Chuyện cổ tích mang tên 'Cô bé hát nhạc Trịnh'

'Cô bé hát nhạc Trịnh' Lê Thanh Huyền Trân trong bộ đồ tu từng tạo nên hiện tượng thú vị ở The Voice Kids 2014 với ngôi vị Á quân. Mới đây, chuyện Huyền Trân không thể đi Australia biểu diễn theo một chương trình nhân đạo vì không có CMND đã gợi lại cảm xúc nơi người yêu thích nhạc Trịnh. Tìm đến thăm cô bé ở một tịnh thất không tên nằm ở vùng sâu của tỉnh Long An, người viết như lạc vào truyện cổ tích.

Ngoài hát hay, Huyền Trân còn chơi tốt đàn ghi ta.

“Cô bé hát nhạc Trịnh” ngày ấy, bây giờ

Tại Giọng hát Việt nhí 2014, Huyền Trân đã tạo dấu ấn đặc biệt, khi tuổi đời còn rất trẻ nhưng dòng nhạc em chọn theo đuổi là nhạc Trịnh. Hình ảnh một cô bé mới 12 tuổi trong bộ đồ tu xuất hiện trên sân khấu trình diễn ca khúc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn “Còn tuổi nào cho em” đã để lại ấn tượng đặc biệt với khán giả. Giọng ca đã thu hút mạnh người nghe ngay từ những ca từ đầu tiên.

Nhiều người không tin được rằng cô bé chỉ mới 12 tuổi, bởi phải từng trải lắm mới có thể cảm được những ca từ giàu tính triết lý và đầy chất thơ của cố nhạc sĩ họ Trịnh. Khán giả sẽ không thể quên hình ảnh cô bé trong trang phục áo nâu sồng truyền tải đến khán giả những thông điệp giàu tính nhân văn của nhạc Trịnh qua giọng hát trầm buồn và thánh thiện.

Huyền Trân cho biết, nhạc Trịnh đến và len lỏi vào tâm hồn cô thật nhẹ nhàng và bình dị. Là một đứa trẻ mồ côi, được nhận vào nuôi dạy trong một tịnh thất, cô bé lớn lên trong nỗi buồn “mồ côi” của mình. Từ khi vào sống trong tịnh thất, hằng ngày em được nghe nhạc Trịnh Công Sơn do sư thầy mở, rồi được các anh chị chỉ cho hát, Huyền Trân cảm nhận và yêu thích dòng nhạc này lúc nào không hay.

Thử tìm hiểu và nghe những dòng nhạc khác, Huyền Trân không tìm thấy được sự đồng cảm và không nhìn thấy con người của mình trong đó. Do không có điều kiện theo dõi, Huyền Trân không biết đến chương trình Giọng hát Việt nhí mùa đầu tiên. Đến mùa thứ 2 The Voice Kids, thấy cô em nhỏ có khả năng ca hát, một “sư huynh” trong tịnh thất đã hỏi ý kiến sư phụ và Huyền Trân đã được động viên đăng ký tham gia cuộc thi.

Sau thành công ở The Voice Kids, Huyền Trân được nhiều nơi mời đi hát. Với Huyền Trân, niềm vui lớn nhất là có nhiều cơ hội để ca hát, vừa kiếm được tiền để giúp sư thầy chỉnh trang tịnh thất và tiếp tục giúp đỡ các em nhỏ mồ côi. Sau cuộc thi, Huyền Trân vẫn thường xuyên trau dồi giọng hát của mình. Huyền Trân không học thanh nhạc ở ngoài, mà học trong nhà cùng 2 sư huynh là Hoàng Nguyên và Nhất Nguyên.

“Tối nào hai sư huynh cũng dạy em hát và cho em những trải nghiệm rất quý báu. Hiện em vẫn đội mũ ni để đi diễn cho dù ai có ý kiến như thế nào. Kể cả khi thầy cho phép em đội tóc giả để hát diễn thì em cũng không đồng ý”, Huyền Trân chia sẻ.

Sau cuộc thi, Huyền Trân nhận được học bổng của Trường Tiểu học và Trung học Tây Úc (TP.HCM) và đang là bạn học cùng trường với "cô bé dân ca" Phương Mỹ Chi. Vừa đi học văn hóa ở trường, vừa đi hát tại các tụ điểm âm nhạc, đi hát ở nhiều tỉnh, rồi còn công việc ở tịnh thất, Huyền Trân khá vất vả.

“Em học cả ngày ở trường. Sáng sớm em phải chạy xe từ huyện Đức Hòa lên trường, học đến 5h chiều mới về. Sau đó em tập thể dục, học hát cùng các anh. Ngoài ra em cũng phụ sư thầy và các anh chị việc trông nom, chăm sóc các em nhỏ”, Huyền Trân kể.

Vừa làm, vừa hát, vừa học, Huyền Trân sau khi hoàn thành xong chương trình cấp 1, đã phải tạm ngưng việc học vì vấn đề sức khỏe. Những đêm trời trở gió, căn bệnh suyễn hành hạ cô bé mồ côi. Trước đó, Huyền Trân cũng đã chữa trị khỏi hẳn căn bệnh động kinh, vốn từng khiến cô bé không ít lần phải dở dang việc học. Trị dứt bệnh, Huyền Trân tiếp tục đến trường.

Con đường từ nhà đến trường không còn mười mấy cây số như trước, sau khi tịnh thất của sư thầy đã dời từ huyện Bình Chánh (TPHCM) về xã Hòa Khánh Tây (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An). Hàng ngày cô bé phải vượt khoảng 40 cây số đến trường. Vừa bước vào năm học mới này (lớp 8) “Cô bé hát nhạc Trịnh” của chúng ta lại phải tạm nghỉ học vì bệnh cũ tái phát.

Tịnh thất có 3 lực sĩ

Tại cuộc họp báo do UBND tỉnh Long An tổ chức ngày 27.9.2018, Đại tá Phạm Hữu Châu – Phó Giám đốc Công an tỉnh Long An – cho biết, Công an tỉnh đã được báo cáo về vụ việc liên quan đến thông tin Trưởng Công an xã Hòa Khánh Tây (huyện Đức Hòa) “đòi 100 triệu đồng” để làm CMND cho người dân.

Theo đó, cơ quan chức năng huyện Đức Hòa đã vào cuộc xác minh. Kết quả cho thấy, giọng nói trong đoạn băng ghi âm “đòi 100 triệu đồng” đúng là của ông Nguyễn Hoàn Khải – Trưởng Công an xã Hòa Khánh Tây. Giải trình với cơ quan kiểm tra, ông Khải cho biết, do người dân cứ đòi “bồi dưỡng” để làm CMND, nên ông nói chơi “giá 100 triệu đồng” để người dân ngán mà không quấy rầy ông nữa.

Những người có liên quan trong vụ việc (xin làm CMND) là “Cô bé hát nhạc Trịnh” Lê Thanh Huyền Trân và 2 người “sư huynh” là Lê Thanh Hoàn Nguyên, Lê Thanh Nhất Nguyên. Cả 3 đều là trẻ mồ côi, được một sư thầy nhận về nuôi dạy tại một tịnh thất ở huyện Bình Chánh (TPHCM), sau chuyển về xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, Long An.

Nếu như Huyền Trân được nhiều người biết tới ở The Voice Kids 2014, thì 2 sư huynh Hoàn Nguyên và Nhất Nguyên được người yêu nhạc biết đến như là “giọng hát triệu view” và sự xuất hiện ở cuộc thi “Tuyệt đỉnh song ca” 2017 (rút lui giữa chừng vì lý do sức khỏe).

Vào tháng 4.2018, Huyền Trân và 2 sư huynh được một tổ chức từ thiện mời sang Australia biểu diễn phục vụ Phật tử, sinh viên. Tuy nhiên do là trẻ mồ côi, thủ tục làm CMND kéo dài, đến thời điểm đó 3 anh em vẫn chưa có CMND, nên không thể làm hộ chiếu để xuất cảnh.

Người đại diện tổ chức từ thiện bên Australia đã trực tiếp bay về Việt Nam để giúp Huyền Trân và 2 sư huynh làm giấy tờ xuất cảnh. Người ấy đã liên hệ với Công an xã Hòa Khánh Tây làm CMND cho Huyền Trân và 2 người anh. Tuy nhiên ông Nguyễn Hoàn Khải cho rằng hồ sơ của cả 3 đều không đủ điều kiện để giải quyết.

Trở về nhà, người đại diện nhiều lần điện thoại cho ông Khải nhờ xem xét giúp đỡ làm CMND cho Huyền Trân và 2 anh. Qua điện thoại, ông Khải nói rằng cần có 300 triệu đồng để làm 3 giấy CMND. Cuộc điện thoại đã được người đại diện ghi âm và gửi đến cơ quan chức năng huyện Đức Hòa.

Sau khi nhận tố cáo, UBND huyện Đức Hòa đã thành lập đoàn kiểm tra, xác minh vụ việc. Kết quả kiểm tra cho thấy ông Nguyễn Hoàn Khải qua nói chuyện điện thoại có đề cập đến số tiền 100 đến 150 triệu đồng, nhưng thực tế ông Khải không nhận tiền. Theo giải trình của ông Khải, do người dân cứ điện thoại nhờ vả hoài, trong lúc ông đang nhậu với bạn (ngoài giờ làm việc), nên ông nói vậy để người dân không điện thoại quấy rầy nữa.

Hiện UBND huyện Đức Hòa và ngành chức năng đang tiếp tục xác minh làm rõ vụ việc để xử lý đúng theo quy định của pháp luật. Vì sự trục trặc nói trên mà Huyền Trân và 2 anh đã bỏ lỡ chuyến biểu diễn tại Australia.

Trong cuộc thi Tuyệt đỉnh song ca năm 2017, hai sư huynh Lê Thanh Hoàn Nguyên (SN 1990) và Lê Thanh Nhất Nguyên (SN 1991) không thành công vì bỏ dở nửa chừng. Cũng trong năm này, hai “sư huynh” cùng với 1 sư huynh khác là Lê Thanh Nhị Nguyên (SN 1998) đã thành công vang dội ở cuộc thi lực sĩ thể hình quận Bình Tân - TP.HCM với 3 huy chương Vàng, Bạc, Đồng cho 3 anh em.

Sau cuộc thi, cả 3 anh em đăng ký tham dự lớp đào tạo Huấn luyện viên thể hình và Fitness toàn quốc do Liên đoàn Cử tạ thể hình Việt Nam (Tổng cục TDTT) tổ chức và được cấp bằng Huấn luyện Thể hình Cấp II. Điều đáng ngạc nhiên là những chàng thanh niên xuất thân là trẻ mồ côi ấy, được nuôi dưỡng trong điều kiện của tịnh thất thiếu thốn mọi đường, sống cuộc đời khổ hạnh của người tu hành, lại nỗ lực học tập, rèn luyện, đạt đỉnh cao trong âm nhạc và thể thao.

Những thành công mà Huyền Trân có được là nhờ công lao của 2 “sư huynh” Hoàn Nguyên và Nhất Nguyên. Còn những kết quả trong âm nhạc và rèn luyện thể hình các anh em nhà Lê Thanh có được là nhờ công lao chỉ dạy của sư thầy, một người từng là nhà giáo, võ sĩ, rất yêu thích nhạc Trịnh.

Điều đáng ngạc nhiên và khâm phục hơn là các lực sĩ thể hình đoạt huy chương ấy không có điều kiện tập luyện thường xuyên hàng ngày vì còn bao công việc nặng nhọc của tịnh thất mà các sư huynh là lao động chính. Và khi dành được thời gian tập luyện, thì nơi tập không phải là 1 phòng GYM dù là cấp huyện, cấp xã. Các sư huynh phải tập với những dụng cụ tập luyện tự chế từ những vật liệu thô sơ như thanh gỗ, tạ bê tông…

Người viết cũng từng đến tập trong các phòng GYM đầy đủ phương tiện ở thành phố, dù đến giờ không đạt thành tích gì, body cũng chỉ bớt được chút mỡ thừa. Vì vậy mà khi thấy các sư huynh Hoàn Nguyên, Nhất Nguyên, Nhị Nguyên đẩy tạ “gỗ - bê tông” nặng tổng cộng hơn 100kg, bắp thịt cuồn cuộn, tôi thật sự thán phục và hiểu rằng phương tiện không là tất cả, mà trên hết là ý chí, quyết tâm…

Nhìn các sư huynh vận công để lộ vùng bụng “6 múi”, đẳng cấp mà bao thanh niên tập GYM ở thành phố thèm thuồng nhưng ít người đạt được, tôi thầm tiếc, phải chi các anh được tập luyện trong những điều kiện tốt hơn, biết đâu thể thao tỉnh Long An, thể thao nước nhà đã có thêm những nhân tài.

Kỳ Quan

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/vh-gt/chuyen-co-tich-mang-ten-co-be-hat-nhac-trinh-636705.ldo