Chuyển cơ quan công an xem xét sai phạm trong đào tạo, cấp giấy phép lái xe

Qua hình ảnh lưu trữ, tại một số kỳ sát hạch, Thanh tra Bộ GTVT phát hiện trong phòng sát hạch lý thuyết, thí sinh trao đổi khi làm bài, sát hạch viên nhắc bài cho thí sinh.

Đã phát hiện dấu hiệu sai phạm

Ông Lâm Văn Hoàng, Chánh Thanh tra Bộ GTVT cho biết, những năm gần đây, công tác quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe đã được phân cấp cho địa phương, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa các cơ sở đào tạo.

Qua thanh tra, kiểm tra, Bộ GTVT nhận thấy, một số nơi có hiện tượng buông lỏng trong công tác quản lý, giám sát dẫn đến tiềm ẩn nhiều nguy cơ tiêu cực. Theo đó, mới đây kết quả kiểm tra 40/63 Sở GTVT, Thanh tra Bộ đã tổng hợp hàng loạt sai phạm.

Cụ thể, trong quản lý công tác đào tạo, một số Sở GTVT để cơ sở đào tạo gửi báo cáo tiếp nhận danh sách học viên một số khóa học qua phần mềm chậm hơn nhiều ngày so với quy định.

Nhiều quy định trong chương trình đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe còn bất hợp lý tạo cơ hội tiêu cực xảy ra (Ảnh: V. Duẩn)

Nhiều quy định trong chương trình đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe còn bất hợp lý tạo cơ hội tiêu cực xảy ra (Ảnh: V. Duẩn)

Một số Sở GTVT còn hạn chế trong khai thác dữ liệu trên phần mềm hệ thống dữ liệu DAT (thiết bị giám sát thời gian và quãng đường thực hành lái xe) nên chưa kịp thời phát hiện, xử lý đối với cơ sở đào tạo không thực hiện đúng nội dung, chương trình, kế hoạch, tiến độ đào tạo, tổ chức thi kết thúc khóa học cho học viên khi chưa đủ điều kiện, chưa phát hiện, xử lý đối với các phiên học có dấu hiệu bất thường về dữ liệu DAT của cơ sở đào tạo.

Cũng theo Chánh Thanh tra Bộ GTVT, trong công tác sát hạch, một số sở duyệt danh sách học viên dự sát hạch khi chưa có đầy đủ dữ liệu trích xuất qua thiết bị DAT. Theo quy định phải có báo cáo kết quả thực hành lái xe trên đường qua thiết bị DAT; đủ số km thực hành lái xe trên đường, có dữ liệu học thực hành lái xe ban đêm, lái xe với xe số tự động của học viên để xem xét trước khi thực hiện công tác sát hạch.

Qua hình ảnh lưu trữ, tại một số kỳ sát hạch, trong Phòng sát hạch lý thuyết lái xe mô tô hạng A1 có hiện tượng thí sinh trao đổi với nhau khi làm bài và sát hạch viên trao đổi, hỗ trợ thí sinh.

Ông Hoàng nhấn mạnh, Thanh tra Bộ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổng hợp, phân tích, đã phát hiện có dấu hiệu sai phạm và sẽ chuyển thông tin đến cơ quan Công an để xem xét, xử lý theo quy định.

Nhiều tiêu chí sát hạch tạo cơ hội xảy ra tiêu cực

Chánh Thanh tra Bộ GTVT cũng cho biết, vừa báo cáo Bộ GTVT chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan rà soát, đánh giá đề xuất, kiến nghị của các cơ quan quản lý, các cơ sở đào tạo, sát hạch, các chuyên gia và dư luận xã hội để từ đó nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật để phù hợp thực tiễn, nâng cao chất lượng, tăng cường hơn nữa tính công khai, minh bạch trong công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX.

Chia sẻ thêm với P.V VietNamNet về những tồn tại trong công tác đào tạo, sát hạch lái xe hiện nay, ông Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia cho biết, có nhiều tiêu chí chưa đi vào thực chất, tạo cơ hội cho tiêu cực xảy ra.

“Đơn cử như việc quy định học viên phải đến các trung tâm đào tạo lái xe học trực tiếp Luật Giao thông. Tại sao không áp dụng việc học online mà cứ bắt ngồi lớp điểm danh?. Tôi nghĩ, quy định này nên điều chỉnh, tránh tiêu cực”, ông Tạo thông tin.

Hoặc quy định hiện nay yêu cầu thi thực hành trên cung đường quá dễ (tự vẽ, vắng người...cho học viên lái trong khoảng chạy 3- 4km). Điều này khác hoàn toàn với một số nước, đơn cử như tại Pháp người ta quy định mỗi thành phố phải có những cung đường đủ khó dùng để sát hạch lái xe.

Ở Hà Nội, tôi nghĩ trước khi cấp bằng chỉ cần yêu cầu học viên chạy từ Giáp Bát sang Gia Lâm. Nếu lái an toàn thì họ đủ điều kiện cấp giấy phép lái xe ngay”, ông Tạo phân tích.

Một quy định khác theo ông Tạo cũng bất hợp lý khi bắt buộc học viên phải có số lượng tiết cụ thể học trong ca bin.

“Cabin là giáo cụ trực quan để người ta làm quen với công việc mà không gây ra nguy hiểm. Nhưng học lái xe trên đường cũng là làm quen với nguy hiểm. Tâm lý của người lái trong ca bin với đời thực hoàn toàn khác nhau cho nên mới xảy ra tình huống người này có thể lái trong cabin giỏi nhưng ra ngoài lại loay hoay.
Do đó, tôi nghĩ rằng chúng ta có thể dùng cabin để hỗ trợ công tác đào tạo chứ không dùng cabin để kiểm soát trình độ học viên. Trình độ học viên bắt buộc phải qua thực tế”, ông Tạo nhấn mạnh .

N. Huyền

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/chuyen-co-quan-cong-an-xem-xet-sai-pham-trong-dao-tao-cap-giay-phep-lai-xe-2129577.html