Chuyện chưa kể về Đại đội Độc lập cánh bắc Hòa Vang (Kỳ 1: Những chiến công ít được nhắc đến)

Hiệp định Paris được ký kết là sự kiện lịch sử quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, mở ra một giai đoạn mới, tạo điều kiện thuận lợi để quân và dân ta thực hiện mục tiêu "đánh cho ngụy nhào". Đây cũng là tiền đề để ta tiến đến giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước mùa xuân 1975. Sau khi Hiệp định Paris chính thức có hiệu lực, do địch "phản kèo", tại cánh bắc Hòa Vang thuộc Mặt trận Quảng Đà đã diễn ra hai trận chiến đấu oanh liệt giữa CBCS Đại đội Độc lập cánh Bắc Hòa Vang (ĐĐĐLCBHV) với lính Sư đoàn 3 ngụy, 1 đại đội Bảo an và 1 Trung đội nghĩa quân ngụy để cắm cờ Mặt trận, giành dân, giành đất, nhưng ít được nhắc đến...

CBCS ĐĐĐLCBHV về thăm lại chiến trường xưa ở Gò Khu Ốc.

CBCS ĐĐĐLCBHV về thăm lại chiến trường xưa ở Gò Khu Ốc.

Trận chiến cắm cờ sau giờ G

Đã 47 năm trôi qua nhưng ông Phạm Hữu Lưu (67 tuổi) - Phó Ban Liên lạc ĐĐĐLCBHV vẫn nhớ như in trận chiến đấu lịch sử năm nào. Ông Lưu cho hay, hay tin Hiệp định Paris được ký kết, Khu Đội 1 (cuối năm 1967, H. Hòa Vang chia làm 3 khu: Khu 1 cánh Bắc Hòa Vang, Khu 2 và Khu 3 - P.V) đã chỉ đạo cho ĐĐĐLCBHV có nhiệm vụ đánh vào thôn Hưởng Phước, Đồng Cấu, Gò ông Tự thuộc địa phận xã Hòa Lạc (nay gồm Hòa Liên và Hòa Bắc) chốt giữ và cắm cờ Mặt trận khi Hiệp định có hiệu lực.

"Vào thời điểm đó, đồng chí (đ/c) Trương Văn Tranh - Đại Đội trưởng đi dự Đại hội chiến sĩ thi đua của Mặt trận nên không có ở nhà. Đ/c Hồ Công Cừ - Đại đội phó được giao quyền Đại đội trưởng. 14 giờ ngày 27-1, từ hậu cứ cánh Nam bến Hẹn Hòa Lạc, đơn vị chúng tôi hành quân chia làm 2 mũi: 1 mũi vào thôn Hưởng Phước do đ/c Hồ Văn Phúc - Đại đội phó chỉ huy, 1 mũi vào Đồng Cấu, Gò Ông Tự do đ/c Cừ chỉ huy. Theo cơ sở cho biết, tại thôn Hưởng Phước chỉ có một trung đội nghĩa quân địch đứng cắm. Tuy nhiên, khi chúng tôi xuống thì Sư đoàn 3 của ngụy đã đổ quân ở đó rồi. Hai bên đánh nhau quyết liệt! Do không chiếm được 2 địa điểm trên nên rạng sáng 28-1-1973, hai mũi rút về tập kết tại nhà cơ sở ở thôn Đồng Cấu để giữ chốt. 7 giờ sáng 28-1-1973, đúng thời khắc Hiệp định Paris có hiệu lực, chúng tôi cắm cờ Mặt trận dân tộc giải phóng tại thôn Đồng Cấu. Tưởng địch sẽ thực hiện đúng cam kết ngừng bắn theo Hiệp định; nào ngờ, thấy cờ của ta cắm tại Đồng Cấu, chúng liền huy động pháo từ Đồn Quan Nam, Thanh Vinh và đặt trung liên ở Gò Ông Tự bắn xuống. Sau một ngày quần với địch, Đại đội chúng tôi đẩy lùi nhiều đợt tiến công, tiêu diệt được nhiều tên địch và giữ được Đồng Cấu đến 19 giờ mới rút quân lên lại căn cứ. Trong trận đó, 7 đồng đội của chúng tôi đã anh dũng hy sinh, trong đó có Đại đội phó Hồ Văn Phúc", ông Lưu nghẹn ngào nhớ lại.

Ông Trương Văn Tranh chỉ ngón tay trỏ bị cắt đứt trong trận chiến Gò Khu Ốc năm xưa. Ảnh: P.T

Quyết giữ Gò Khu Ốc

Nhớ lại trận chiến đấu lịch sử ở Gò Khu Ốc, Đại đội trưởng Trương Văn Tranh (80 tuổi) - Trưởng Ban liên lạc ĐĐĐLCBHV không khỏi tự hào. Ông cho hay, khi biết tin Hiệp định Paris được ký kết, Mặt trận quyết định dừng tổ chức Đại hội Chiến sĩ thi đua ở Đại Lộc. Tất cả trở về đơn vị để nhận nhiệm vụ mới. Về đến căn cứ Hòn Quắp, ông mới biết anh em thương vong nhiều. Trong khi đó, Đại đội ông tiếp tục nhận lệnh Khu Đội 1 tổ chức ngay lực lượng xuống Gò Khu Ốc cắm cờ chốt giữ để giành dân, giành đất.

"Sau khi soát xét lại lực lượng, chỉ còn 3 đồng chí nam, 3 đồng chí nữ gồm: Nguyễn Văn Vệ, Lê Phước Tiến, Phạm Hữu Lưu, Nguyễn Thị Hai, Trần Thị Lụa và Võ Thị Cam và tôi là có thể chiến đấu. Số còn lại cần được dưỡng thương. Ngoài đại đội chúng tôi, Khu Đội 1 còn phân công Đại đội 2 cắm cờ giữ đất ở Gò Đồn. Tối 29-1, khi xuống đến nơi, chúng tôi liền cắm cờ, đào công sự và giữ chốt. Lúc đó, tôi không biết chuyện sau khi cắm cờ, Đại đội 2 rút quân lên cứ. Vì thế tôi nhận định, địch sẽ đánh hướng Gò Đồn trước rồi mới chuyển sang hướng Gò Ông Tự. Vì thế, tôi bố trí cho 3 đ/c nữ ở vị trí mà tôi nhận định là thứ yếu. Tôi đào công sự ở vị trí giữa để chỉ huy cách nơi cắm cờ tầm 20 mét. Còn 3 đ/c nam thì được bố trí theo hướng Đồn Quan Nam, phía trên cao. 7 giờ sáng 30-1-1973, khi thấy lá cờ Mặt trận của ta cắm lên ở Gò Khu Ốc và Gò Đồn, Sư đoàn 3 cho một trung đội bắn lên ở vị trí Đại đội 2 nhưng không nghe Đại đội 2 nổ súng đáp trả. Sau khi hạ cờ của ta tại Gò Đồn, chúng tổ chức tấn công lên Gò Khu Ốc. Vị trí tôi cùng 3 đ/c nữ đang cắm chốt trở thành tâm điểm của đợt tấn công đầu tiên của chúng. Trong đợt tấn công này, tôi bị thương ở ngón tay trỏ trái do trúng miểng pháo cối của địch, về cứ buộc phải cắt bỏ. Còn đ/c Nguyễn Thị Hai - Trung đội trưởng nữ thì bị thương ở đùi", ông Tranh nhớ lại.

Là những nhân chứng sống, khi được hỏi về trận chiến này, ông Lưu, bà Trần Thị Lụa và bà Võ Thị Cam vô cùng tự hào, cho biết đến tận giờ họ cũng không hiểu được vì sao chỉ với 7 người lại có thể đánh bật lính sư đoàn 3 cùng 1 đại đội bảo an, một trung đội nghĩa quân với vũ khí tối tân, hiện đại gấp nhiều lần. "Hồi đó, Gò Khu Ốc là đồi trọc, đất cứng lắm, mỗi người đào công sự cho mình chỉ đủ để cúi đầu xuống thôi. Đứng trong công sự, chúng tôi nghe rõ mồn một lời bọn chúng trao đổi với nhau. 3 anh em nam chúng tôi ở vị trí trên cao nhất nên quan sát địch rất rõ. Cứ mỗi lần địch tấn công lên chúng tôi lại báo cho các đ/c nữ phía dưới biết", ông Lưu kể.

Bà Lụa, bà Cam cho biết thêm, trước khi lên đường làm nhiệm vụ, cả 7 người đều xác định nằm tại chỗ đánh đến cùng, nếu thất thủ thì rút chốt lựu đạn "một mất, một còn". Vì thế, sau khi đào công sự cá nhân xong, mỗi cô xếp 15 quả lựu đạn trên miệng công sự trong tư thế sẵn sàng hy sinh nếu thất thủ. Trong cuộc chiến đấu này, Đại đội trưởng Trương Văn Tranh mang 1 cây B41, 4 viên đạn (loại bắn xe tăng), 1 cây AK 300 viên đạn và 15 quả lựu đạn chày do ta tự sản xuất. 3 đ/c nam còn lại thì được trang bị cây B40 và khẩu AK, còn 3 đ/c nữ chỉ có AK và 15 quả lựu đạn. Khó có thể hình dung, với ngần đó vũ khí, từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều, 7 CBCS ĐĐĐLCBHV đã đẩy lùi liên tiếp 7 đợt tiến công của địch với lính Sư đoàn 3, 2 xe kéo pháo, ĐKZ, cối 81 (đặt ở thôn Đồng Cấu), 1 đại đội bảo an và 1 trung đội nghĩa quân.

"Đến trưa, thấy chúng tôi vẫn tiếp tục đáp trả, địch chạy qua đồi bên kia, chửi đổng: Bọn chúng không ăn cơm trưa hay sao mà cứ bắn đáp trả miết!". Đến 5 giờ chiều, chúng cấp tập pháo, ĐKZ, dùng xe chở 1 trung đội cùng cây cối 81 chở xuống đường 14 bắn cối vào sườn đồi nơi chúng tôi đang cố giữ nhưng vẫn không hạ được cờ của ta. Sau nửa giờ đồng hồ, chúng ngừng bắn. Tôi hỏi vọng lên chỗ 3 đ/c nam đang cắm chốt: "Có thấy mấy đứa nữ thò lên không?" thì nghe đáp "không thấy". Tôi ra lệnh cho 3 đ/c ấy, nếu địch tiến lên chỗ 3 đ/c nữ đang chốt mà không nghe tiếng súng nổ đáp trả thì trên đó chỉ được dùng AK bắn từng phát một, không được bắn la-phanh mà hết đạn. Về phần mình, tôi rút nụ xòe lựu đạn, xác định khi địch tiến đến thì "một mất, một còn" với chúng. Không ngờ, sau khi dừng 10 phút, chúng không tiến lên mà dùng ĐKZ bắn đại liên lên. Vừa lúc đó, tôi nghe 2 đ/c nữ quất hai loạt AK và mấy quả lựu đạn. Địch chạy tản ra rồi hò nhau: "Thôi, về!". Cả ngày quằn với địch không kịp ăn cơm nắm mang theo, lại trúng hơi cay của địch nên 7 chúng tôi bị ngất trong công sự. Đến 6 giờ tối, anh em trên căn cứ hòn Quắp xuống tìm. Nghe tiếng đồng đội gọi, chúng tôi tỉnh dậy, mới biết mình đã chiến thắng và sống sót" - cả 4 người cùng bồi hồi nhớ lại.

(còn nữa)

Ghi chép: PHAN THỦY

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/65_222390_chuyen-chua-ke-ve-dai-doi-doc-lap-canh-bac-hoa-van.aspx