Chuyện chưa biết về Đoàn Cảnh sát cơ động Kỵ binh

Tháng 10/2019, khi Bộ Công an tổ chức lấy ý kiến về dự án Luật Cảnh sát cơ động (CSCĐ), chúng tôi rất muốn tìm hiểu về một điểm mới là sẽ thành lập lực lượng CSCĐ Kỵ binh.

Và ý tưởng tìm hiểu thông tin, viết bài về lực lượng này đã được ấp ủ từ đó. Cho đến những ngày cuối tháng 2 vừa qua, chúng tôi có dịp đến Đoàn CSCĐ Kỵ binh – đơn vị đã được Bộ trưởng Bộ Công an ký Quyết định về chức năng nhiệm vụ và đang tích cực chuẩn bị cho lễ ra mắt...

Đoàn CSCĐ Kỵ binh nằm trong khuôn viên có diện tích khoảng 4ha, bao gồm cả khu nhà điều hành, ăn ở, sinh hoạt của cán bộ chiến sỹ (CBCS), khu chuồng trại, bãi chăn thả, huấn luyện..., đây là nền tảng cơ sở vật chất cơ bản để đơn vị nuôi dưỡng, chăm sóc, huấn luyện đàn ngựa, phục vụ công tác và chiến đấu.

“Hiện chúng tôi có số lượng ngựa khá lớn, hầu hết là ngựa hoang, từ 2-4 tuổi. Trong số đó có 70 con được đưa vào huấn luyện, số còn lại là ngựa giống để sinh sản”, Đại tá Nguyễn Huy Hạnh, Trưởng Phòng Hướng dẫn, sử dụng động vật nghiệp vụ, Bộ Tư lệnh CSCĐ, kiêm Đoàn CSCĐ Kỵ binh chia sẻ.

Anh vốn là người gắn bó lâu năm với lực lượng quản lý, huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ. Do đó, khi hình thành nên Đoàn CSCĐ Kỵ binh thì cái tên Nguyễn Huy Hạnh được chọn đầu tiên, với mong muốn những kiến thức, kinh nghiệm trong huấn luyện, sử dụng chó nghiệp vụ sẽ được vận dụng, phát huy đối với loài ngựa.

Cán bộ, chiến sỹ Đoàn Cảnh sát cơ động Kỵ binh huấn luyện, thuần hóa ngựa.

Cán bộ, chiến sỹ Đoàn Cảnh sát cơ động Kỵ binh huấn luyện, thuần hóa ngựa.

Cùng với Đại tá Hạnh là một số cán bộ lãnh đạo chỉ huy từng công tác trong lực lượng huấn luyện chó nghiệp vụ, như Thượng tá Lê Sỹ Hà, Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn CSCĐ Bắc Trung Bộ; Thiếu tá Nguyễn Ngọc Hưng, Phó Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ; Trung tá Dương Phương Nam, Phó trưởng Phòng Hướng dẫn, sử dụng động vật nghiệp vụ và các chiến sỹ nghĩa vụ yêu thích động vật được lựa chọn tại nhiều đơn vị trực thuộc Bộ Tư lệnh CSCĐ.

Ban đầu ai nấy đều lo lắng vì đây là lĩnh vực mới, chưa có kỹ năng kinh nghiệm nuôi dưỡng, huấn luyện. Sau đó qua mày mò, tìm hiểu trên sách báo, internet, và học hỏi kinh nghiệm của các chuyên gia... thì đến nay đã có thể bắt nhịp được với công tác nuôi dưỡng, thuần hóa, huấn luyện ngựa.

Vượt qua những e ngại đầu tiên, một số CBCS dũng cảm đã không ngại khó khăn, xung phong leo lên lưng ngựa. Đã có những đồng chí bị ngựa hất tung, ngã xuống đất, hay bị ngựa chống đối, khuỵu xuống đè lên người... nhưng sự tiên phong của họ đã khuyến khích, động viên anh em khác dám thử và tiếp cận với công tác huấn luyện.

Binh nhất Phạm Trung Trường, 20 tuổi, quê Ninh Bình tự nguyện làm đơn xin được phục vụ tại Đoàn CSCĐ Kỵ binh bởi tình yêu với động vật, từ nhỏ đã giúp cha mẹ chăn trâu và mong muốn thử sức trong lĩnh vực mới.

“Lúc mới tiếp xúc mình run lắm, đứng cạnh thì sợ bị đá mà ngồi lên lưng thì sợ bị ngã. Thực tế nhiều con ngựa giãy nảy không cho mình ngồi lên, thậm chí cắn vào tay khi lắp dây cương. Mình nhẹ nhàng huýt sáo để dần làm quen, lấy thiện cảm, rồi vuốt ve, chải lông...”, chiến sỹ CSCĐ nhớ lại.

Bằng những mẹo riêng của mình, kết hợp với hướng dẫn của các chuyên gia, hiện anh là một trong những chiến sỹ khéo léo nhất trong công tác huấn luyện, thuần dưỡng ngựa suốt hai tháng qua.

Có tìm hiểu mới biết, thời gian biểu của những CBCS nơi đây kín mít suốt từ sáng đến tối, và luôn gắn liền với ngựa. Bắt đầu từ 5h sáng, họ đã thức dậy cho ngựa ăn, sau đó thể dục buổi sáng và dọn vệ sinh chuồng trại.

Công việc huấn luyện diễn ra từ 8h đến 10h30 thì nghỉ, cho ngựa ăn. Sau giờ ăn cơm và nghỉ trưa của cán bộ thì từ 14h đến 16h, ngựa tiếp tục được huấn luyện, kết thúc sẽ là tắm rửa và ăn bữa chiều.

Cán bộ chơi thể thao, vệ sinh cá nhân và ăn tối, đến 20h lại cho ngựa ăn đêm rồi mới được nghỉ ngơi. Ngày hôm sau mọi thứ lại lặp lại như vậy, nghĩa là CBCS ở đây làm việc không kể giờ giấc.

Điểm đặc biệt khác là 51 cán bộ huấn luyện, thuần dưỡng ngựa đều là chiến sỹ nghĩa vụ, họ có sự đam mê, tự nguyện và được xét tuyển nghiêm ngặt. Mới đầu đúng là dễ nản lòng, bởi cơ sở vật chất dù rằng có rồi nhưng nhiều chỗ bỏ không một thời gian, anh em phải bắt tay vào dọn dẹp, sửa sang, lao động cật lực thì mới có được như ngày hôm nay.

Là lãnh đạo chỉ huy, Đại tá Nguyễn Huy Hạnh luôn đặt trách nhiệm lên hàng đầu, từ đó động viên CBCS vừa thực hiện tốt nhiệm vụ vừa thoải mái tư tưởng, để có thể tiếp cận được với nghề mà không cảm thấy chán nản, từ đó hoàn thành tốt trách nhiệm được giao. Đến bây giờ anh tự tin rằng, CBCS của mình nhiều người đã làm quen, bắt nhịp được với công việc và yêu thích nhiệm vụ này.

Được biết, Đoàn CSCĐ Kỵ binh trong tương lai sẽ phục vụ vào các hoạt động diễu binh diễu hành, tuần tra kiểm soát, thực hiện nhiệm vụ giải tán đám đông, truy bắt tội phạm mà các phương tiện khác không thể đi tới được, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, khu vực miền núi, đòi hỏi việc băng rừng, đi công tác nhiều ngày...

“Ngồi trên lưng ngựa tầm quan sát của anh em rộng lớn hơn, nhiều vị trí đi bộ khó khăn nhưng ngựa lại đến được; ngoài ra có thể phục vụ tốt công tác vận chuyển lương thực, trang bị vũ khí, đấu tranh phòng chống tội phạm...”, Thượng tá Lê Sỹ Hà chia sẻ.

Cán bộ chiến sỹ Đoàn Cảnh sát cơ động Kỵ binh huấn luyện, thuần hóa ngựa.

Theo lãnh đạo Đoàn CSCĐ Kỵ binh, đối với ngựa cũng như với chó, cần phải kiên trì huấn luyện để thành thục, tạo ra những phản xạ có điều kiện. Các anh bắt đầu nhận ngựa từ ngày 4-1-2020, đến nay đã gần 2 tháng và công tác huấn luyện cơ bản đạt được mục đích, một số chú ngựa đã được thuần dưỡng để cán bộ có thể cưỡi trên lưng, điều khiển cách đi, đứng, dừng hay di chuyển phải, trái...

Nếu so sánh với chó thì nghề huấn luyện ngựa vất vả hơn nhiều. Ngựa ăn đến 5 bữa, mỗi con nặng từ 300-400kg, trong khi lượng thức ăn hằng ngày chiếm 10% trọng lượng cơ thể nên chất thải cũng rất lớn. “Nếu CBCS không tâm huyết thì rất khó trụ vững được với nghề”- Trưởng Phòng Hướng dẫn, sử dụng động vật nghiệp vụ nhận định.

Có một điều thú vị là CBCS ở đây “đóng rất nhiều vai”, vừa huấn luyện, chăn nuôi ngựa, vừa lau dọn chuồng trại, vừa là “anh nuôi” luân phiên nhau nấu cơm. Tuy nhiên dù làm công việc gì thì họ cũng phải đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính là huấn luyện, thuần dưỡng ngựa...

Với đội ngũ lãnh đạo nhiều đồng chí xuất phát từ Trung tâm Huấn luyện, sử dụng chó nghiệp vụ, có niềm đam mê cháy bỏng đối với động vật nghiệp vụ, nay ở Đoàn CSCĐ Kỵ binh, các anh lại tiếp tục thắp lửa đam mê trong lòng những chiến sỹ nghĩa vụ vừa được thử sức một nhiệm vụ hoàn toàn mới – huấn luyện, thuần phục ngựa hoang. Hình ảnh những chiến sỹ đem sức trẻ, nhiệt huyết nắm chắc dây cương điều khiển ngựa trên đồi Bá Vân lộng gió cuốn hút chúng tôi mãi không rời...

Quỳnh Vinh – Xuân Trường

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/hoat-dong-ll-cand/chuyen-chua-biet-ve-doan-canh-sat-co-dong-ky-binh-584193/