Để hiểu được những học trò câm lặng, thầy Dương còn phải tự học thêm về ngôn ngữ ký hiệu. Nhờ đó mà thầy trò lại gần, gắn bó hơn. Nhiều em tự tin tham gia các cuộc thi văn nghệ dành cho người khuyết tật và giành giải thưởng cao. Đã có 2 học trò của thầy Dương thi đậu vào Nhạc viện thành phố Hồ Chí Minh và trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật thành phố Hồ Chí Minh.

Không những vậy, thầy Dương còn thành lập nhóm nhạc cho các bạn trẻ khuyết tật rồi thỉnh thoảng đi diễn ở các xã, huyện để gây quỹ cho các câu lạc bộ khuyết tật vùng sâu, động viên những người cùng cảnh ngộ rằng “tàn nhưng không phế”. Trải qua nhiều vất vả, thầy vẫn luôn tự động viên rằng mình còn hạnh phúc hơn rất nhiều gia đình các em khuyết tật khi đang có một gia đình hạnh phúc cùng hai con nhỏ khỏe mạnh.

Dạy trẻ trong câm lặng

Hành trình để thực hiện ước mơ trở thành một nhà giáo của thầy Võ Duy Quang, SN 1988 tại huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng đong đầy mồ hôi và nước mắt bởi từ nhỏ đã không may bị khiếm thính.

Mơ ước ban đầu làm nhà thiết kế thời trang, nhưng sau khi đi học và thực tập sư phạm ở trường nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh Đồng Nai và trường khiếm thính Lâm Đồng, thầy đã bị thôi thúc để trở về ngôi trường mình từng học để dạy cho các trẻ em giống như mình.

Thấy Quang kể, trước đây, thầy được học theo phương pháp nói nhưng do điếc sâu, điều kiện học tập chưa đảm bảo nên tiếp thu chậm, thậm chí không hiểu bài. Khi được học theo phương pháp dạy học bằng ngôn ngữ ký hiệu, thầy đã nhận thức ra hai việc học rất khác biệt.

Khác với các thầy cô giảng dạy học sinh bằng giọng nói, sợi dây kết nối lớn nhất giữa thầy Quang và các em học sinh điếc/khiếm thính chính là sự đồng cảm. Từ chính bản thân mình, thầy thấu hiểu được suy nghĩ của những em học sinh để giảng dạy giúp các em tiếp thu tốt hơn, đặc biệt là phương pháp song ngữ bằng ngôn ngữ ký hiệu và tiếng Việt.

Thầy Quang trong một tiết dạy. ảnh CTG

“Trong quá trình dạy học, tôi thường dạy học sinh theo phương pháp song ngữ là ngôn ngữ ký hiệu và ngôn ngữ nói - viết (tiếng Việt). Vì ngữ pháp - cấu trúc của ngôn ngữ ký hiệu khác với tiếng Việt, dựa vào chương trình dạy tiếng Việt, tôi đọc một bài trước và trao đổi kinh nghiệm với các đồng nghiệp. Trước tiên là đọc bằng ngôn ngữ ký hiệu, trong đó nội dung bài được chuyển dịch từ tiếng Việt sang ngôn ngữ ký hiệu, giải nghĩa từ kết hợp các tranh ảnh, tóm tắt một ý chính, trả lời câu hỏi của bài giúp các em học sinh dễ hiểu hơn.

Tiếp đó, các em rèn luyện biểu đạt ký hiệu bằng đánh vần nói về các từ vựng đã giải thích để ghi nhớ lâu dài. Sau đó, khuyến khích các em viết từ trên bảng hoặc tập vở để giúp các em có vốn từ được mở rộng. Do đó, các em biết suy nghĩ và có nhiều cảm xúc trước khi viết một đoạn văn” – thầy Quang chia sẻ về cách dạy của mình.

Dù gặp nhiều khó khăn, trở ngại, thầy Quang vẫn không cho phép mình bỏ cuộc. Ngoài việc giảng dạy, thầy Quang còn rất quan tâm tới các hoạt động ngoài lên lớp. Với thầy, mỗi nhà giáo không chỉ có nhiệm vụ giảng dạy mà còn cần phải chăm lo cho học sinh về đời sống tinh thần. Cùng với nhà trường, thầy hướng dẫn các em học sinh đọc sách trong phòng thư viện, vẽ, tham gia hội thi thể thao..., qua đó giáo dục kỹ năng sống giúp học sinh.

Trăn trở của thầy Võ Duy Quang là hiện nay vẫn chưa có giáo trình chuyên biệt dành cho trẻ em khiếm thính. Ngoài bậc tiểu học, các em cũng không có các cấp học cao hơn để tiếp tục học tập, rèn luyện.

Phương Thuận

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giao-duc/chuyen-cam-dong-tu-nhung-nguoi-thay-dac-biet-cua-tre-khuyet-tat-20181119144623096.htm