Chuyện chưa kể về Đại đội Độc lập cánh bắc Hòa Vang (Kỳ cuối: Thế trận lòng dân)

Cuối tháng 3-1975, dưới sự chỉ đạo của Khu Đội 1, CBCS Đại đội Độc lập cánh bắc Hòa Vang (ĐĐĐLCBHV) phối hợp cùng lực lượng du kích các xã đột nhập vào Phái Nhì, Hòa Liên, Xuân Thiều, thị trấn Nam Ô giương cờ Mặt trận, vận động quần chúng nổi dậy và giải phóng các thôn xã. Đây cũng là đơn vị được giao trọng trách chiếm giữ khu vực Hòa Khánh, sân bay Xuân Thiều, cầu Nam Ô để chuẩn bị đón các đơn vị chủ lực của ta từ Huế tiến vào, giải phóng Đà Nẵng ngày 29-3.

10 năm từ khi thành lập đến ngày Đà Nẵng giải phóng (1965-1975), CBCS ĐĐĐLCBHV đã chiến đấu gần 300 trận lớn nhỏ, tiêu diệt trên 300 lính Mỹ và chư hầu, hàng ngàn tên ngụy. Cùng với lực lượng du kích các xã, ĐĐĐLCBHV đã tiêu diệt 10 tên tề điệp ác ôn, phá hủy 3 ấp chiến lược ở Hòa Liên, Kim Liên, Xuân Thiều (Hòa Hiệp), 11 chiếc máy bay, 65 xe quân sự, đánh nhào 23 đoàn tàu hỏa quân sự, đánh sập nhiều cầu cống trên đèo Hải Vân... 10 lượt tập thể, tiểu, trung, đại đội và cá nhân đã được tặng thưởng Huân chương Chiến công các hạng, nhiều cá nhân được phong tặng danh hiệu diệt Mỹ, diệt xe tăng cùng nhiều Bằng khen, Giấy khen... Đã có 204 đồng chí của đại đội đã anh dũng hy sinh. Hiện tại còn 185 người còn sống gồm 130 nam và 55 nữ.

Thoát chết nhờ... con vịt!

Sau 4 năm gắn bó với ĐĐĐLCBHV với tư cách là Chính trị viên rồi là Đại đội trưởng, tháng 4-1974, ông Trương Văn Tranh được điều về làm Trưởng Ban tác chiến Huyện Đội Hòa Vang, sau đó về Trường Quân sự Quảng Nam - Đà Nẵng. Ông Phạm Hữu Lưu, bà Võ Thị Cam, bà Trần Thị Lụa tiếp tục gắn bó với Đại đội đến ngày Đà Nẵng giải phóng và khi đơn vị giải tán năm 1977.

Hồi nhớ những ngày cuối cùng trước khi toàn quân và dân ta bước vào chiến dịch Hồ Chí Minh, ông Phạm Hữu Lưu xúc động kể tôi nghe một kỷ niệm không thể quên. "Cuối năm 1973, địch tổ chức "hàn ranh" không cho bộ đội địa phương từ căn cứ xuống đồng bằng lấy lương thực. Vào một đêm sáng trăng, tôi cùng 9 đồng chí ở Đại đội xuống Hòa Liên, Hòa Hiệp lấy lương thực. Thường khi đi sẽ có một tổ bám địch và một tổ gùi lương thực. Tổ gùi lương thực không mang theo súng. Tổ bám địch đi trước. Khi đến đường 14 đoạn qua Đồng Cấu, một trung đội nghĩa quân của địch đã nằm phục ở đó rồi.

Để "không bứt dây động rừng", bọn chúng để cho tổ bám địch đi qua, chờ tổ gùi lương thực đi lên mới nổ súng với mục đích chặt đứt đường dây gùi lương thực lên cứ của ta. Đang đi, con vịt do đồng chí Lời gùi bị tụt dây. Cổ ngồi xuống rồi gọi khẽ: "Anh Lưu ơi, buộc lại giúp em con vịt với!". Tôi liền ngồi xuống cột giúp. Đ/c Tiến (Tiểu đội trưởng) cùng Thiên và 2 đồng chí nam đi sau vượt lên và bị địch phục bắn. Đ/c Tiến, đ/c Thiên hy sinh...". Kể đến đây, ông Lưu im lặng rồi nghẹn ngào nói: "Mỗi lần gặp nhau, tôi vẫn nói với anh em, đúng ra là tôi chứ không phải anh Tiến, Thiên. Nhờ con vịt của đ/c chí Lời, tôi thoát chết. Trong chiến tranh, sự sống và cái chết trong gang tấc".

Đại diện Ban liên lạc ĐĐĐLCBHV đến thăm nhà cơ sở, trong trận đánh cắm cờ giành đất, giành dân ngày 28-1.

Đại diện Ban liên lạc ĐĐĐLCBHV đến thăm nhà cơ sở, trong trận đánh cắm cờ giành đất, giành dân ngày 28-1.

Tiến về Đà Nẵng

Theo ông Lưu, vào những ngày cuối tháng 3 lịch sử năm 1975, vùng ven Đà Nẵng sục sôi không khí vùng lên giải phóng. "Đêm 25 rạng sáng 26-3-1975, Khu đội 1 lệnh cho Đại đội chúng tôi và lực lượng du kích các xã khẩn trương đột nhập vào Phái Nhì (Hòa Liên), Kim Liên, Xuân Thiều, thị trấn Nam Ô. Tôi còn nhớ, lúc đó tầm 8 giờ sáng 27-3-1975, Đại đội chúng tôi đã giương cao cờ Mặt trận tiến vào Trung Sơn, Xuân Thiều, Nam Ô vận động quần chúng nổi dậy. Rồi cùng nhân dân xã Hòa Hiệp kết hợp tiến công, nổi dậy giải phóng các thôn xã tại đây. Khi đánh chiếm vào HĐND xã Hòa Hiệp, 3 đồng chí ở Đại đội tôi cùng du kích xã cải trang thành lính ngụy tiến vào đánh. Chúng không kịp kháng cự, bỏ chạy", ông Lưu kể lại.

Sau khi đánh chiếm được Hòa Hiệp, đơn vị ông phát triển xuống Hòa Khánh, Hòa Minh, Sở Chỉ huy Sư đoàn 3 của ngụy ở Đà Nẵng, chiếm liên đoàn 11 biệt động ngụy quân đóng tại Hòa Phú (Hòa Minh). Lúc này, hầu hết địch ở Sư đoàn 3 đã bỏ chạy, chỉ còn một số lính của Sư đoàn này nằm ở đồn Ba Diên. Tuy nhiên, sau đó chúng cũng cởi bỏ áo lính để chạy thoát thân. Ngày 28-3-1975, khi đơn vị ông phát triển xuống ngã ba Huế thì nhận được lệnh của Khu Đội 1 quay về chiếm giữ khu vực Hòa Khánh, sân bay Xuân Thiều và cầu Nam Ô để chuẩn bị đón các đơn vị chủ lực của ta từ Huế qua đèo Hải Vân tiến vào Đà Nẵng.

Nghe ông kể, tôi chợt nhớ đến tư liệu lịch sử từng đọc được rằng, sau khi thị xã Tam Kỳ được giải phóng vào ngày 24-3, tại Đà Nẵng, địch vô cùng hoảng hốt, bởi mất Tam Kỳ - tuyến phòng ngự phía Nam Đà Nẵng đã bị phá vỡ. Đến ngày 26-3-1975, khi Quân Đoàn 2 của ta tràn vào giải phóng TP Huế, thời cơ giải phóng Đà Nẵng đã nằm trong tầm tay. Từ Bộ Tổng tư lệnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp điện cho Tư lệnh chiến dịch Lê Trọng Tấn và Chính ủy chiến dịch giải phóng Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng Chu Huy Mân rằng: "Địch ở Đà Nẵng đã rối loạn, cảnh sát thôi làm việc. Dân chúng hoang mang. Chúng đã ra lệnh cho rút trung đoàn ở núi Quế và phá công sự. Cần nhanh chóng tiến đánh Đà Nẵng. Nếu có hiện tượng địch rút thì phải lập tức đánh tràn tới. Nếu chúng co cụm và cố thủ thì bao vây thật chặt, đánh ghìm chân không cho rút. Đồng thời tập trung lực lượng theo hướng đường 14 và đường 1, tiêu diệt địch, chiếm khu vực Tây và Tây Bắc TP, thọc sâu cầu Trịnh Minh Thế (nay là cầu Nguyễn Văn Trỗi) chặn đường rút của địch qua bán đảo Sơn Trà". Ký tên: Văn". Ngày 28-3-1975, Ngô Quang Trưởng - Tư lệnh Quân đoàn 1 của ngụy đã bỏ chạy ra Hạm đội 7, lính lác tháo bỏ súng ống, quần áo lính chạy thoát thân.

Sáng 29-3-1975, các mũi chủ lực từ các hướng tiến vào Đà Nẵng - khu căn cứ quân sự liên hợp: hải, lục, không quân lớn nhất của chính quyền Mỹ ngụy tại miền Trung bị đập tan. Trưa 29-3-1975, lá cờ giải phóng của ta tung bay trên nóc tòa nhà thị chính TP, kết thúc 21 năm trường kỳ kháng chiến chống Mỹ; chấm dứt hơn 1 thế kỷ kháng chiến chống thực dân Pháp và Đế Quốc Mỹ xâm lược, giành độc lập dân tộc.

Kể về những năm tháng hào hùng ấy, ông Lưu, bà Cam, bà Lụa luôn nhắc đến các cơ sở cách mạng nằm trong lòng địch đã cưu mang, đùm bọc mình, nhất là nhân dân Hòa Liên, Kim Liên, Xuân Thiều (Hòa Hiệp). "Nhân dân mình tốt lắm! Không có nhân dân, cách mạng mình khó đi đến thành công", ông Lưu, bà Cam, bà Lụa xúc động bộc bạch.

Cơ sở ở Hòa Liên xúc động khi được gặp lại CBCS ĐĐĐLCBHV. Ảnh: P.T

Nghĩa tình đồng đội

Dẫn tôi đi thăm lại Gò Khu Ốc, nơi cách đây 47 năm trong 10 tiếng đồng hồ, 7 CBCS của Đại đội đã chiến đấu ngoan cường đánh bật 7 đợt tiến công của lực lượng sư đoàn 3 ngụy quân, ông Tranh, ông Lưu, bà Cam, bà Lụa không khỏi bồi hồi khi thấy khu đồi trọc ngày xưa giờ xanh rì bóng cây. Đứng trên mô đất cao nhất của Gò Khu Ốc, bất giác bà Cam quay sang hỏi bà Lụa mà như hỏi chính mình: "Sao hồi đó mình gan rứa chị hè? Hồi đó, mình gầy nhom mà đánh giặc thì lì phải biết, chẳng hề sợ chết". Chồng bà Cam đi cùng (cũng là bộ đội, nhưng ở đơn vị khác) liền lên tiếng: "Hồi đó chúng mình đi chiến đấu vì lý tưởng chung là giành độc lập dân tộc...".

Đọc cuốn kỷ yếu do ông Phạm Hữu Lưu chấp bút, tôi vô cùng xúc động về nghĩa tình đồng đội của Ban liên lạc ĐĐĐLCBHV. Kể từ năm 2008 đến nay, Ban liên lạc thường xuyên tổ chức gặp mặt, tổ chức thăm hỏi các đồng đội ốm đau, viếng, phúng điếu cha mẹ, vợ chồng và đồng đội qua đời vì bệnh tật, tuổi già. Đặc biệt đại diện Ban liên lạc đã đi xin kinh phí để tổ chức nhiều đợt đi tìm kiếm, bốc hốt hài cốt liệt sĩ ở Hòn Quắp, Khe Răm, Nam Yên, Khe Trí, Khe Dâu, Đồng Tròn..., đưa về an táng tại NTLS Hòa Hiệp, Hòa Liên và quê hương của những liệt sĩ rõ danh tánh. Họ tâm niệm "còn sức ngày nào thì làm, để vong linh đồng đội, đồng chí được trở về an nghỉ trên mảnh đất quê hương".

Chiến công hiển hách là vậy nhưng mãi đến năm 2014, đơn vị này mới được phong tặng danh hiệu AHLLVT. Lý giải điều này, ông Tranh, ông Lưu cho biết có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân năm 1977 đơn vị giải tán, mỗi người một nơi. Mãi đến khi thành lập Ban liên lạc mới có điều kiện gặp nhau bàn bạc đến vấn đề này. "Chúng tôi tự nhủ cố gắng hết sức mình. Được công nhận thì tốt, không được thì mình cũng hoàn thành nhiệm vụ với các liệt sĩ", ông Tranh, ông Lưu cười xòa khi nhớ về chặng đường vất vả làm hồ sơ để đơn vị được công nhận anh hùng.

Ghi chép:Phan Thủy

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/65_222456_chuyen-chua-ke-ve-dai-doi-doc-lap-canh-bac-hoa-van.aspx