Chuyện chưa kể về người Việt chế tạo xe 'cơ bắp' Mustang nổi tiếng thế giới

Một câu chuyện ngỡ như cổ tích về ông Tăng Thái Hậu, kỹ sư trưởng chịu nhiệm phát triển chiếc Mustang 2005, một trong những thế hệ ấn tượng bậc nhất của Ford cũng như ngành công nghiệp ô tô thế giới.

Kỹ sư Tăng Thái Hậu.

Với những người đam mê ô tô thì không thể không biết Mustang, chiếc xe mang tính biểu tượng, khởi thủy cho trào lưu xe cơ bắp Mỹ. Tồn tại suốt từ 1965 đến nay, ảnh hưởng của Mustang trong ô tô có thể ngang với Rinus Michels trong bóng đá, bậc thầy tạo nên lối chơi tổng lực được kế thừa bởi Johan Cruyff.

Tuy nhiên, hôm nay không phải nói về Mustang, mà về ông Tăng Thái Hậu, kỹ sư trưởng chịu nhiệm phát triển chiếc Mustang 2005, một trong những thế hệ ấn tượng nhất của dòng này. Vị kỹ sư gốc Việt hiền lành, thân thiện, chỉ cần xét ở điểm profile trên Linked-in vẫn đề Hau Thai-Tang, có nghĩa là giữ nguyên tên tiếng Việt, dù hiện nay chức vụ của ông thuộc hàng cao cấp bậc nhất của hãng: Phó Chủ tịch Ford toàn cầu phụ trách phát triển sản phẩm và mua sắm.

Ông Hậu mới đây tuyên bố từ giờ trở đi Ford chỉ có 5 platform cho tất cả các loại xe. Ở thời điểm hiện tại, Ford hiện có hơn 2 chục mẫu xe khác nhau, và dự kiến còn tăng lên trong tương lai. Như vậy có nghĩa một platform sẽ phải dùng cho trung bình 4-5 dòng sản phẩm, hay mỗi platform lắp cho trung bình hơn 1.2 triệu xe. Ông Hậu chia sẻ: Hơn một thập kỷ trước, Ford từng bán một mẫu xe phân khúc A như Kia Morning tên là Ka ở các thị trường Nam Mỹ, châu Âu và Ấn Độ. Ngoài cái tên thì 3 chiếc xe ở 3 thị trường không có quá nhiều điểm tương đồng hay lắp lẫn.

"Ngựa hoang" Ford Mustang.

Nhưng giờ đã khác, hay ví von như một kỹ sư ngồi ở nhà máy Ford Hải Dương và người đồng nghiệp bên kia bán cầu có thể trao đổi với nhau về chiếc này, chiếc kia hay vị trí này, con ốc khác bởi phát triển chung sản phẩm là con đường mà Ford đã chọn và đi tiếp. Việc này đã được khởi đầu từ khi ông Alan Roger Mulally là một kỹ sư người Mỹ, giám đốc điều hành kinh doanh, và cựu Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Ford Motor Company khởi động từ năm 2006 và người kế nhiệm là ông Tăng Thái Hậu nâng lên một tầm cao mới.

5 cái platform mới bao gồm một cấu trúc unibody (khung xe liền khối) dẫn động cầu trước/hai cầu (cho xe nhỏ và Crossover), unibody cho xe cầu sau/hai cầu, một unibody cho xe thương mại (kiểu Transit), chassis rời cầu sau/hai cầu (dành cho các dòng bán tải như Ranger) và một cho xe điện.

Các platform này khác xa thời xưa nhờ có độ co giãn rất cao. Có nghĩa là thu gọn được cho xe nhỏ hơn hoặc kéo dài ra cho xe lớn hơn, cho cả chiều rộng và dài. Nhờ đó mà có khoảng 30% chi phí sản xuất xe được sử dụng chung. Giờ nếu một nhánh nào đó phát triển hệ thống điều khiển giải trí trong xe với các tính năng mới, nó sẽ được cập nhật sang cả các mẫu xe khác. Theo tính toán, có thể tới 70% chi phí/giá trị trên một chiếc xe được chia sẻ.

Như vậy nhiều khả năng thời gian ra mắt xe mới cũng nhanh hơn. Vòng đời xe Ford vào khoảng 6 đến 7 năm hiện nay sẽ còn khoảng hơn 3 năm vào thời điểm 2020. Xu hướng này không thể tránh khỏi. Thậm chí, tốc độ quay vòng có thể còn hơn cả thế. “Giờ chúng tôi bán xe giống như bán cá tươi và rau sạch vậy”, ông Hậu trả lời báo chí phương Tây. Cùng chờ đón một cuộc cách mạng thực sự tại Ford cùng vị thuyền trưởng gốc Việt sẽ khuấy đảo nền công nghiệp ô tô thế giới một ngày không xa.

Thanh Lê

Nguồn Người Đưa Tin: https://xe.nguoiduatin.vn/521/chuyen-chua-ke-ve-nguoi-viet-che-tao-xe-co-bap-noi-tieng-the-gioi-354348.html