Chuyến công du EU của Tổng thống Ukraine có đạt được kỳ vọng?

Thay vì lo ngại ban đầu chuyến công du Liên minh châu Âu (EU) chỉ mang tính biểu tượng và khó nhận được sự giúp đỡ từ các đồng minh phương Tây, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thậm chí còn nhận được nhiều cam kết về mặt quân sự.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy (giữa) được chào đón tại hội nghị thượng đỉnh EU tại Nghị viện Châu Âu ở Brussels, Bỉ ngày 9/2. Ảnh: AP

Trong hội nghị thượng đỉnh kéo dài 16 tiếng sang ngày 10/2 tại Brussels (Bỉ), Tổng thống Zelensky đã đề nghị các đồng minh phương Tây cung cấp thêm vũ khí và nhấn mạnh rằng "một Ukraine giành được chiến thắng" trong cuộc xung đột với Nga đủ tư cách trở thành thành viên của EU. Nhà lãnh đạo Ukraine cho rằng EU sẽ không hoàn thiện nếu không có Ukraine.

Kết thúc hội nghị, các nhà lãnh đạo EU cam kết họ sẽ làm tất cả những gì cần thiết để ủng hộ Ukraine, đặc biệt là viện trợ quân sự, song lại không đưa ra một kế hoạch hoặc thời gian cụ thể cho các cuộc đàm phán tư cách thành viên EU như ông Zelensky đã hy vọng.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết các nhà lãnh đạo đã nhất trí hỗ trợ Ukraine “không ngừng nghỉ và lâu dài” để giành chiến thắng trong xung đột.

Các nhà lãnh đạo EU cam kết trong tháng tới sẽ xem xét thúc đẩy cung ứng đạn dược cho Ukraine khi nước này phải đối mặt với những thách thức mới từ Nga.

Chủ tịch Hội đồng EU Charles Michel khẳng định EU cần hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp để đảm bảo rằng có thể tăng tốc độ sản xuất đạn dược và thực hiện các cam kết cần thiết.

Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết các nước thành viên cũng đang thảo luận về một gói trừng phạt mới trị giá 10 tỷ euro để ngăn cản Nga nhận được những hàng hóa quân sự mà nước này cần. Bà chỉ rõ gói trừng phạt sẽ nhắm vào những hàng hóa gần như không thể thay thế và được nhập khẩu từ nơi khác.

Trong chuyến công du lần này, Tổng thống Zelensky cũng nhận được nhiều hứa hẹn về việc cung cấp chiến đấu cơ. Khi được hỏi về yêu cầu từ phía Ukraine muốn nhận chiến đấu cơ MiG-29 từ thời Xô Viết, Thủ tướng Slovakia Eduard Heger lấp lửng: “Chúng tôi đang thảo luận về lời đề nghị”.

Trong khi đó, Tổng thống Pháp Macron cũng không loại trừ khả năng cung cấp chiến đấu cơ của nước này cho Ukraine. Ông Macron cho biết ưu tiên hiện tại là giúp Ukraine trong những tuần và tháng tới, song máy bay chiến đấu sẽ không thể được chuyển giao trong khung thời gian này.

"Tôi không loại trừ khả năng nào. Tất nhiên, chiến đấu cơ không thể được giao trong những tuần tới, đặc biệt là vì quá trình đào tạo kéo dài”, Tổng thống Macron nói. Thay vào đó, Pháp có thể cân nhắc tăng cường cung cấp các thiết bị khác như hệ thống pháo hoặc tên lửa.

Các cam kết được đưa ra sau khi Tổng thống Ukraine Zelensky kết thúc chuyến công du 2 ngày hiếm hoi ra bên ngoài Ukraine nhằm tìm kiếm thêm sự ủng hộ từ đồng minh và các cam kết về vũ khí phương Tây, trong bối cảnh lo ngại Nga rục rịch triển khai một cuộc tấn công mới.

Trước chuyến đi, giới quan sát cho rằng lần công du EU này của ông Zelensky chỉ mang tính biểu tượng, có tính rủi ro cao và sẽ không nhận được bất kỳ thông báo hỗ trợ quân sự cụ thể nào. Họ nhận định mục đích của chuyến thăm là giúp nhà lãnh đạo Ukraine có cơ hội đưa ra một thông điệp cá nhân mạnh mẽ về lời cảm ơn tới các đồng minh và đối tác chủ chốt ở châu Âu và thúc đẩy họ đoàn kết cũng như hỗ trợ nhiều hơn nữa.

Trong lần gặp mặt với các nhà lãnh đạo EU, Tổng thống Zelensky cũng đã bày tỏ nguyện vọng tha thiết muốn Ukraine trở thành một phần của EU. Tuy nhiên, dường như kỳ vọng này của ông đã không được đáp ứng.

Mặc dù nhà lãnh đạo Ukraine nhấn mạnh các cuộc đàm phán về tư cách thành viên EU của Ukraine nên bắt đầu trong năm nay, nhưng bà Von der Leyen khẳng định vẫn không có mốc thời gian cụ thể và chắc chắn cho việc đó. Trong thực tế, quá trình đàm phán tư cách thành viên thường mất nhiều năm mới có thể hoàn thành.

Kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2/2022, EU đã ủng hộ Kiev với khoản viện trợ khoảng 50 tỷ euro, cung cấp khí tài và áp đặt 9 gói trừng phạt đối với Nga.

Về phần mình, ông Dmitry Medvedev, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, đã đến thăm một nhà máy vũ khí ở Siberia ngày 9/2 và cho biết Nga sẽ đáp trả việc phương Tây viện trợ Ukraine bằng cách sản xuất hàng nghìn xe tăng. “Đối phương đang đi xin máy bay, tên lửa và xe tăng. Đương nhiên chúng ta sẽ tăng sản lượng vũ khí và thiết bị quân sự, bao gồm cả xe tăng hiện đại. Chúng ta đang nói về việc sản xuất và hiện đại hóa hàng nghìn xe tăng”, ông Medvedev nhấn mạnh.

Theo ghi nhận của cơ quan tình báo quân sự của Ukraine, giao tranh tại miền Đông nước này đã gia tăng vào ngày 9/2, sau khi lực lượng Nga đã phát động một cuộc tấn công vào các khu vực Donetsk và Luhansk, với mục đích giành quyền kiểm soát toàn bộ Donbass.

Bảo Hà/Báo Tin tức (Theo AP/Reuters)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/chuyen-cong-du-eu-cua-tong-thong-ukraine-co-dat-duoc-ky-vong-20230210124504357.htm