Chuyện chỉ có ở Việt Nam: Thuận mua vừa bán xong… kiện!

Ở nước ngoài, khi khách hàng mua nhà phải có sự tham gia chứng kiến của rất nhiều bên, trong đó có cả luật sư. Vì thế, không có chuyện mua xong, ký xong thì kiện như ở Việt Nam. Thậm chí có trường hợp, khách hàng đã ký hợp đồng không muốn mua nhà nữa, đem chìa khóa đến trả chủ đầu tư cũng không nhận. Nhưng khách hàng không nộp tiền thì sẽ bị kiện ra tòa.

Chị Uyên, một người Việt Nam đang sinh sống ở Singapore cho biết, khi đi mua nhà ở Singapore của Ủy ban nhà ở và phát triển Singapore (HDB), người mua sẽ được giới thiệu mua căn hộ có bao nhiêu phòng đầu tiên chứ không phải căn hộ ấy bao nhiêu m2. Bao giờ những thông tin về các không gian chức năng trong căn hộ cũng được giới thiệu tỷ mỉ. Bởi, mua nhà để ở ở đây là mua không gian chức năng để tận hưởng.

Chị Uyên cho biết, chị và gia đình đã mua loại căn hộ phổ biến nhất ở Singapore là căn hộ bốn phòng, khoảng 90m2, với 3 phòng ngủ, một phòng khách, một kho chứa đồ, hai buồng tắm và một nhà bếp.

Chính việc bán căn hộ bao nhiêu phòng kiểu này nên rất hiếm khi xảy ra tranh chấp về phần sử dụng chung riêng của các hộ dân và phía bán nhà.

Ảnh minh họa

Còn ở tại Việt Nam, đến trước thời điểm Thông tư 03/2014 của Bộ Xây dựng quy định thống nhất một cách đo duy nhất diện tích các căn hộ là theo thông thủy có hiệu lực từ 8/4, pháp luật không hề có quy định nào cấm chủ đầu tư lựa chọn các cách tính diện tích khác nhau cho các hợp đồng.

Hợp đồng mua bán căn hộ giữa bên mua và bên bán được soạn thảo căn cứ vào thỏa thuận giữa hai bên. Tuy nhiên, khi vào ở hoặc khi bị thúc giục đóng tiền theo hợp đồng, đã có phát sinh khiếu kiện của những "thượng đế" và các chủ đầu tư.

Việc phát sinh này theo KTS Trần Huy Ánh chỉ riêng có ở những thị trường mọi người chỉ mua nhà để đầu cơ, để “lướt sóng” chứ không phải vì nhu cầu thực. Cũng bởi tính “ăn xổi” này mà khi "xuống tay" mua nhà, mua căn hộ trong dự án, các thượng đế đã không nghiên cứu kỹ về hợp đồng, các điều khoản trong hợp đồng mặc dù có thể tự tay các khách hàng đã ký vào bản thiết kế căn hộ.

KTS Trần Huy Ánh cho rằng, ở nước ngoài, khi khách hàng mua nhà phải có sự tham gia chứng kiến của rất nhiều bên, trong đó có cả luật sư. Vì thế, không có chuyện “mua xong, ký xong thì kiện như ở Việt Nam". Thậm chí có trường hợp, khách hàng đã ký hợp đồng không muốn mua nhà nữa, đem chìa khóa đến trả chủ đầu tư cũng không nhận. Nhưng khách hàng không nộp tiền thì sẽ bị kiện ra tòa.

Về vấn đề này, Giáo sư Đặng Hùng Võ Nguyên nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng từng nói, Nghị định 71 và Thông tư 16 đều là hướng dẫn cách tính diện tích căn hộ, chứ không phải là các quy định buộc phải tính như vậy. Điều quan trọng nhất để tính toán về diện tích, đơn giá hoặc giá trị là cam kết trong hợp đồng giữa chủ đầu tư và người mua nhà. Trường hợp hai bên đã cam kết đầy đủ trong hợp đồng thì hai bên sẽ thực hiện theo cam kết đó. Trường hợp hai bên có cam kết nhưng chưa đầy đủ để có thể tính toán diện tích, giá trị thì hai bên tiếp tục thương thảo để đi đến cam kết, căn cứ để cam kết có thể giữa vào các hướng dẫn của Nghị định 71 và thông tư 16. Nếu hai bên không tiếp tục cam kết được thì có thể giải quyết bằng tòa án theo quy định của pháp luật dân sự.

“Tình trạng hiện nay cũng cho thấy người mua nhà phải có trách nhiệm nhiều hơn với chữ ký của mình tại hợp đồng”, Giáo sư Đặng Hùng Võ nhấn mạnh!

Lam Nguyên

Nguồn VnMedia: http://www6.vnmedia.vn/vn/doi-thoai/van-de-hom-nay/426_2238880/chuyen_chi_co_o_vie_t_nam_thuan_mua_vua_ban_xong_kien.html