Chuyện chép ở Sài Gòn

Người ta nói, cuộc sống hiện đại, tất bật, chạy theo vật chất dễ làm phai đi tình người, lòng tốt trong xã hội ngày càng trở nên hiếm có, khó tìm. Có thực sự là như thế, hay dù thời đại thế nào đi nữa, vẫn không khi nào vắng bóng những tấm lòng tốt, những cách sống đẹp?

Các bạn trẻ trong một hoạt động nhặt rác tại bãi biển.

Các bạn trẻ trong một hoạt động nhặt rác tại bãi biển.

Ấm lòng khi hoạn nạn

Khi chị Lê Thị Cúc, 52 tuổi, quê Tháp Chàm, Ninh Thuận vào Bệnh viện (BV) Ung bướu, TP.HCM để điều trị ung thư vú, chị lo ngay ngáy. Chuyện bệnh tật là chuyện đã rồi, phải chấp nhận. Nhưng cái lo là chuyện ăn ở nơi lạ nước lạ cái. Khoảng 10 ngày 1 lần chị lặn lội từ quê vô tái điều trị. Nhà nghèo, ai cũng là lao động chính nên chồng con không gác việc đi với chị được, chị phải lặn lội đi một mình. Vô tới nơi, khám xong chờ hôm sau để đốt khối u, chị lân la hỏi chung quanh thuê nhà giá làm sao, tiền ăn uống thế nào, vì chị còn “trường kì lắm”.

May mắn thay, người ta thấy chị lam lũ, bệnh tật nên hướng dẫn chị đăng kí chỗ ăn nghỉ miễn phí. Chiều hết giờ khám, một chiếc xe 24 chỗ chở chị và nhiều bệnh nhân khác từ BV Ung bướu về một căn nhà ba tầng khang trang, sạch sẽ ở cầu Bình Triệu, Thủ Đức. Tại đây, các chị được ăn uống đầy đủ, có cả sữa và thức ăn vặt, chỗ ngủ riêng, chăn màn sạch sẽ. Sáng sớm hôm sau xe khởi hành đưa chị và bệnh nhân đến “thả” ở những bệnh viện mà họ cần đến khám, chữa.

Từ đó, mỗi lần từ Ninh Thuận vào Sài Gòn chữa bệnh, chị Cúc không lo ngay ngáy chuyện ăn, ở nữa. “Tui ở quê vô, thấy nói Sài Gòn đông người nhiều cướp giật, lừa đảo, cái gì cũng mắc. Nhưng vô trị bịnh tại bịnh viện tui mới thấy trời ơi sao mà người tốt nhiều quá. Ngày mổ xong, nằm ngoài phòng bịnh không đi đâu được có mấy chị chăm người nhà giường bên đi ra ngoài lấy cơm từ thiện cho ăn, bữa nào cũng có cơm từ thiện từ nhiều người nấu đi phát cho bịnh nhân. Rồi cái nhà của ông Tony để bịnh nhân tụi tui có chỗ ăn, chỗ ngủ nữa. Đúng là cái phao giữa biển mà...”, chị Cúc xúc động chia sẻ.

Căn nhà mà chị Cúc được ở giờ đây cũng khá “có tiếng” ở Sài Gòn. Đó là nhà của anh Tony Hữu, một Việt kiều Pháp. Trước kia, căn nhà 3 tầng khang trang, ô tô vào tận nơi được, anh để kinh doanh spa, rồi cơ sở đào tạo nghề tóc, làm móng. Dần dà, gia đình cũng có người thân, bà con bị bệnh phải vào bệnh viện, thấy họ vất vả chuyện ăn ở quá, anh mới nảy ra ý lấy căn nhà này cho bệnh nhân nghèo ở xa đến lưu trú. Nhà ở miễn phí mà còn hơn rất nhiều căn nhà trọ, có nước nóng lạnh, có người nấu bếp, có máy giặt, tủ lạnh đàng hoàng, bệnh nhân vô ở cũng ấm lòng và yên tâm mà chữa bệnh...

Những ngày qua, người ta nghe nhiều đến chuyện gia đình ông Hiệp ở quận 9, TP.HCM hiến 2.500m2 đất và căn nhà 3 tầng trị giá hơn 100 tỉ đồng để làm cơ sở nuôi trẻ mồ côi. Từng là một người lính, khi bước ra kinh doanh, ông Hiệp với sự đồng lòng của vợ, con, vẫn luôn giữ cho mình một tấm lòng sống vì mọi người. Đó cũng là lý do thay vì dùng tiền lợi nhuận từ nhà xưởng để mua thêm đất đai, tăng quy mô sản xuất kinh doanh, họ lại lập nên mái ấm Thiên thần, nuôi hàng trăm trẻ mồ côi, bại liệt...

Ở Sài Gòn có một quỹ “không giống ai”, là Quỹ Học bổng Mô tô do nhà văn Nguyễn Đông Thức, nhà văn Đoàn Thạch Biền và một số đồng nghiệp, bạn bè sáng lập nên. Quỹ ra đời từ năm 2012, chủ yếu hướng đến việc hỗ trợ giáo dục cho các em học sinh, sinh viên. Quỹ thường xuyên tìm kiếm những trường hợp nghèo hiếu học, học giỏi để hỗ trợ. Không ít em nhỏ khắp mọi miền đất nước đã được hỗ trợ tiền mua sách vở, đóng học phí, mua xe, mua máy tính cho đi học.

Trong suốt 9 năm qua, cũng không ít em học sinh, sinh viên từ quỹ này là ra trường, thành giáo viên, kĩ sư, bác sĩ, cống hiến cho đời... Nguồn kinh phí của quỹ từ những mạnh thường quân khắp nơi đóng góp. Cứ thi thoảng, khi cần quyên góp cho một trường hợp đặc biệt nào đó, các nhà văn lại tổ chức “đấu giá” những món đồ có giá trị về vật chất hoặc tinh thần. Ủng hộ quỹ, có không ít những doanh nhân giấu mặt. Họ không nêu tên, không cần ai biết đến, nhưng sẵn sàng mua các món đồ với giá cao gấp chục lần bình thường, hoặc khi nghe một trường hợp cần tiền ăn học, họ hào sảng nhận cho máy tính, cho phương tiện đi học, nhận nuôi ăn học đến khi ra trường.

Căn nhà 3 tầng ở Bình Triệu mà anh Tony Hữu dùng cho bệnh nhân ở miễn phí.

Ai nói giới doanh nhân chỉ biết kiếm lợi, kiếm tiền? Những người như anh Tony Hữu, như ông Hiệp, như nhiều doanh nhân từ thiện âm thầm khác, thay vì có thể kiếm nhiều, nhiều tiền hơn nữa, như căn nhà của anh Tony cho thuê một tháng không dưới ngàn USD, như khu đất nhà ông Hiệp là tài sản mà đời người phải mơ ước... Nhưng ngoài việc làm giàu của cải, nhiều doanh nhân rất âm thầm lặng lẽ, bằng tiền làm ra, bằng nhiều hành động thiết thực đã “làm giàu” cho tâm hồn, cho trái tim mình và làm giàu thêm tình người cho cuộc sống này…

Biến cuộc đời mình thành khúc ca tươi đẹp

“Bỏ phố về rừng” là từ mà giờ đây nhiều bạn trẻ hay dùng đến. “Về rừng” ở đây không có ý nghĩa là xa lánh nơi đô thị về vùng sâu, vùng xa để sinh sống. “Về rừng” nói đến một cách sống đẹp, dấn thân của nhiều bạn trẻ. Thay vì hòa vào nhịp sống đô thị, kiếm tiền, phấn đấu có vị trí... nhiều bạn trẻ đã “xách ba lô đi xa” cho các hoạt động thiện nguyện.

Trần Thúy An, 27 tuổi là cô gái gốc Sài Gòn. Ba mẹ cô có công việc tại cơ quan nhà nước ổn định. Tưởng chừng tốt nghiệp xong Đại học Kinh tế, cô gái trẻ này sẽ cũng vào làm một chỗ yên ổn, lấy chồng sinh con. Nhưng ngay sau khi ra trường, cô gái trẻ xin được một học bổng đi học tại Malaysia. Làm việc một năm tại đây, Thúy An đăng kí tham gia hoạt động dạy học cho trẻ em nghèo ở những khu vực nghèo chung quanh đất nước này. Rồi từ đó, Thúy An chọn được cho mình con đường cô mong muốn. Hết dự án này cô lại tham gia dự án khác, cô từng đi dạy học cho trẻ em những miền núi, miền quê nghèo Thái Lan, Nepal, Ấn Độ...

Năm 2019, Thúy An quyết định trở về nước và cùng nhóm bạn mình quyết định chuyển lên Hà Giang lập một dự án nhỏ để giúp đỡ trẻ em nghèo. Giờ đây có không ít bạn trẻ như Thúy An. Có bạn tham gia các chương trình tình nguyện của tổ chức quốc tế, đi khắp thế giới để học hỏi điều hay, để rồi trở về giúp đỡ cho quê hương mình.

Có bạn sẵn sàng lên làng, lên bản, sống một đời sống bình an, tự tại và giúp đỡ cho bà con dân bản bằng những dự án cộng đồng nho nhỏ. Nhiều bạn trẻ khác không cần phải về rừng, ở ngay giữa phố mà tổ chức các hoạt động hỗ trợ trẻ em. Như Lê Minh Lan, cô sinh viên Đại học Quốc gia TP.HCM, sáng cuối tuần nào cũng ra công viên 30/4 để dạy học cho mấy em bán vé số. Ở Sài Gòn, không ít những dự án nho nhỏ về giáo dục trẻ thơ, ra đời bởi những người trẻ măng mà đầy nhiệt huyết, giỏi giang.

Các bạn trẻ tại công viên 30/4 Sài Gòn

Cũng không chỉ có giáo dục, một bộ phận các bạn trẻ ngày nay đã tìm được hướng đi cho mình, thoát ra khỏi những trò ăn chơi vô bổ, thần tượng vô ích để biến cuộc đời mình thành một khúc ca tươi đẹp. Đó là các bạn trẻ chủ nhân của những “dự án” - nói là dự án cho hoành tráng, kì thực là những công việc giản dị mà hữu ích - như tổ chức các khóa học làm nguyên liệu thay thế chất tẩy rửa bằng hóa chất, đi dọn rác, nhặt rác chung quanh khu vực mình ở hoặc khu công cộng, đi vẽ tranh, tô điểm cho những bức tường xấu xí của thành phố...

Sống đẹp không chỉ là một từ thiên về hành động thiện nguyện. Sống đẹp cũng không chỉ là một lối sống dành riêng cho người có tiền và dùng đồng tiền ấy làm xã hội tốt đẹp hơn. Đơn giản mà rộng lớn, sống đẹp có nghĩa là mỗi một con người, là doanh nhân hay sinh viên, là người trẻ hay cụ bà bán nước ven đường, miễn là sống một cách vui vẻ, lành mạnh, đem lại những giá trị hữu ích nào đó, dù nhỏ, dù lớn cho cộng đồng. Càng thêm nhiều người sống đẹp, sẽ giúp cuộc sống này thực sự tốt đẹp hơn biết bao nhiêu.

Ngọc Mai

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/su-kien-ban-luan/chuyen-chep-o-sai-gon-474862.html