Chuyện chưa kể về điều dưỡng tiêm chủng

Trong phòng tiêm, bé gái đang vui đùa với bố, điều dưỡng Thúy Vân đưa mũi vaccine vào vị trí bắp đùi nhẹ nhàng đến mức em còn chưa kịp cảm thấy đau.

"Cô Vân xin lỗi con nha. Cô Vân làm con đau rồi", Trần Thúy Vân, Điều dưỡng viên của VNVC Hoàng Văn Thụ, TP HCM nói, rồi đưa tay xoa xoa đùi sau khi hoàn tất mũi tiêm cho bé.

Hóa giải nỗi sợ kim tiêm

Mỗi ngày, Vân cũng như hàng ngàn điều dưỡng khác ở VNVC phải hóa thân trong nhiều vai trò, đối mặt với áp lực, rủi ro và cảm xúc khác nhau để thực hiện công việc của một người tiêm chủng.

"Ở đây không có tiếng máy thở, chỉ có tiếng khóc, tiếng cười của trẻ, khuôn mặt cau mày của người lớn khi sợ kim tiêm đâm vào", cô điều dưỡng 29 tuổi, gốc miền Tây nở nụ cười, nói.

Điều dưỡng Trần Thúy Vân đang dỗ dành bé gái trước khi tiêm tại VNVC Hoàng Văn Thụ, quận Phú Nhuận, hôm 9/5. Ảnh: Minh Tâm.

Điều dưỡng Trần Thúy Vân đang dỗ dành bé gái trước khi tiêm tại VNVC Hoàng Văn Thụ, quận Phú Nhuận, hôm 9/5. Ảnh: Minh Tâm.

Năm 2012, Vân theo học Trung cấp điều dưỡng tại quê nhà Hậu Giang và ra trường thực tập ở bệnh viện tỉnh một năm. Sau đó, gia đình gặp biến cố, Vân tạm dừng công việc này và lên Bình Dương làm công nhân.

Một ngày cuối năm 2021, Vân làm việc bị kiệt sức phải nhập viện. Khoảng thời gian ở đây, cô nhìn từng điều dưỡng lướt qua, rồi bất chợt rơi nước mắt vì nhớ nghề. "Khi ấy khát khao làm điều dưỡng trong tôi bùng cháy", cô nói và sau đó trở về quyết định nghỉ việc tại công ty đang làm sau 5 năm gắn bó.

Tháng 4/2022, Vân quyết định nâng cấp chuyên môn, nộp đơn và trúng tuyển vị trí điều dưỡng ở VNVC. "Tôi mừng bật khóc trước cơ hội được làm việc tại một đơn vị tiêm chủng hàng đầu cả nước. Mỗi ngày tôi được phục vụ các "thiên thần nhí", đó là mơ ước của tôi", cô chia sẻ.

Quay lại và bám trụ với nghề điều dưỡng như Vân không phải dễ. Trong khi gần đây, Sở Y tế TP HCM báo động tình trạng điều dưỡng nghỉ việc do áp lực công việc, đặc biệt là sau dịch Covid-19.

Thúy Vân theo dõi phản ứng của trẻ sau tiêm tại VNVC Hoàng Văn Thụ, quận Phú Nhuận, hôm 9/5. Ảnh: Minh Tâm.

Cách đây một tuần, cô bé Nguyễn Anh Thư, 5 tuổi được mẹ dẫn đến tiêm lại vaccine cúm. Ngồi trên ghế chờ, Anh Thư đưa đôi tay bé xíu vẫy gọi tên Vân: "Cô Vân tiêm cho con hồi trước kìa mẹ". "Mỗi khách hàng đến đây tiêm vẫn nhớ tên mình khi trở lại, thật sự hạnh phúc. Đó là động lực, là niềm vui riêng của điều dưỡng tiêm chủng", cô nói.

Chị Nguyễn Thị Kim Oanh, Giám Đốc Điều Dưỡng hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC cho biết toàn hệ thống hiện có hơn 2.000 điều dưỡng, trong đó chủ yếu là nữ. Đội ngũ của VNVC đa số đều trẻ và năng động nhưng có trình độ chuyên môn cao, đặc biệt 100% điều dưỡng được đào tạo, tập huấn liên tục để có kiến thức sâu về vaccine, thành thạo tất cả các phác đồ, lịch tiêm cho mọi lứa tuổi, kỹ năng xử trí cấp cứu và giao tiếp với khách hàng. Hàng năm, VNVC đều tổ chức thi tay nghề 2 lần trong năm.

Điều dưỡng cũng phải học các kiến thức về vaccine, khám sàng lọc, chống chỉ định, hoãn tiêm… không khác gì một bác sĩ. Nếu phát hiện chỉ định của bác sĩ chưa phù hợp, điều dưỡng hoàn toàn có quyền trao đổi với bác sĩ để lựa chọn chỉ định phù hợp hơn cho khách hàng.

"Họ chính là chốt chặn cuối cùng để đảm bảo mũi tiêm an toàn và hiệu quả cho khách hàng", chị nói.

Ngoài những áp lực đặc thù về chuyên môn. Điều dưỡng còn gặp áp lực riêng khi phục vụ khách hàng. "Như những người mẹ hiền, chúng tôi luôn giữ thái độ bình tĩnh và hiền hòa với tất cả khách hàng, kể cả với những vị khách thường tỏ thái độ với chúng tôi khi họ quá lo lắng cho con", vị Giám đốc cho hay.

Từ "nhát" trẻ thành yêu trẻ

Gắn bó gần ba năm tại trung tâm tiêm chủng VNVC Hà Tĩnh, điều dưỡng Trần Quốc Hoàn không biết mình đã yêu cái nghề này từ bao giờ. Từ một chàng trai không thích trẻ dần trở thành người "có năng lực" thu hút trẻ, nhận được sự yêu mến của các mẹ, các bé mỗi lần đến tiêm.

Anh kể, ca trực đầu tiên trong nghề Hoàn hỗ trợ tiêm uốn ván cho một bé nam, 5 tuổi. Vừa vào phòng tiêm cậu bé đã vùng vẫy, khóc thét lên dù Hoàn đã cố vỗ bé hụ mẹ. Khi điều dưỡng phụ trách tiêm đưa mũi kim lên, cậu bé ra sức đạp mạnh.

"Tôi phải cố giữ chặt bé để thực hiện tiêm an toàn, không lệch kim", anh kể.

Cuối ngày, Hoàn nhìn trên nền áo trắng vẫn còn in dấu giày của đứa trẻ, vết trầy xước nhỏ hằn trên da. Là điều dưỡng nam duy nhất tại trung tâm, đôi lúc anh cũng gặp trở ngại trong quá trình tiêm. Hoàn vẫn nhớ sự vụng về, lúng túng của mình khi thấy một em bé vài tháng tuổi khóc òa.

"Tôi cứ thụt thò, không dám tiêm cho bé vì sợ em đau. Mọi người trong phòng bỗng bật cười", anh kể.

Trần Quốc Hoàn thực hiện tiêm cho bé tại VNVC Hà Tĩnh vào ngày 9/5. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Hoàn còn nhớ vào năm 2021, dịch viêm màng não mô cầu xuất hiện ở Hà Tĩnh. Khi ấy, toàn xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê kéo nhau xuống trung tâm VNVC tiêm chủng phòng ngừa. Toàn đội điều dưỡng dốc sức tiêm đến tận 9h tối mới nghỉ.

Cuối năm ngoái chị Nguyễn Anh Đào, 25 tuổi từ xã Hương Liên, huyện Hương Khê chạy xe máy gần 70 km chở hai con nhỏ đến tiêm chủng. Khi ấy, Hoàn và các điều dưỡng đang chuẩn bị hết ca đi ăn trưa buộc phải dừng và thực hiện tiêm cho ba mẹ con.

"Công việc tiêm vaccine nhằm phòng bệnh, tạo sự an tâm cho người dân. Nhiều khi bản thân chịu vất vả một chút cũng đáng", chàng trai gốc Hà Tĩnh, 32 tuổi nói.

Cũng như Hoàn hay Thúy Vân, nhiều điều dưỡng khác vẫn tiếp tục gắn bó với nghề mình đã chọn và hết lòng vì khách hàng. Mỗi ngày sau ca trực, chân tay mệt rã rời, họ mới được nghỉ ngơi. Niềm vui và động lực tiếp tục làm việc của họ là nụ cười của khách khi hoàn thành mũi tiêm, không gặp phản ứng sau tiêm, an toàn về nhà.

PV

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/chuyen-chua-ke-ve-dieu-duong-tiem-chung-16923051210351442.htm